Sáng 13/9, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, các bác sĩ tại ê-kíp Phẫu thuật Tim mạch - Trung tâm Tim mạch và Khoa Gây mê hồi sức và chống đau của Bệnh viện vừa thực hiện thành công ca mổ thông liên thất quanh màng cho một bệnh nhi mắc tim bẩm sinh.
Theo đó, bệnh nhi L.H.C (12 tuổi, trú tại Thuận Châu, Sơn La) được chuyển lên từ bệnh viện tuyến dưới. Bệnh nhi có tiền sử khởi phát bệnh tim từ 6 năm trước.
Bệnh nhi vào viện trong tình trạng lồng ngực hình ức gà, khó thở, mệt mỏi. Khi thở có những tiếng thổi ở tim, cạnh ức trái. Trên các kết quả thăm dò, siêu âm tim thông liên thất quanh màng lan vào buồng nhận. Kích thước lỗ thông lớn, đường kính lỗ khoảng 16 mm, shunt trái phải, chênh áp cao. Tim giãn to, các chỉ số tim như đường kính thất trái là 61.
Bệnh nhân đã được lên kế hoạch để can thiệp bít lỗ thông nhưng thất bại do đặc điểm về kích thước và vị trí lỗ thông.
Nhận định đây là trường hợp cần phải xử lý kịp thời, các bác sĩ đã tiến hành mổ tim hở, có sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể thông qua đường mở kinh điển cưa xương ức để xử lý cho bệnh nhân.
Trong quá trình mổ bệnh nhân được sử dụng các dung dịch để làm tim ngừng đập tạm thời. Bộc lộ tim qua đường nhĩ phải, qua van ba lá để tìm kiếm lỗ thông. Tại đây các bác sĩ thấy lỗ thông ở phần màng lan vào buồng nhận, ăn sâu vào phần cơ, kích thước khoảng 15 x 20 mm.
Bệnh nhân được vá lại lỗ thông bằng miếng vá nhân tạo và thu hẹp vòng van 3 lá. Sau mổ tình trạng bệnh nhân ổn định, có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Theo các bác sĩ, bệnh tim bẩm sinh gặp ở khoảng 0,8% trẻ sinh ra sống, trong đó có những bệnh tim bẩm sinh nguy kịch có thể tử vong ngay giai đoạn sơ sinh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Tại các nước phát triển, hầu hết các bệnh tim bẩm sinh được chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm tim. Nhưng không phải tất cả bệnh tim bẩm sinh đều có thể được phát hiện trước sinh mà được phát hiện ở giai đoạn sau sinh. Giai đoạn "vàng" để kiểm tra chính là trong thời gian trẻ còn lưu lại phòng sơ sinh.
Ở trẻ sơ sinh, các biểu hiện bệnh tim bẩm sinh gồm khó thở, thở nhanh, bú ít, bú ngắt quãng, cữ bú kéo dài. Trẻ có thể chậm phát triển thể chất, xanh xao, hay vã mồ hôi, tay chân lạnh, một số trẻ tim bẩm sinh có tím sẽ dễ quan sát thấy môi, đầu ngón chi chuyển sang tím và tăng lên khi trẻ khóc…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tim bẩm sinh, trong đó, phần lớn liên quan bất thường phát triển trong giai đoạn tim được hình thành cấu trúc.
Các tật về tim bẩm sinh hoàn toàn có thể được phát hiện bằng siêu âm chẩn đoán trước sinh và sau sinh. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, rất nhiều bệnh nhân tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống như người bình thường.
Do đó, các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, bố mẹ nên thực hiện sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ trước sinh (siêu âm tim thai) và sau sinh (bằng phương pháp đo SPO2 qua da, bao gồm trẻ có thai kỳ khỏe mạnh). Khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường về tim mạch, cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng về sau.
Xem nhanh
, 27/01/2025