Trị karaoke ồn ào bằng giải pháp thông minh

H
Home Content

Tổ phản ứng nhanh của phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) sẽ kiểm tra, nhắc nhở và xử lý trường hợp vi phạm - Ảnh: H.B.

Khi ông Inoue Daisuke (người Nhật) phát minh ra karaoke với mục đích tạo ra loại hình giải trí tại gia và cho cá nhân, có lẽ ông không hình dung ra có ngày nó trở thành "vấn nạn" gây thảm họa cho cộng đồng và kéo theo đó là không biết bao nhiêu hệ lụy, nhẹ thì ồn ào khiến người già mất ngủ, trẻ em hết học bài, nặng thì sứt đầu mẻ trán, thậm chí cả án mạng.

Mặc dù về luật đã có điều 6 nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định hành vi hát karaoke gây ồn ào sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng, nhưng trong thực tế các “ca sĩ” tra tấn hàng xóm rất ít khi bị xử lý, nhất là khi nó dính tới bia rượu trong đám cưới, đám hỏi, thôi nôi, tân gia và kể cả đám tang, đám giỗ. Trong bối cảnh đó, việc lập tổ phản ứng nhanh ở phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) để trị nạn karaoke rất được người dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, có một việc không kém phần quan trọng là làm sao để duy trì thành quả này, bởi karaoke là một công cụ tự thỏa mãn nhu cầu ở mức bình dân, phổ biến do giá rẻ, dễ sử dụng, cơ động và do vậy nó có sức sống rất lâu dài. Thực tế cho thấy ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đã từng ra quân với quyết tâm chính trị rất cao, cũng đã từng thành lập tổ liên ngành, cho phép sử dụng các biện pháp mạnh, mức phạt nặng... nhưng chỉ vài tháng là phong trào lại xẹp xuống.

Nên nhớ "tổ phản ứng nhanh" là một sáng kiến tình thế, nó không phải là một tổ chức thường trực nằm trong biên chế của hành chính phường. Do vậy mà các TP phải sử dụng cùng lúc hai phương thức: một là lập cảnh sát môi trường như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cảnh sát môi trường khi đi tuần tra mà bắt gặp hay người dân phản ảnh là họ đến ngay, trước là tịch thu dụng cụ phát âm thanh để tiêu hủy, sau là phạt tiền, có thể lao động công ích, thậm chí bị tù (nhưng điều người dân sợ nhất là bị ghi vào lý lịch tư pháp, sau này rất khó cho việc giao dịch dân sự như xin việc, nợ nần và danh dự).

Thứ hai là triệt để sử dụng công nghệ thông tin. Nếu để ý sẽ thấy những năm trở lại đây ở Singapore, Seoul, Kuala Lumpur, Bangkok, Thượng Hải, chính quyền tăng cường yếu tố thông minh "smart" trong quản lý đô thị. Họ cho lắp đặt khắp nơi camera quan sát, hàng triệu cảm biến (sensor). Từ trung tâm điều hành (big data), các nhân viên với những thiết bị hỗ trợ như cảm biến âm thanh, cảm biến nhiệt, cảm biến mùi, quan sát trên cao qua flycam, các thiết bị đo lường... sẽ phát hiện ngay nơi nào có sự cố môi trường, chẳng hạn như mở âm thanh quá to, đốt vàng mã quá mức, thậm chí hút thuốc, bỏ rác sai nơi quy định và ngay lập tức sẽ có những can thiệp kịp thời.

Ở Việt Nam hiện có đến vài chục TP đăng ký là TP thông minh (smart city), đang tích cực chuyển đổi sang xã hội số, lấy trí tuệ nhân tạo, tự động hóa làm nền tảng phát triển thì việc trị karaoke ồn ào bằng giải pháp thủ công như ở phường Nại Hiên Đông chỉ là tạm thời mà phải tính đến dẹp vấn nạn này bằng các giải pháp thông minh.

Mong các địa phương khác học Đà Nẵng có 'tổ phản ứng nhanh' với hung thần karaoke

TTO - "Hy vọng rằng mô hình này sẽ nhân rộng khắp cả nước"; "Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên phường này 'ngon'"; "Mong rằng các địa phương khác cũng như Đà Nẵng xử lý mạnh tay 'hung thần' karaoke để người dân được nhờ"... đó là những ý kiến của bạn đọc.

Back
Top