"Khoảnh khắc lịch sử! Quốc ca Việt Nam vang lên ở đấu trường World Cup", trang ASEAN Football đã mô tả như vậy sau trận ra quân của đội tuyển nữ Việt Nam ở World Cup 2023 gặp đội tuyển nữ Mỹ.
Có lẽ, không ít người hâm mộ Việt Nam đã run lên vì xúc động khi ca khúc "Tiến quân ca" vang lên ở giải đấu tầm cỡ như World Cup. Bỏ qua yếu tố chuyên môn, hình ảnh những cô gái vàng của Việt Nam cùng nhau hát vang Quốc ca giữa bầu trời New Zealand mang ý nghĩa rất lớn. Điều đó cho thấy chúng ta có thể cất lên bản anh hùng ca của riêng mình, cùng với nhiều cường quốc bóng đá trên thế giới.
Có thể rất nhiều năm nữa, trình độ của chúng ta mới sánh được với những đội bóng mạnh trên thế giới nhưng việc được đứng trên sân khấu lớn, hát vang Quốc ca Việt Nam đã là chiến thắng bước đầu của đội tuyển nữ Việt Nam.
"Tất cả cầu thủ Việt Nam đồng thanh hát vang Quốc ca một cách say sưa, với cánh tay phải đặt lên ngực. Đó là khoảnh khắc mà những người Việt Nam chờ đợi rất lâu", tờ Newsweek của Mỹ mô tả.
Trên sân, các cô gái vàng của Việt Nam đã thất bại 0-3 trước Mỹ nhưng ít nhất, trong khoảnh khắc ngắn ngủi đầu trận ấy, chúng ta đã chiến thắng. Đó có thể xem là chiến thắng của niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc.
Sau trận đấu, trên nhiều mặt báo Mỹ và diễn đàn, giới mộ điệu xứ Cờ hoa đã dấy lên tranh cãi lớn. Hầu hết các cầu thủ Mỹ im lặng khi bản quốc gia "The Star Spangled Banner". Họ chắp tay sau lưng với thái độ hờ hững. Chỉ có 5 người đặt lên trái tim và 3 người hát vang bản nhạc ấy.
Không phải ngẫu nhiên, tờ NY Post (Mỹ) đã so sánh hình ảnh đối lập về hình ảnh của hai đội tuyển nữ Mỹ và Việt Nam trong lúc hát quốc gia. Sự tương phản ấy càng tô đậm "chiến thắng" của đội tuyển nữ Việt Nam.
Thực tế, việc đội tuyển nữ Mỹ im lặng khi Quốc ca vang lên không phải là điều mới. Megan Rapinoe là người đi đầu trong phong trào này. Năm 2016, cô trở thành nữ cầu thủ da trắng đầu tiên quỳ gối khi Quốc ca Mỹ vang lên ở sự kiện thể thao. Đó là động thái để ủng hộ cầu thủ bóng bầu dục Colin Kaepernick để phản đối sự phân biệt chủng tộc ở xứ sở Cờ hoa.
Thậm chí, Megan Rapinoe còn tuyên bố: "Tôi không bao giờ hát Quốc ca nữa". Trong cuộc trả lời phỏng vấn sau đó, nữ tiền đạo này còn khẳng định cảm thấy khó chịu với quy tắc của Liên đoàn bóng đá Mỹ. Cơ quan này yêu cầu các cầu thủ "đứng lên (thay vì quỳ gối) và thể hiện sự tôn trọng với Quốc ca Mỹ".
Cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump từng lên án hành động của Megan Rapinoe và nhiều tuyển thủ nữ của Mỹ nhưng tới nay, tình trạng này vẫn không chấm dứt. Hành động phản đối của các tuyển thủ nữ Mỹ là vấn đề nhức nhối của những quốc gia có vấn đề chủng tộc phức tạp như Mỹ. Dù cho đội bóng này vẫn thống trị thế giới ở môn bóng đá Mỹ nhưng về mặt hình ảnh, không thể coi đó là thắng lợi.
Trở lại câu chuyện của các nữ tuyển thủ Việt Nam. Có thể hành trình của họ khép lại chỉ sau ba trận vòng bảng. Nhưng chắc chắn, mỗi khi Quốc ca Việt Nam vang lên, chúng ta đều có thể tự hào vì những đôi tay đặt lên ngực và tinh thần ý chí quật khởi của những cô gái vàng Việt Nam. Trên hết, họ là những biểu tượng của chiến thắng.
Xem nhanh
, 12/12/2024