Tân Sơn (Phú Thọ): Tạo bứt phá trong nông nghiệp

H
Home Content

Tân Sơn vốn là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ, bởi vậy Ban chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ luôn xác định phải biến khó khăn thành hành động, xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Là một trong các lĩnh vực chủ đạo, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ở Tân Sơn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Địa phương đã triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững, hiện thực hóa chiến lược lâu dài là đảm bảo chăm lo đời sống cho người dân.

Để nâng cao hiệu quả canh tác, huyện Tân Sơn duy trì nâng cao chất lượng, diện tích cây ăn quả đang có, trong đó tập trung vào các loại cây có múi. Ảnh: Xuân Hiền

Ông Nguyễn Xuân Việt - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Sơn chia sẻ: “Với một huyện miền núi thì việc xác định sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo mô hình trang trại là nhiệm vụ then chốt để bứt phá đi lên tạo “đòn bảy” cho các lĩnh vực khác phát triển, do đó nông nghiệp phải được đầu tư phát triển toàn diện. Trên tinh thần đó, Tân Sơn đã chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp – lĩnh vực tiềm năng đặc thù của vùng; đi đôi với đó, địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo chất lượng đầu ra các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ nhằm tạo ra chuỗi liên kết khép kín”.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng diện tích gieo cấy lúa của địa phương đạt hơn 2.390ha, năng suất đạt hơn 50tạ/ha, sản lượng đạt trên 12.675tấn; diện tích ngô hơn 367, 39ha năng suất ước đạt 47,51 tạ/ha; diện tích cây rau màu các loại chiếm hơn 165,45ha, cây lạc 45,96 ha, khoai lang 37,25 ha, sắn 913,6 ha…

Ngoài ra, Tân Sơn còn có 150ha bưởi, trong đó hơn 50ha được trồng theo hướng VietGAP tại các xã Văn Luông, Minh Đài, Tân Phú, Kiệt Sơn, Thu Cúc... Đồng thời, thường xuyên duy trì thâm canh, phát triển cây chè với diện trên 3.888,3ha (diện tích theo hướng VietGAP trên 500ha); diện tích chè đã cho thu hoạch 3.774 ha với sản lượng chè tươi đạt trên 18 nghìn tấn. Mới đây, huyện đã đưa vào và thí điểm bón phân chuyên dụng cho chè kinh doanh tại xã Tân Phú, Mỹ Thuận, Minh Đài… diện tích chè thí điểm đã cho thu hoạch, năng suất cao hơn 60kg/sào.

Để đa dạng hóa giống cây trồng và tận dụng các diện tích đất trống, mô hình trồng cây dược liệu (ba kích tím) 1ha đã được thí điểm tại xã Mỹ Thuận với 2 hộ tham gia, hiện cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ngành nông nghiệp địa phương thường xuyên sát sao hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tuyên truyền, duy trì nâng cao chất lượng, diện tích cây ăn quả đang có, trong đó tập trung vào các loại cây có múi, một số diện tích cây trồng mới đưa vào trồng thử nghiệm đạt hiệu quả tốt đang góp phần xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hàng hóa.

Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cải tạo vườn tạp đưa các cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, những mùa quả ngọt bội thu tiếp nối nhau mang lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp nhiều chủ vườn huyện miền núi Tân Sơn có cuộc sống sung túc, hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê mình…

Chè là loại cây trồng chủ đạo cho thu nhập ổn định được trồng nhiều ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn. Ảnh: Đức Thanh

Bên cạnh đó Tân Sơn còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tổng đàn trâu, bò khoảng có khoảng 16.337 con; dê hơn 4.026 con; đàn lợn trên 18.522 con; tổng đàn gia cầm hơn 540,2 nghìn con. Đặc biệt, trong năm 2022, Công ty TNHH Nắng Trung du (xã Tân Phú) đăng ký mới dự án liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà nhiều cựa; dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gai xanh do Công ty CP Bảo Quang Minh, Việt Trì thực hiện; dự án liên kết phát triển chăn nuôi bò sinh sản và bò hướng thịt tại huyện Tân Sơn… đây là tín hiệu vui cho bà con các dân tộc trong huyện.

Đồng thời, tận dụng diện tích hồ, đầm, bà con trong huyện đã cải tạo 311,9 ha để phát triển nuôi trồng thủy sản, mỗi năm đạt hơn 216,3 tấn các các loại. Ngoài ra, huyện cũng rất quan tâm chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông bài bản để giao thương thuận lợi tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người làm nông.

Phát huy tiềm năng diện tích rừng tự nhiên trên 15.048ha, huyện Tân Sơn thường xuyên tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng. Đẩy mạnh diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ lớn, chăm sóc, thâm canh rừng trồng để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị từng loại rừng; từng bước áp dụng tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC); tăng cường kết hợp trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng để năng cao thu nhập từ kinh tế rừng; tăng cường quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp…

Mặt khác, nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, hiện tại trên địa bàn có 348 công trình thủy lợi đảm bảo việc tưới tiêu cho các diện tích sản xuất hàng nghìn ha… Trong đó, các Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp quản lý và khai thác 82 công trình, 25 đập, 51 phai dâng, 67,87 km kênh mương; Xí nghiệp Thủy nông quản lý 266 công trình, 123 đập dâng, 116 phai dâng, 9 trạm bơm, 18 hồ, 180 km kênh mương, 28 km đường ống, 150 cọn nước.

Ông Nguyễn Xuân Toản – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua công tác khuyến nông, khuyến công; dồn đổi ruộng đất tạo điều kiện cho cơ giới hóa trong sản xuất; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh có giá trị kinh tế và xây dựng các mô hình với các cây, con đặc sản như: Lợn rừng lai, gà nhiều cựa, chăn nuôi trâu, bò thịt chất lượng cao….Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho nhiều hộ sản xuất thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chủ tịch huyện Tân Sơn cũng nhấn mạnh: Trong quá trình đẩy mạnh tăng trưởng ngành nông nghiệp, địa phương luôn bám sát trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực có lợi thế và có giá trị kinh tế; đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học-công nghệ 4.0, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ để không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm…đó cũng là các tiền đề quan trọng để địa phương tạo bứt phá trong nông nghiệp theo hướng toàn diện bền vững trong những năm tới../.

Back
Top