Follow along with the video below to see how to install our site as a web app on your home screen.
Note: This feature may not be available in some browsers.
1h sáng ngày 29/3, Jiho Zirlin, một trong các đồng sáng lập công ty game crypto đến từ Việt Nam là Sky Mavis, nhận được tin nhắn từ một đồng sáng lập khác, Aleksander Larsen. Zirlin, giám đốc phát triển của công ty, lúc này đang thư giãn trong căn Airbnb của anh ở Los Angeles. Anh có lịch phát biểu tại hội thảo NFT LA vào sáng hôm sau, nơi anh dự định dùng những lời có cánh để ca tụng tựa game hàng đầu của Sky Mavis - Axie Infinity.
Thấy tên của Larsen xuất hiện trên điện thoại vào thời điểm khá trễ như vậy khiến Zirlin cực kỳ ngạc nhiên. Larsen nói Zirlin kiểm tra ngay kênh Discord của Sky Mavis, và đó là lúc anh phát hiện ra một tin chấn động: Axie Infinity đã bị hack.
Trong phòng chat, Zirlin thấy một bản tin nội bộ do CTO của công ty vừa đưa lên, nêu chi tiết những gì đã xảy ra và đã được làm rõ cho đến hiện tại. Theo đó, vào ngày 23/3, hacker đã cuỗm số crypto trị giá 620 triệu USD từ Axie Infinity - cũng là vụ cướp lớn nhất trong lịch sử ngành crypto. Đáng nói là, Sky Mavis không hề để ý thấy đã bị mất tiền cho đến tận 6 ngày sau đó.
“Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của chúng tôi” - Zirlin nói. Anh thức trắng đêm đó. “Tôi như muốn hét lên và khóc”
Dẫu vậy, anh quyết định vẫn hoàn tất bài phát biểu vào sáng hôm sau. Lúc 8h29 sáng ngày 29/3, vài giờ sau khi nhóm phát triển tập hợp trên Discord, Sky Mavis đăng tải một bức thư công bố thông tin về vụ hack với cộng đồng. Lúc 9h30 sáng, Zirlin bước lên sân khấu.
Anh tỏ ra cứng rắn trong suốt buổi nói chuyện, và cả tại một buổi gặp đã lên lịch trước với các fan Axie Infinity vào tối hôm đó.
Nguyễn Thành Trung, CEO của Sky Mavis
Trước vụ hack, Axie Infinity đã luôn là cái tên sáng giá nhất, đại diện cho ngành công nghiệp game crypto đang bùng nổ. Trò chơi này, nơi game thủ nuôi những con quái vật ảo gọi là Axie và cho chúng chiến đấu với nhau, sử dụng mô hình “play-to-earn” (chơi để kiếm tiền) - tức là trong quá trình “cày cuốc”, game thủ sẽ được thưởng bằng token crypto và có thể trao đổi chúng để lấy tiền thật. Đến mùa hè năm 2021, nhiều game thủ ở các quốc gia thu nhập thấp đến trung bình cho biết họ kiếm được những số tiền khủng chỉ bằng cách chơi Axie, đến mức bỏ cả việc để dành trọn thời gian chơi game.
Tại Philippines, nơi tựa game này cực kỳ phổ biến, một số game thủ thậm chí thu về đến 2.000 USD mỗi tháng. “Axie mang lại thu nhập tốt hơn, và ở nhà chơi cũng an toàn hơn nữa” - một game thủ nói. Số lượng người chơi khủng giúp công ty có được doanh thu khổng lồ, kéo theo đó là sự hứng khởi của các nhà đầu tư - vào tháng 8/2021, Bloomberg từng gọi sự hứng khởi xoay quanh tựa game này bằng cụm từ “Axie frenzy” (cơn cuồng Axie).
Nhiều công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, bao gồm Andreessen Horowitz và Paradigm, được cho là đã đổ tổng cộng hơn 150 triệu USD vào Sky Mavis, đẩy giá trị ước tính của công ty này lên khoảng 3 tỷ USD vào tháng 10/2021.
Khi được phỏng vấn vào đầu năm 2022, các đồng sáng lập Sky Mavis nói rằng sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong năm 2021 là một phần trong tầm nhìn dài hạn hướng tới Web3. Họ đã giới thiệu hàng triệu người đến với ngành công nghiệp crypto thông qua tựa game của mình. Với kế hoạch tung ra một phiên bản miễn phí cho di động, và một bản Axie Infinity tiếp theo đang được phát triển, dường như không gì có thể cản trở Sky Mavis và tựa game hàng đầu của họ.
Nhưng không có gì là hoàn hảo, và những dấu hiệu rạn nứt bắt đầu xuất hiện. Vào cuối tháng 3, số lượng người dùng hàng ngày của game giảm chỉ còn dưới 1,5 triệu so với mức đỉnh cao 2,7 triệu vào cuối năm 2021. Giá trị của đồng tiền chính trong game cũng giảm từ 0,4 USD xuống 0,02 USD.
Trong khi đó, nhiều câu hỏi nổi lên xoay quanh tính bền vững của ngành công nghiệp game crypto. Thị trường crypto nói chung đang trên đà giảm; giá trị của các sản phẩm blockchain như NFT đang tụt dốc không phanh. Giới quan sát liên tục nói về mô hình Ponzi, rằng crypto chỉ là một trò lừa đảo, mang lại lợi nhuận cho người đến trước, và đốt sạch túi tiền người đến sau.
Về phần Sky Mavis, khi cả nhóm phát triển tìm cách thuyết phục người chơi và các nhà đầu tư rằng họ có tầm nhìn dài hạn, chứ không chỉ là một sản phẩm phụ của cơn cuồng crypto, thì vụ hack xảy ra.
Sky Mavis được sáng lập vào năm 2017, với kế hoạch bán những nhân vật Axie đầu tiên - những con quái vật số, đồng thời cũng là các NFT - trước khi ra mắt phiên bản đầu tiên của game, nơi những nhân vật đó có thể hoạt động.
Trong vài tuần đến vài tháng tiếp theo, đợt pre-sale những con Axie thu hút được sự chú ý lớn từ cộng đồng game crypto mới nổi.
Tựa game này được xây dựng với lối chơi khá dễ hiểu. Có phần giống Pokemon, Axie là những con quái vật nhỏ, dễ thương, mà bạn có thể huấn luyện và mang ra chiến đấu với Axie của những người chơi khác. Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng: trong các game truyền thống, quyền sở hữu game thuộc về nhà phát triển, không cần biết người chơi đã đóng góp ý kiến hoặc đầu tư (cả tiền bạc và thời gian) bao nhiêu đi chăng nữa. Với Axie, người chơi sở hữu các nhân vật của họ, và cả các tài sản mà họ có thể kiếm được trong game. Game càng thành công, người chơi càng hưởng lợi - và điều đó khuyến khích họ kêu gọi thêm nhiều người tham gia nhằm mở rộng sự phổ biến của game.
Tháng 10 năm đó, Sky Mavis chính thức tung ra phiên bản đầu tiên của game, cho phép người sở hữu Axie chiến đấu với nhau, rồi sau đó tiến hóa dần thành một hệ thống đấu thẻ bài phức tạp hơn. Phiên bản hiện tại của Axie Infinity được ra mắt chỉ sau đó một năm. Sở hữu lối chơi linh hoạt hơn phiên bản đầu tiên, bản game mới cho phép người chơi kiếm token crypto trên nền blockchain Ethereum, gọi là Smooth Love Potion (SLP), bằng cách đưa Axie của họ vào các cuộc phiêu lưu hay chiến đấu với các Axie khác. SLP có thể được sử dụng để “ấp” ra các Axie mới. Bạn càng kiếm được nhiều SLP, bạn càng có cơ hội sở hữu thêm nhiều Axie, và với số Axie đó bạn lại tiếp tục kiếm thêm được SLP… SLP cũng có thể được giao dịch trên các sàn crypto để lấy tiền thật - giống như giao dịch bitcoin để lấy dollar vậy.
Sky Mavis còn tung ra một token khác, Axie Infinity Shards (AXS), cho phép người nắm giữ có quyền bầu chọn và kiểm soát hệ thống tài chính cộng đồng của Axie. AXS là một token quản trị với số lượng có hạn, và hiện trên thị trường chỉ lưu hành 31% tổng số token này mà thôi.
Người dùng chỉ có thể sử dụng một đội gồm 3 Axie một lúc - một giải pháp nhằm hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế trong game. Nhưng những con Axie chưa dùng đến lại có thể được mang đi cho mượn, và chủ nhân của chúng sẽ được chia sẻ một phần phần thưởng của người mượn Axie. Người cho mượn được gọi là “manager”, và người đi mượn được gọi là “scholar”.
Game tiếp tục tiến hóa theo những cách mà ngay cả các nhà sáng lập cũng phải thừa nhận là họ chưa bao giờ hình dung ra được. “Chúng tôi thực ra đã cân nhắc ngừng game” - Larsen nói. “Bởi chúng tôi biết rằng hệ thống sẽ không thể gánh nổi việc tạo ra SLP từ tất cả lượng người chơi khổng lồ đó”. Nhưng Sky Mavis lại quyết định chờ để xem điều gì sẽ xảy ra.
Rất nhiều người, mà phần nhiều có khá ít kinh nghiệm trong lĩnh vực crypto, bắt đầu tràn vào game dù gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật trong quá trình tải ví điện tử, mua tiền mã hóa, và mua các nhân vật Axie. “50% số người dùng của chúng tôi chưa bao giờ sử dụng crypto hay blockchain trước đây” - Zirlin nói.
Các nhóm người chơi, hay “guild”, hình thành để kiếm tiền từ những người muốn chơi Axie nhưng thiếu vốn, kinh nghiệm, hay kiến thức. Yield Games Guild (YGG) của Phillipines, tiên phong đưa ra mô hình để thu hút người chơi: guild này sẽ mua các Axie và cho người khác mượn để chơi - đổi lại, họ sẽ giữ lại 10% số SLP người chơi kiếm được, chia sẻ 20% cho các manager độc lập (những người hướng dẫn các scholar), và để các scholar giữ lại 70%.
“Axie là game có quy mô không quá lớn cho đến khi YGG xuất hiện” - theo **Yat Siu, nhà đầu tư thiên thần, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Animoca Brands, từng dẫn dắt một vòng gọi vốn vào Axie hồi cuối năm 2019. YGG đã xây dựng nên “một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới dựa trên quyền sở hữu các Axie mà không cần sự cho phép từ chính Axie Infinity hay Sky Mavis”
Khi YGG và các guild khác mang nhiều người chơi đến cho Axie Infinity, giá trị của đồng tiền trong game cũng bắt đầu tăng lên, và game bắt đầu oằn mình dưới áp lực của hoạt động người chơi. Vào đầu năm 2021, các máy chủ của Sky Mavis quá tải khi số lượng người chơi tăng cao. Giao dịch trên Ethereum đã trở nên quá chậm và đắt đỏ đối với tựa game này, và thời gian để ấp, mua, và bán các Axie cũng là quá lâu. Cuối cùng, Sky Mavis quyết định lập nên một sidechain mới fork ra từ Ethereum, tên là Ronin, vào tháng 2/2021.
Với chain mới tốc độ cao và hiệu quả hơn, Axie bay như diều gặp gió. Tựa game này tăng trưởng theo cấp số nhân, giá trị SLP đạt đỉnh gần 0,4 USD mỗi token. “Chúng tôi đã luôn mơ về việc mở rộng quy mô đến mức khủng khiếp như thế này” - Zirlin nói. Ấy vậy nhưng, thành công của game đã làm các nhà sáng lập lơ là.
Jeffrey ‘Jiho’ Zirlin, Growth Lead tại Sky Mavis
Đến mùa hè năm 2021, một số người chơi tại các quốc gia đang phát triển như Philippines, Việt Nam, và Venezuela nhận ra rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi chơi Axie thay vì làm công việc thường ngày. “Play-to-earn” đã trở thành một phần quan trọng trong chiến dịch marketing của Axie Infinity.
Trong các bài phỏng vấn, Larsen luôn ca tụng Axie không chỉ là tương lai của game, mà còn của công việc và tiền bạc nữa.
Trước Axie Infinity, Juan Samitier, 22 tuổi, tốt nghiệp ngành kế toán tại Argentina, đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực crypto - nhưng không phải là game crypto. “Play-to-earn là thế giới hoàn toàn mới mẻ đối với tôi” - anh nói. Vào tháng 6/2021, anh trả 1.500 USD để mua “hai đội Axie xịn”. Sau khi học được cách ấp Axie, anh đầu tư thêm 3.000 USD để mua thêm quái vật.
Gia đình và bạn bè nghĩ rằng anh bị điên. “Họ đối xử với tôi như một gã cuồng thích mua mấy con quái vật nhỏ”. Khoản đầu tư ban đầu của anh đã gần tương đương mức lương trong một năm của một người Argentina thuộc tầng lớp trung lưu. Nhưng chỉ hai tháng sau, mọi người bắt đầu hỏi anh cách để tham gia trò chơi này.
Tuy nhiên, Samitier không hứng thú với bản thân tựa game, mà với khoản thu nhập nó mang lại cho anh. Anh mở dịch vụ cho thuê Axie với khoảng 50 khách hàng, chủ yếu từ Philippines, Venezuela, và Argentina - những người anh tìm thấy trên kênh Discord của Axie Infinity, trong đó có cả những bà mẹ đã hơn 50 tuổi.
Có thời điểm, các scholar của Samitier kiếm được số tiền tương đương với một công chức lương cao ở Argentina. Samitier lấy 70% lợi nhuận SLP của các scholar này. Ở đỉnh cao, anh nhận được đến 700 USD/tháng/scholar.
Nhưng vào cuối năm 2021, Samitier nghi ngờ bong bóng sắp nổ và cảnh báo các scholar của mình hãy cẩn thận bằng cách đa dạng hóa danh mục crypto và bán lấy tiền mặt.
Cuối năm 2021, giá trị của SLP giảm mạnh vì nhu cầu đối với Axie bắt đầu hạ nhiệt. Với 50 scholar, Samitier vẫn kiếm được từ 2.000 - 3.000 USD/tháng, dù thấp hơn nhiều so với trước.
Đến tháng 1/2022, Samitier cho biết các scholar của anh ở Argentina bắt đầu nghỉ game bởi thu nhập không còn xứng với thời gian họ bỏ ra nữa. Vào tháng 2 và 3, hầu hết người chơi từ Venezuela và Philippines cũng nghỉ game. Lợi nhuận từ các scholar giảm mạnh. Samitier quyết định bán hầu hết các đội Axie của mình và chỉ giữ lại một vài scholar mà thôi.
Những người chơi và manager khác thì ít sành sỏi hơn. Một manager từ Việt Nam, người muốn giấu tên vì không muốn bạn bè và gia đình phát hiện ra anh đã mất mọi thứ vì game, nhớ lại câu chuyện đáng sợ.
Trước khi phát hiện ra Axie, người này sở hữu một cửa hiệu ảnh cưới nhỏ với khoảng 5 nhân viên, cho đến khi đại dịch virus corona bùng phát. Anh bắt đầu chơi Axie Infinity vào tháng 7/2021, khi SLP gần lên đến đỉnh, và gia nhập 6 đội Axie. “Thấy có thu nhập tốt, tôi bắt đầu giới thiệu cho gần 50 người lúc này chưa có nghề nghiệp gì” - anh giải thích. Anh còn đi vay tiền ngân hàng để đầu tư vào game. “Tôi đã nghĩ rằng có lẽ mình nên bỏ nghề chụp ảnh cưới để dồn toàn lực cho Axie”
Khi thị trường bắt đầu đi xuống, anh vẫn tin Sky Mavis sẽ có cách đảo ngược tình thế. Nhưng đời không như mơ, hiện anh đang rơi vào cảnh cùng quẫn khi không còn tiền trả nợ ngân hàng, và có lẽ ngôi nhà cả gia đình đang sống cũng sắp phải bán nốt. “Vợ tôi khóc nhiều lắm. Tôi thấy có lỗi với vợ và con. Chúng còn nhỏ xíu. Đó là lỗi của tôi. Tôi hận chính mình, và hận cả Sky Mavis” - anh nói.
Will Robinson, một chuyên gia về token trong nền kinh tế số, cho biết khi giá trị của các token game crypto như SLP tụt dốc vì bất kỳ lý do gì, chuyện đó thường có xu hướng diễn ra rất nhanh. Ngay khi đường cong tăng trưởng đảo chiều và số lượng người muốn có Axie giảm sút, Axie sẽ mất giá trị. Kết quả là, ngày càng ít người muốn chúng, nên người chơi và các manager cũng kiếm được ít tiền hơn. Rồi số người muốn Axie tiếp tục giảm, và giá trị của Axie cũng bắt đầu lao dốc nhanh như khi tăng vậy.
Robinson cho rằng Sky Mavis không thể làm gì để ngăn thảm họa xảy ra.
Molly White, một kỹ sư phần mềm và là người lập lên website “Web3 Is Going Just Great”, cho biết cái chế của SLP là điều không hề ngạc nhiên. “Rồi điều đó cũng phải xảy ra, bởi cách mà họ thiết lập nền kinh tế trong game. Vấn đề là ‘khi nào’ chứ không phải ‘nếu’” - cô nói.
White nói rằng game này về cơ bản không có dòng tiền vào thực sự nào ngoài lượng người chơi mới tham gia - đây chính là yếu tố khiến nhiều chuyên gia crypto không đề cao mô hình của Axie. Ngay khi nguồn cung của Axie cao hơn dù chỉ một chút so với nhu cầu, toàn bộ nền kinh tế của nó sẽ sụp đỏ, dù vào thời điểm đó, người ta vẫn chưa nhận thức rõ nguy cơ.
“Nền kinh tế của những tựa game như vậy cực kỳ khó để tinh chỉnh” - White nói, nhấn mạnh rằng nền kinh tế trong các tựa game truyền thống không liên quan đến crypto vốn đã rất phức tạp rồi. Và khi thêm một lớp mới, trong đó token có thể được giao dịch để lấy tiền thật, mọi thứ trở nên “khó khăn hơn gấp bội lần”
Với những game thủ trót say mê hệ thống phần thưởng của Axie Infinity, “tuần trăng mật” đã chấm hết vào đầu năm 2022. Nhưng công ty dường như không bận tâm đến những thay đổi trên thị trường. Vào tháng 2/2022, Axie trở thành series NFT đầu tiên đạt doanh số 4 tỷ USD. Và dù số người chơi sụt giảm, lượng người chơi trung bình hàng ngày vẫn duy trì ở mức khoảng 1,5 triệu tính đến cuối tháng 3/2022 - cao hơn đáng kể so với một năm trước đó. Đồng thời, giá trị của SLP dường như khá ổn định ở mức 0,02 USD - giảm mạnh so với đỉnh 0,4 USD, nhưng so với 0,06 USD của một năm trước đó thì cũng không đến nỗi nào.
Trong các cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay, các đồng sáng lập của Sky Mavis khẳng định đang tích cực nghiên cứu để bình ổn và đảm bảo sự bền vững cho nền kinh tế của Axie Infinity. Với nhiều cải tiến đang được cân nhắc, bao gồm phiên bản Axie Infinity Origin miễn phí, trong đó người chơi sẽ được tặng một gói quà bao gồm 3 Axie miễn phí (nhưng không phải NFT) mà họ có thể dùng để làm quen với gameplay, thì tương lai của Axie Infinity dường như vẫn khá tươi sáng. “Một khi game hoàn thiện hơn, tôi tin nền kinh tế cũng sẽ ổn định” - Larsen nói.
Thế rồi, vào ngày 29/3, Zirlin nhận được tin nhắn từ Larsen. Tình hình lúc này tệ hơn nhiều so với dự đoán, và có lẽ chưa dừng ở đó.
Aleksander Larsen, COO của Sky Mavis
Trong một bài viết đăng tải hôm 29/3, Sky Mavis tiết lộ rằng Cầu Ronin, điểm truy cập thanh khoản giữa Ethereum và sidechain Ronin, đã bị hack. Các hacker đã cuỗm số Ether và USDC (một stablecoin neo giá vào USD) trị giá 620 triệu USD. Tính theo giá trị dollar, đây là vụ trộm crypto lớn nhất trong lịch sử. Điều đáng nói là vụ hack đã diễn ra từ 6 ngày trước, tức 23/3.
Bài viết của Sky Mavis cho thấy nhóm chỉ phát hiện ra sự việc sau khi một người dùng báo cáo lỗi không thể rút một lượng lớn crypto của họ từ Cầu Ronin. “Chúng tôi không có hệ thống giám sát phù hợp để giám sát những dòng tiền lớn rút ra từ cầu này, đó là lý do tại sao vụ trộm không thể bị phát hiện ngay lập tức” - một bài viết sau đó giải thích.
“Họ mất dấu một số tiền lớn đến điên rồ” - White nói. Làm sao mà một công ty - dù là blockchain hay không - lại không để ý đến việc bị mất hơn nửa tỷ dollar, trong gần cả tuần, vậy chứ?
Khi đã phát hiện ra vụ hack, Cầu Ronin đã được tạm đóng lại, có nghĩa là không ai có thể rút hay nạp tiền nữa. Người chơi Axie lo lắng về việc liệu số SLP trong ví họ có còn đáng giá chút nào hay không, và liệu họ có còn rút được tiền từ game hay không!
Beryl Li, đồng sáng lập phụ trách tài chính và chiến lược của YGG, lần đầu nghe về vụ hack trên Twitter. Cô thấy thông tin lan ra “như cháy rừng” trên feed của mình, và bị sốc: tựa game đã đưa mang lại cả núi tiền cho YGG vừa trải qua một vụ hack có khả năng khiến nó sụp đổ hoàn toàn. Dù còn niềm tin vào Axie Infinity, cô quan ngại những hậu quả nó có thể gây ra cho toàn ngành công nghiệp. “Chúng ta đang cố đưa mọi người đến với Web3. Và nay uy tín của Web3 vừa bị hack”
Ronin tiếp tục ngừng hoạt động trong quá trình nhóm điều tra vụ hack với sự trợ giúp từ các công ty an ninh mạng như CrowdStrike và Chainalysis. Hệ thống xác thực bằng chứng cổ phần của Ronin bao gồm 9 validator được tin cậy - 4 trong số 9 validator đó thuộc về Sky Mavis, và để phê chuẩn một lệnh nạp hay rút, cần có ít nhất 5 validator. Theo thông cáo của công ty, tất cả 4 validator của Sky Mavis đều bị hack, cùng với một validator bên thứ ba điều hành bởi Axie DAO (một tổ chức tự trị phi tập trung điều hành bởi cộng đồng Axie Infinity). Hóa ra một nhân viên của Sky Mavis, người không còn làm việc ở công ty nữa, đã bị tấn công spear phishing. Những kẻ tấn công lợi dụng quyền truy cập của người này để hack các validator. Vào tháng 4, FBI và các cơ quan chức năng khác của Mỹ đã tìm thấy mối liên hệ giữa vụ hack với Lazarus Group và APT38, hai nhóm hacker của Bắc Triều Tiên.
Kể từ vụ hack, Sky Mavis đã tập trung cải tiến Ronin và thêm vào nhiều validator mới. Trong khi đó, họ cho thực hiện nhiều cuộc đánh giá bảo mật và dự kiến mở lại Cầu Ronin vào cuối tháng 6.
Điều đó không đồng nghĩa các token của game trở nên vô giá trị trong suốt 2 tháng qua. Bốn ngày sau bài viết của Sky Mavis, sàn Binance cho phép rút hai token của game là AXS và SLP, đóng vai trò cầu nối phụ trong khi Ronin ngừng hoạt động. Sky Mavis cũng kêu gọi được quỹ trị giá 150 triệu từ Andreessen Horowitz, Dialectic, Paradigm, và Animoca nhằm đảm bảo duy trì tài sản cho người dùng.
Quỹ hỗ trợ này - và sự trấn an mà nó mang lại - dường như đã làm an lòng nhiều người chơi, manager, và các guild, rằng Axie Infinity sẽ không sụp đỏ. Một manager từ Philippines nói rằng dù mọi người trong cộng đồng khá thất vọng trước vụ hack, anh cảm thấy an tâm với phản ứng của công ty. “Tôi vẫn tự tin về cách mà họ kiểm soát thiệt hại”
Đối với Li (YGG), hệ sinh thái Web3 chắc chắn không để đầu tàu của nó lun bại. “Tất nhiên là chúng tôi lo lắng, kiểu như ‘Chuyên gì sẽ xảy ra tiếp đây?’” - cô nói. “Nhưng tôi nhận ra rằng, Axie quá quan trọng, không thể sụp đổ được”
Văn phòng của Sky Mavis tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6/2022
Trong vài tháng trở lại đây, đội ngũ marketing của Axie Infinity bắt đầu tránh dùng từ “play-to-earn” để miêu tả về cơ chế game, thay vào đó là “play and earn”. Đó là một sự thay đổi nhỏ, nhưng báo hiệu tham vọng của Sky Mavis nhằm biến Axie Infinity thành một tựa game mà mọi người thích chơi để giải trí, đồng thời là cách để họ kiếm tiền trong quá trình đó - và có lẽ cũng để người chơi không đặt kỳ vọng quá lớn vào khoản đầu tư của mình. Zirlin nói rằng sự chuyển đổi mô hình này là một “sự chuyển đổi quy mô toàn ngành công nghiệp”
Với các tính năng mới và phiên bản Axie Infinity Origin miễn phí, mục tiêu của Sky Mavis là giúp game có sức hút riêng, và không dựa hơi gameplay sản sinh lợi nhuận như trước. Bởi nếu game không vui, thì “nền kinh tế game sẽ không hiệu quả. Nếu người ta chỉ tìm đến để kiếm tiền, thì đó là một hệ thống không bền vững và nền kinh tế sẽ sụp đổ” - Zirlin nói.
Trong khi đó, Larsen đề xuất Sky Mavis nên cẩn trọng hơn khi dựa vào cơ chế play-to-earn. “Khi bạn chạm trần” - tức giá trị rút ra vượt ngưỡng giá trị đưa vào game - “rất khó để trở lại thế cân bằng” - anh nói. “Mục tiêu lâu dài của Axie về cơ bản là làm ra một game mà mọi người thích chơi”
Có một số bằng chứng cho thấy hướng đi mới đang phát huy hiệu quả. Phát biểu hồi cuối tháng 4, Li khẳng định số lượng scholar chơi Axie của YGG vẫn tăng, và hiện đã đạt gần 30.000. Các scholar chủ yếu từ Philippines, và họ hiện kiếm được khoảng 20 USD/tháng, ít hơn đáng kể so với mùa hè năm ngoái.
“Trước đây, quá rõ ràng là mọi người chơi game này bởi có thể kiếm được rất nhiều tiền” - cô nói. Việc họ vẫn chơi cho thấy sức hút của game không chỉ nằm ở tiền bạc.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý. Hầu hết các người chơi và manager được trang Rest of World phỏng vấn không tin rằng Axie Infinity có gì hấp dẫn ngoài việc tạo ra tiền. “Bởi vì tóm lại thì nó vẫn là một game play-to-earn” - Juan Samitier nói. Và người chơi không muốn chơi nếu họ không kiếm được tiền. “Có lẽ các scholar thà chơi FIFA còn hơn!”
Theo góc nhìn của Samitier, cần có một sự xem xét nghiêm túc lại toàn bộ nền kinh tế; hiện việc đốt SLP để ấp ra những con Axie mới là không hề xứng đáng bởi lợi nhuận mang lại quá thấp. Nói về nhận định của Li rằng chơi Axie mang lại niềm vui, Samitier cho biết các scholar của anh không thấy điều đó. “Thành thực mà nói, họ chỉ chơi vì tiền. Tôi hoàn toàn chắc chắn điều đó” - anh nói.
Nhiều người chơi và manager đã mất quá nhiều tiền vào Axie Infinity đang hết sức mong chờ nền kinh tế game hồi sinh sau sự cố. Trong khi đó, những đoạn tweet tích cực từ đội ngũ Sky Mavis về những cải tiến trong game lại bị lu mờ trước hàng ngàn phản hồi đầy giận dữ từ các game thủ.
Nói về việc các game thủ mất tiền khi giá trị SLP sụt giảm, Zirlin giải thích đậm chất triết lý, rằng điều đó đơn giản là hệ quả tự nhiên khi có hàng triệu người mới bước chân vào thế giới crypto, NFT, và blockchain.
“Đó là điều từng xảy ra với tôi” - Zirlin nói, nhắc lại lần đầu anh gặp sự cố với crypto vài năm về trước và mất trắng 95% số tiền đầu tư vào Ethereum - số tiền mà anh cho biết là lên đến 10.000 USD. Dù cảm thông với những ai đang lần đầu thua lỗ vì công nghệ mới, anh nói rằng Sky Mavis không thể đưa ra “lời khuyên tài chính” cho bất kỳ ai, rằng họ nên đầu tư bao nhiêu và khi nào nên cẩn trọng.
“Bạn làm gì trong chu kỳ đầu tư đầu tiên của mình không quan trọng, quan trọng là bạn học được gì. Từ phí chúng tôi, điều duy nhất có thể làm là kiểm soát tình hình và cải thiện sản phẩm để tiếp tục đưa nó đến người dùng” - Zirlin nói.
Dù giá trị SLP sụt giảm và bị hack, Zirlin vẫn tự tin, và so sánh tình hình với bong bóng nhà đất. Trên hết, anh vẫn giữ quan điểm tích cực về tương lai của Sky Mavis, Axie và Web3, thứ mà anh nhìn nhận là “dự án kéo dài hàng thập kỷ”. “Tôi xem Web3 như vắc-xin chữa bách bệnh mà chúng ta đang tiêm cho thế giới ngay lúc này”
Khi được hỏi về công nghệ đằng sau Axie, bao gồm quy trình xác thực tập trung của Ronin, có thực sự góp phần dẫn đến vụ hack không, Zirlin nói: “Phi tập trung có vai trò thực sự quan trọng. Chúng tôi cần đảm bảo có một hệ thống validator hiệu quả, đa dạng và phi tập trung”
Zirlin từng viết như thế này trong “Axie Creator Guide” vào năm 2019: “Đây sẽ là một cuộc hành trình dài và cam go. Nó sẽ có lúc mờ mịt. Lạnh giá. Nếu thành công, lịch sử sẽ vinh danh và ghi nhận những ai đã bước trên con đường này cùng chúng tôi”
Rõ ràng, Sky Mavis có một thông điệp cho cộng đồng Axie: “Chúng ta luôn biết đây không phải cuộc chơi cho những kẻ hèn nhát” - Zirlin nói. “Và chúng ta là những người luôn chào đón mọi tình huống tồi tệ. Đâu phải ai cũng dũng cảm, đúng chứ. Chúng ta như những nhà thám hiểm Bắc cực vậy!”
>>> Elon Musk bị tố lừa đảo kim tự tháp Ponzi bằng Dogecoin.
Tham khảo: RestofWorld
Xem nhanh
, 28/04/2025