Follow along with the video below to see how to install our site as a web app on your home screen.
Note: This feature may not be available in some browsers.
Tôi đang sống trong cái cảnh mà người đời vẫn gọi là “chó chui gầm chạn”. Nhà tôi vốn cũng chẳng phải nghèo khó gì nhưng khốn nỗi lại ở quê. Bởi vậy cho nên, khi tôi lấy vợ “phố” thì cũng không tránh khỏi cảnh đi thuê nhà. Một thời gian sau đó vợ tôi có bầu, bố mẹ vợ sang chơi nhìn thấy cảnh con gái thiếu thốn nên xót ruột, một hai bắt chúng tôi về ở chung. Tôi thì cũng ngại vì sợ người đời lời ra tiếng vào song rồi tặc lưỡi “miễn sao vợ vui con khỏe” là được.
Tôi thoát khỏi cái kiếp thuê nhà trọ nhưng lại có trăm đường bất tiện. Về nhà vợ, tôi làm gì cũng phải ý tứ, nhìn trước ngó sau. Từ đi lại, ăn uống, nói năng. Nói chẳng ngoa chứ tôi luôn phải làm theo cái khẩu hiệu người ta hay treo chỗ mấy tòa nhà “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”.
Từ ngày về nhà vợ sống, tôi chuyển sang "Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên" cho được lòng bố mẹ vợ (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Cũng từ ngày về nhà vợ, tôi quên hẳn những buổi bia bọt với đám bạn. Chúng tôi cũng chả tụ tập nhiều, tháng một đôi lần nhưng cứ lần nào đi, thì mẹ vợ lại bắt vợ tôi gọi về cho bằng được dù trước khi đi tôi đã xin phép rồi. Có lần vợ gọi, tôi không nghe, buổi tối về nhà, mẹ vợ đã đón tôi bằng khuôn mặt nặng trịch kèm theo câu nói: “Vợ nó gọi mà nó còn chả nghe thì ông bà già này nói nó coi ra gì! Cái tiền đổ vào bia bọt thà nó mua cái gì về tẩm bổ cho vợ con nó có phải hơn không…” Những lúc như thế, tôi chẳng biết nói gì chỉ im lặng, chào bố mẹ vợ rồi nhanh chóng xin phép lên phòng.
Sự việc tồi tệ hơn khi công ty vợ tôi làm ăn không tốt nên cắt giảm nhân sự, cô ấy nằm trong diện cắt giảm đó. Cả nhà còn lại tôi đi làm. Tiền lương của tôi cũng khá, cộng với tiền làm thêm thì cũng gọi là đủ chi tiêu. Thế nhưng mỗi lần hai vợ chồng đóng tiền ăn hàng tháng cho mẹ là mỗi lần tôi thấy muối mặt. Bà bảo: “Cần này tiền ăn thì một đứa cũng chả đủ. Nuôi con lớn giờ lại phải đèo bòng”. Tôi thấy mình thật giống như một đứa ăn xin, không hơn.
Ngày trước, tôi phải vất vả lắm tôi mới lấy được cô ấy. Ông bà nhạc chê tôi ở quê, lại không có nhà cửa nên ra sức cấm cản. Phải quyết tâm rất nhiều chúng tôi mới không đường ai nấy đi. Bởi thế nên giờ tôi thành ra sợ những câu nói đầy ẩn ý của mẹ vợ. Nào là “Gớm! Nhà bác Dung bên kia được thằng rể rõ là giỏi. Giai quê mà mua được cả nhà thành phố nhá!”, “Con Quỳnh mà ngày trước nghe tao thì có phải sung sướng không? Cái thằng Trung ấy nó được cả người cả nết, đi mòn ngõ nhà này thì không thích. Giờ thì nó lấy vợ rồi nhé! Số con vợ nó rõ sướng, một bước là lên xe xuống ngựa” , “Ngày xưa con bé nhà này nhiều thằng theo ghê lắm! Mà toàn thằng hẳn hoi tử tế thôi chứ chả phải ất ơ gì đâu”… Ấy là bà nói về mấy cái anh chàng giàu có theo đuổi vợ tôi trước đây. Tôi nghe mà chạnh lòng nhưng cố AQ cho đỡ tủi: “Ừ thì giàu! Ừ thì giai phố! Nhưng cuối cùng có bằng thằng này đâu?”
Sau giờ làm tôi chẳng muốn về nhà nên ở lỳ tại công ty hay lang thang cà phê, trà đá chờ đúng "giờ hoàng đạo" mới về (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Tôi đi làm đã mệt mỏi, lại nghe những lời bóng gió của mẹ vợ nên tôi càng sợ về nhà. Tôi cứ phải nói dối là công ty dạo này nhiều việc nên phải ở lại làm thêm một hai tiếng sau giờ làm. Ở lại công ty mãi cũng không tiện, về sau tôi cứ một mình lang thang khắp các xó xỉnh, không thì ngồi quán cà phê, trà đá nào đấy chờ đúng “giờ hoàng đạo” mới về nhà.
Nhưng tôi bắt đầu không chịu nổi khi giờ đây mọi chuyện lại quay ra đổ lên đầu mẹ đẻ tôi. Vợ tôi sinh con xong, lại mổ đẻ nên còn yếu. Mẹ vợ sau một thời gian chăm con chăm cháu quay ra bảo: “Tao mặc kệ chúng mày tự đi mà chăm nhau. Tao còn bao nhiêu việc phải làm chả hầu chúng mày mãi được. Đúng là cháu bà nội, tội bà ngoại…” Thế là mẹ đẻ tôi khăn gói lên chăm dâu, chăm cháu.
Trước đây, mẹ tôi thỉnh thoảng hay lên, có điều vì ngại ông bà thông gia nên mẹ tôi chỉ lên trong ngày hay hôm trước hôm sau rồi về. Bà thương con quý cháu nên mỗi lần lên đều mang theo nào gà, nào gạo, nào khoai làm quà. Nhưng dường như với mẹ vợ tôi nhưng thứ xuất phát từ quê đều mang theo sự xấu xa, dịch bệnh. Gà thì bà hỏi: “Gà này đã kiểm dịch chưa mà bà mang lên? Nhỡ nó có bệnh gì nó lây sang thằng ku con thì làm thế nào?” Gạo thì bà chê: “Trên này chúng tôi không ăn gạo này đâu. Nhà tôi xưa nay chỉ quen ăn gạo tám, chứ gạo này ăn có mà gãy răng. Bà mang về quê cho lợn, cho gà ăn cho mau lớn”…Nhưng lúc ấy, tôi thấy thương mẹ mình vô cùng nhưng chỉ biết cắn răng mà chịu. Còn mẹ tôi, vì không muốn làm tôi khó xử, cũng chỉ im lặng mà thôi.
Mẹ tôi vì thương con thương cháu nên luôn cố gắng nín nhịn, làm vừa lòng thông gia. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Lần này bà lên chăm cháu, tôi biết là kiểu gì cũng có chuyện cũng không nghĩ mọi việc lại đi xa đến thế. Mẹ vợ tôi giống như một bề trên, luôn bắt mẹ tôi phải thế này thế kia. Bà không muốn chăm cháu nhưng lại cả ngày đi soi xem mẹ tôi làm thế nào. Lúc cho thằng bé ăn, cho nó ngủ, rồi nó tắm. Đến cả việc mẹ tôi bế nó bà cũng bắt phải theo ý bà. Ở nhà săm soi mẹ tôi chán, tôi đi làm về bà còn bóng gió xa xôi. “Ở nhà quê cứ dễ dãi quá chả như thành phố. Chăm người chứ có chăm con lợn, con gà đâu mà xuề xòa được. Có chăm nó tốt thì sau này nó mới giỏi mới thông minh, chứ cứ như ở quê, toàn bỏ học sớm rồi cắm mặt vào mấy cái thửa ruộng thôi”. Tôi nghe những lời đó mà trong lòng đầy uất ức. Quay ra nói chuyện với vợ thì cô ấy lại bảo tôi nghĩ linh tinh.
Đỉnh điểm của mọi chuyện là cách đây hai hôm, tôi có chút việc bên ngoài nhưng xong sớm nên tôi không quay lại công ty mà về nhà luôn. Mới về tới cửa, đã nghe thấy tiếng mẹ vợ tôi: Bà lấy cho tôi ly nước! Mẹ tôi đang dỗ cháu nhưng cũng đành quay ra lấy nước cho mẹ vợ tôi. Vừa đưa xong ly nước, mẹ vợ tôi lại sai: Gọt ít hoa quả trong tủ lạnh ăn đi! Thấy vậy, mẹ tôi lại tất tả đi lấy hoa quả ra gọt. Tôi nhìn cảnh ấy mà lòng đau đớn vô cùng. Mẹ tôi lên chăm cháu mà có khác nào ô sin. Vì tôi bất hiếu, bất tài nên mẹ tôi mới phải chịu cái cảnh này.
Tôi như người mất hồn, quay đi mà không vào nhà nữa. Tôi thấy mình hèn nhát và vô dụng. Giờ đây, tôi muốn bỏ vợ chứ không thể chịu đựng thêm được nữa. Song con tôi còn bé quá! Ly hôn rồi, cháu sống ra sao? Tôi cũng nghĩ tới việc ra thuê nhà ở riêng nhưng với đồng lương của một mình tôi làm sao nuôi nổi vợ con? Tôi như vướng vào một mớ bòng bong, càng cố thoát ra thì càng bị quấn chặt hơn.
Xem nhanh
, 16/07/2025