Trịnh Văn Quyết FLC: từ cậu sinh viên nghèo làm gia sư đến người giàu nhất Việt Nam và vào vòng lao lý

H
Home Content

Năm 2017, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết từng lọt top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, những lần bị xử phạt vì bán "chui" cổ phiếu khiến “đại gia” này rơi vào cảnh lao lý.


Khởi nghiệp tay trắng từ 14 tuổi, khởi sự với công việc gia sư
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt bị can đối với bị can Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty CP tập đoàn FLC, để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại điều 211 bộ luật Hình sự.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, tại H.Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ông Quyết tốt nghiệp cử nhân luật và thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Tháng 3.2017, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết sở hữu gần 2 tỉ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam nhưng không được Forbes ghi nhận tỉ phú USD và vẫn đang theo dõi đánh giá số tài sản này.
Trịnh Văn Quyết được sinh ra trong gia đình công chức nghèo tại một vùng đất cổ Vĩnh Phúc. “Xuất phát điểm vào đời của tôi không mấy suôn sẻ. Tốt nghiệp cấp 3, tôi vào Sài Gòn học và làm nghề sửa chữa đồ điện tử. Hai năm sau kiếm được ít tiền, tôi mới có thể thực hiện giấc mơ học lên tiếp của mình.” – Tỷ phú Trịnh Văn Quyết nhớ lại.
Khi bước chân vào giảng đường đại học, hoàn cảnh khi ấy khó khăn tới mức ông không thể mua nổi một chiếc xe đạp, đây cũng là thời điểm Mỹ gỡ cấm vận kinh tế với Việt Nam, là một cơ hội rất tốt cho những người kinh doanh trên thị trường. Những người bạn học của ông Quyết hồi ấy còn nhớ mãi hình ảnh cậu thanh niên gầy gò với vầng trán cao và đôi mắt sáng miệt mài trên giảng đường, luôn xuất sắc trong các môn học nhưng cũng đặt biệt nhanh nhạy với thời cuộc.
Năm 24 tuổi, Trịnh Văn Quyết đã hoàn thành xong 2 chương trình học tại Học viện Hành chính Quốc Gia và trường Đại học Luật Hà Nội.
Nói về quá trình dựng nghiệp, tỉ phú Trịnh Văn Quyết từng cho biết bản thân lao vào kinh doanh từ năm 14 tuổi, không bắt đầu ngay với nghiệp buôn bán mà khởi sự với công việc gia sư, rồi văn phòng gia sư và khi tích cóp được chút vốn thì gia nhập ngành kinh doanh điện thoại di động cũ lúc đó chưa phát triển mạnh. Với thu nhập trung bình chỉ khoảng 300 USD/người (tương đương 3,3 triệu đồng thời điểm đó), không nhiều người Việt sở hữu được một chiếc điện thoại di động, vốn được xem là món hàng xa xỉ với giới kinh doanh, chứ chưa nói đến sinh viên đại học.
Cũng với cách thức tương tự, ông chủ Tập đoàn FLC khi đó đầu tư kinh doanh thêm đồ gỗ và tivi. Như Chủ tịch FLC từng tiết lộ, thực tế một số đồ gỗ bán tại phòng trọ là hàng mua trên phố Đê La Thành (Hà Nội), còn tivi là từ chợ trời.
Năm 2001, CTCP Tư vấn quản lý và Giám sát đầu tư (viết tắt SMiC) được tỉ phú Trịnh Văn Quyết thành lập với nhiệm vụ tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, bất động sản, thương mại và dịch vụ… Năm 2006, Văn phòng Luật sư SMiC được chuyển đổi thành Công ty Luật TNHH SMiC.
Chủ tịch Tập đoàn FLC từng nhận xét, việc buôn điện thoại di động cũ cũng có nhiều điểm giống với làm bất động sản sau này, chỉ khác nhau về quy mô và mức độ phức tạp. Từ toan tính đó, năm 2010, Công ty CP tập đoàn FLC được thành lập. Năm 2011, mã chứng khoán FLC chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Nhìn lại lịch sử FLC có thể thấy, tập đoàn này cũng có giai đoạn phát triển khá thần tốc gắn với tên tuổi của vị doanh nhân vốn không ít “tai tiếng” trên thị trường chứng khoán. Theo giới thiệu của FLC, đây là một tập đoàn đa ngành đa nghề gồm 16 công ty con và 2 công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó ngành nghề cốt lõi bao gồm: kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, hàng không và bất động sản.
Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn được thành lập vừa lên sàn vào năm 2013, FLC trở thành một trong những cái tên “hot” nhất trong giới bất động sản lẫn giới đầu tư chứng khoán. Công ty này cùng với "người anh" FLC Faros đã có lúc đưa Chủ tịch Trịnh Văn Quyết lên nhóm người giàu nhất Việt Nam (tính theo giá trị cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán) năm 2017.
Tuy nhiên, cùng với luồng gió mới đó cũng xuất hiện không ít điều tai tiếng liên quan đến FLC. Nhiều dự án của công ty này đã không hoàn thành tiến độ như dự kiến bị khách hàng, nhà thầu kiện tụng, nhiều dự án dở dang, lãng phí nguồn lực, làm cho không ít người liên quan đến dự án bị thiệt hại. Cổ phiếu ROS có thời điểm lên tới hơn 200.000 đồng, nhưng sau đó đã rơi tự do trở về mức giá chỉ vài nghìn đồng/cổ phiếu khiến rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.
Về kết quả kinh doanh trung bình giai đoạn từ 2013 - 2020 (trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra), mặc dù doanh thu của công ty tăng trưởng nhanh nhưng lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROE) của FLC khá thấp, chỉ đạt 5,72%, EPS của cổ phiếu chỉ đạt 731 đồng/cổ phiếu.
Back
Top