Suy ngẫm về bài thơ 'Mẹ và quả' của Nguyễn Khoa Điềm (Sách Ngữ văn 7 -Cánh Diều)

H
Home Content

Bài thơ khắc họa hình ảnh người mẹ qua những cảm nhận của nhân vật trữ tình - người con. Với con, mẹ là người phụ nữ tần tảo, lam lũ, cũng là hiện thân của những đắp bồi vun vén cho ngọt ngào đong đầy nơi những mùa quả, cho yêu thương nuôi lớn những đứa con.

Mẹ - miền yêu thương mênh mang trong tim mỗi con người. Mẹ - đề tài vĩnh hằng mà biết bao thi sĩ gửi gắm tình yêu thương vô bờ bến. Mẹ - mọi ngôn từ không thể diễn tả bằng mọi ngôn từ. Mẹ đã kết tinh thành nhiều tác phẩm văn chương đi cùng năm tháng, như dòng sông đỏ nặng phù sa in dấu chạm khắc trong tâm khảm biết bao người. Nguyễn Khoa Ðiềm cũng vậy và ông đã tìm được tứ thơ độc đáo, tạo được hiệu quả thẩm mỹ, ấn tượng khó phai cho người đọc qua bài thơ “Mẹ và quả”.

Tên bài thơ “Mẹ và quả” gợi sự gần gũi, chân chất, có vẻ rất đơn giản, nhưng nó không thoáng qua nhẹ nhàng mà đọng lại, gọi về trong mỗi chúng ta nhiều suy ngẫm về người mẹ trải bao vất vả, chăm chút để cho nhiều thứ quả trên đời, nhan đề đó cũng như khẽ nhắc chúng ta về đạo sống của con người là “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Mở đầu bài thơ là lời kể giản dị về một việc làm bình thường của người trồng cây, mong cho chúng chóng ra hoa kết trái. Mảnh vườn của mẹ cứ vần xoay theo vòng tuần hoàn năm tháng mùa màng cho những trái ngọt thơm “như mặt trời, khi như mặt trăng”, và niềm tin ấy của mẹ như một chân lý đã được kiểm chứng: “Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng”. Cuộc đời lam lũ của biết bao bà mẹ nông thôn luôn gắn liền với mảnh vườn nhỏ bé, và những trái ngọt đầu mùa, mẹ luôn dành cho những đứa con:

“Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời, khi như mặt trăng”

Những công việc vun trồng ngày này sang ngày khác, mùa này sang mùa khác của mẹ diễn ra có vẻ đơn giản, nhưng hàm chứa nhiều mong mỏi lớn lao của mẹ. Mẹ trông chờ vào thành quả tốt đẹp, khi đã dày công vun trồng chăm bón với bàn tay khéo léo gửi gắm vào đó cả những tình yêu thương chứ không bỏ mặc để chúng phát triển tự nhiên. Từ ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm ta như tưởng tượng ra mảnh vườn xanh tươi, thấp thoáng bóng dáng tảo tần của mẹ ẩn hiện dưới giàn bí, len lỏi giữa những luống khoai, vồng ớt, hàng cà lam lũ.

Kết quả công lao khó nhọc của mẹ là “những mùa quả lặn rồi lại mọc” tiếp nối nhau, đem lại cuộc sống no đủ cho đàn con, cho gia đình. Những mùa quả “như mặt trời” rộ chín của cam vàng, ớt đỏ, bí ngô già; “khi như mặt trăng” trắng dịu màu hoa, xanh màu ngọc như quả cà, quả bầu, quả mướp.

Lời thơ còn gợi ra một vùng trời thanh khiết, yên bình của chốn hương đồng gió nội quê nhà, giúp cho mỗi chúng ta tạm xa rời thế giới đô thị ồn ào, vội vã, xô bồ; tìm về quê quán ta xưa để được đắm mình trong hoài niệm tuổi thơ hạnh phúc, lâng lâng với dòng sữa ngọt ngào nuôi ta lớn lên về thể xác và lời ru ấm áp của mẹ bồi dưỡng phần hồn trong sáng thanh cao. Tuổi thơ trong ta như được đánh thức và gọi về… Hình bóng mẹ của tác giả hay chính là hình bóng người mẹ yêu quý chân chất, bình dị của chính ta.

Ảnh minh họa ITN.

Từ vườn cây của mẹ, Nguyễn Khoa Điềm bắt nhịp tự nhiên sang khu vườn cuộc đời với những nhận xét so sánh hóm hỉnh mà thâm trầm.

“Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng những giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”

Nhờ bàn tay chăm sóc chu đáo và tấm lòng yêu thương, quý mến của mẹ dành cho cây, cho con, nên tất cả đều phát triển tốt đẹp. Những đứa con cao lớn dần lên cả về thể chất lẫn đời sống tâm hồn; còn bí, bầu thì lớn xuống dài to ra. Tất cả đều là sự kết tinh bao nhọc nhằn lao khổ của mẹ. Tác giả đã có một liên tưởng thú vị mang theo tấm lòng biết ơn trân trọng dành cho mẹ khi hình dung bí, bầu “chúng mang dáng những giọt mồ hôi mặn”.

Tác giả đã rất tài tình khi hình dung những giọt mồ hôi nhọc nhằn của mẹ trong việc trồng cây, trồng người nó đã không rơi xuống đất, mà “rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”. Nhà thơ đã thấu hiểu sâu sắc những giọt lòng đau đáu vì con, thương con của mẹ được lặn sâu vào bên trong cõi lòng nhân hậu, hy sinh.

Mẹ không than phiền cuộc sống khó khăn, nén tiếng thở dài vất vả, lau vội những giọt mồ hôi nhọc nhằn, chỉ với mong muốn cho các con được hưởng cuộc sống an nhiên hạnh phúc. Mẹ cao cả biết bao! Có thể nói đây là những câu thơ tài hoa nhất trong bài, khắc sâu sự hy sinh thầm lặng của mẹ, và lòng biết ơn vô bờ của người con về công dưỡng dục sinh thành của mẹ hiền.

Từ chuyện của bầu của bí, của những loài cây cỏ mạch thơ chuyển hẳn sang chuyện của người con. Nhân vật trữ tình coi mình như một loại quả. Thứ quả ấy lớn lên nhờ tình yêu thương, chăm sóc, chở che của mẹ, chở che cả một đời người. “Bảy mươi tuổi” chính là cột mốc quan trọng của đời người. Mẹ đã đi quá nửa cuộc đời, đã trở nên già yếu. Đây cũng là lúc mẹ mong chờ được “hái” loại quả mà mình thương yêu nhất. Mẹ muốn nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành.

Ảnh minh họa ITN.

“Và chúng tôi, một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh”

Trên đời này, ai trồng cây mà không mong thu hái mùa quả ngọt. Cây năm nào cũng có quả, mất mùa này còn hy vọng mùa sau. Còn những đứa con là thứ quả vô giá mà người mẹ chăm chút mòn mỏi qua bao năm tháng mới hy vọng đến độ chín – mới chín chắn – vững vàng, thành đạt.

Trong góc nhìn quan tâm, bao dung của người mẹ, những đứa con dù tuổi đã lớn nhưng biết đâu vẫn nông nổi, dại khờ. Chỉ một lầm lạc, sai trái là có thể làm hỏng một đời người; nên mẹ luôn dõi theo con từng bước. Chế Lan Viên cũng đã từng nghĩ về mẹ rằng:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Vậy đó, công ơn của cha mẹ lớn lao vô ngần như vậy, dù con có lớn khôn đi chăng nữa thì mẹ vẫn luôn dõi theo lo lắng cho con, nên những người con hiếu thảo cần phải biết trách nhiệm trả nghĩa, báo hiếu cho đấng sinh thành.

Điều quan trọng hơn là những đứa con đừng mãi là thứ “quả non xanh” mà cần hiểu niềm hạnh phúc lớn lao của cha mẹ là được chứng kiến sự thành đạt của các con. Trách nhiệm của những người con là phải tu dưỡng, học tập, rèn luyện để trở thành nhân cách có đạo đức, có văn hóa, có nghề nghiệp vững chắc, để mẹ yên lòng khi bàn tay đã “mỏi”. Đó là sự báo hiếu ý nghĩa nhất.

Nhà thơ đã sử dụng phép nói giảm, nói tránh “ngày bàn tay mẹ mỏi” mà “mình vẫn còn một thứ quả non xanh” làm cho ý thơ nghe có vẻ nhẹ; nhưng thực ra nó hàm chứa sự xót xa, thấp thỏm… có sức nặng lay thức tất cả chúng ta. Cả cuộc đời, cả thanh xuân mẹ dành trọn cho gia đình, cho con, dường như tay mẹ chưa bao giờ biết “mỏi”, nhưng đến một ngày thời gian phủ trắng tóc mẹ, quy luật của tạo hóa gọi tên mẹ, bàn tay mẹ thực sự đã mỏi rồi…

Lúc ấy, hạnh phúc biết bao cho những người mẹ có những người con đẹp như trái chín “mặt trời, mặt trăng”. Và mẹ sẽ buồn xiết bao nếu phải mang xuống tuyền đài khi thấy những đứa con như những trái sâu, trái thối trước sự băng hoại về đạo đức. Vậy nên những đứa con trên cõi đời này hãy sống sao cho mẹ yên lòng thanh thản. Đừng tự biến mình thành thứ quả sâu, quả độc làm đau lòng mẹ; rồi khi cài lên ngực mình bông hồng trắng lại hối hận thì đã quá muộn màng!

Bài thơ “Mẹ và quả” ngân lên như lời tỉ tê tâm sự giản dị, chân thành của Nguyễn Khoa Điềm với mỗi chúng ta về người mẹ yêu kính của thi sĩ. Nhưng dư âm của nó đã tạo ra những con sóng lan tỏa lâu dài trong trường tình cảm, trong ý thức của bạn đọc, từ đó mà mỗi chúng ta lại nghĩ đến người mẹ thân yêu của chính mình trong mùa quả cuộc đời của mẹ, chúng ta thật sự suy ngẫm cần phải biết sống sao cho đúng nghĩa một con người ân tình hiếu thảo. Trang thơ khép lại nhưng dư âm cứ vấn vương, lòng khẽ cầu mong những mùa quả mà mẹ ta và tất cả những người mẹ trên thế giới này mỗi ngày dày công chăm bón, nâng niu rồi mỏi mòn chờ đợi sẽ là những mùa quả ngọt lành…

, 26/01/2025

Back
Top