Làng nghề giầy da Phú Xuyên đã tồn tại nhiều năm qua, khẳng định được thương hiệu trên khắp cả nước. Các sản phẩm giầy da ở huyện này không chỉ có chất lượng tốt mà còn mang tính thẩm mỹ cao.
Ở huyện Phú Xuyên có khá nhiều làng nghề nổi tiếng, trong đó không thể không kế tên làng nghề giầy da lâu đời. Làng nghề giầy da Phú Xuyên đã được công nhận là điểm du lịch, thu hút nhiều du khách tới thăm quan, trải nghiệm.
Phú Xuyên được mệnh danh đất trăm nghề với đủ các làng nghề nổi tiếng góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế địa phương. Trong đó, làng nghề giầy da đã tồn tại hơn một trăm năm tại xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên.
Làng nghề giầy da xã Phú Yên nổi tiếng huyện Phú Xuyên. Ảnh: Baodautu
Cả xã Phú Yên có 4 thôn, thì tới 3 thôn đã được công nhận là làng nghề da giày truyền thống. Đó là làng giày da Giẽ Thượng, Làng giày da Giẽ Hạ và làng giày da Thượng Yên. Có thể nói, cả xã Phú Yên như một khu công nghiệp thu nhỏ, không khí cũng tấp nập, nhộn nhịp người mua kẻ bán hơn so với những xã khác.
Đừng quên ghé thăm làng nghề giầy da Phú Xuyên để tìm hiểu, khám phá lịch sử làng nghề. Ảnh: Kinh tế đô thị
Vậy sau khi đã biết địa chỉ cụ thể của làng nghề giầy da Phú Xuyên, còn chần chờ gì nữa mà không lên lịch ngay cho chuyến ghé thăm, tìm hiểu về làng nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa này thôi nào.
Làng nghề giầy da huyện Phú Xuyên cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 40km, thời gian di chuyển tầm 1 tiếng đồng hồ. Để tới làng nghề giầy da Phú Yên Phú Xuyên, bạn đi theo đường Giải Phóng, sau đó vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, sau đó rẽ phải vào đường 428 là tới.
Đường đi đẹp, du khách chỉ cần chú ý biển báo giao thông, đi đúng tốc độ là được. Ngoài ra, vào thời gian cao điểm, tuyến đường nội thành lên cao tốc khá tắc, nếu không muốn mất thời gian, bạn nên tránh đi vào thời điểm này.
Tới làng nghề giầy da Phú Yên Phú Xuyên, bạn có thể đi sâu vào 3 thôn làng nghề Giẽ Hạ, Giẽ Thượng, Thượng Yên. Người dân thân thiện, nhiệt tình, bạn hoàn toàn có thể hỏi đường dễ dàng. Với khoảng cách gần, đường đi thuận tiện, du khách có thể thăm quan làng nghề giầy da Phú Xuyên và đi về trong ngày.
=> Xem thêm: Làng thêu Đông Cứu - làng nghề thêu long bào duy nhất của Hà Nội
Làng nghề giầy da huyện Phú Xuyên là một làng nghề truyền thống, đã tồn tại từ rất lâu, được nhiều người biết đến từ thời Pháp thuộc. Lịch sử làng nghề đóng giầy Phú Xuyên khiến ai cũng cảm thấy háo hức xen lẫn tự hào khi tìm hiểu.
Lịch sử làng nghề giầy da Phú Xuyên trải qua hơn 100 năm tồn tại, phát triển. Ảnh: TTXVN
Vào những năm 1908 - 1926, cụ Nguyễn Lương Cát (bí danh cụ Hai né) và cụ Nguyễn Lương Mạc đi học nghề làm giày da. Thời gian học lúc này khá dài. Sau khi học xong, các cụ đã mở các lớp truyền nghề cho con cháu. Tuy nhiên, thời điểm đó, sản lượng còn rất ít, chỉ mang tính chất nhỏ lẻ.
Đến năm 1960, Phú Yên xuất khẩu giày dép da đi Đông Âu. Tuy nhiên, từ năm 1962 đến năm 1963 thị trường Đông Âu lại gặp nhiều biến động, làng nghề giầy da Phú Xuyên không xuất khẩu được, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ, Nhà nước đã vận động người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, nông thôn mới trở về xây dựng quê hương. Hầu hết thợ giầy của xã Phú Yên huyện Phú Xuyên đều tình nguyện trở góp sức cho quê hương mình.
Làng nghề giầy da Phú Xuyên từng có thời gian phát triển mạnh mẽ sau khi đất nước mở cửa. Ảnh: suckhoedoisong
Năm 1965, Hợp tác xã giầy - da của Phú Yên được thành lập, có 18 hội viên, sau tăng lên 24 người. Từ năm 1986, khi đất nước mở cửa, làng nghề bắt đầu có bước phát triển mạnh. Từ năm 1996, lịch sử làng nghề đóng giầy Phú Xuyên phát triển rực rỡ, sản lượng làm ra cực lớn, khoảng 5-6 triệu đôi/năm.
Vào thập niên 90 của thế kỷ XX, làng nghề giầy da Phú Xuyên vẫn phải nhập nguyên liệu từ các nơi khác về để sản xuất. Đến nay, làng nghề đã có đại lý chuyên cung cấp nguyên liệu để sản xuất. Sự phát triển làng nghề này không chỉ quảng bá du lịch mà còn giúp tạo công ăn việc làm cũng như thu nhập cho người dân trong huyện. Lương bình quân của những người trực tiếp tham gia làm nghề dao động từ 7 – 10/triệu/người/tháng.
Tới thăm quan làng nghề giầy da Phú Xuyên, bạn sẽ hiểu hơn về quy trình tạo nên mỗi sản phẩm ở đây. Ảnh: gau_113
Theo thống kê năm 2021 của chính quyền xã Phú Yên, có tới 35 hộ kinh doanh nguyên vật liệu đóng giày cho làng. Tổng hộ sản xuất kinh doanh có trên 300 hộ, số người tham gia sản xuất nghề giày da trên 2000 người. Những hộ làm nghề giày da tập trung chủ yếu ở 2 thôn: Giẽ Thượng (chiếm 80% hộ làm nghề) và Giẽ Hạ (khoảng 90% hộ làm nghề).
Thị trường xuất khẩu chính tập trung ở miền Trung, miền Bắc. Hiện tại, hầu hết các cơ sở vẫn sản thủ công, máy móc còn thô sơ nên năng suất vẫn thấp so với các nước khác. Chỉ số ít hộ gia đình có đầu tư máy khâu, máy chặt, máy ép…
Các sản phẩm của làng nghề giầy da Phú Xuyên rất đa dạng và thẩm mỹ. Ảnh: trangmi2707
Từ năm 2001 đến nay, thôn Giẽ Hạ, Giẽ Thượng và Thượng Yên đã được UBND TP công nhận là “Làng nghề công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp”. Đây là bước đánh dấu sự phát triển của làng nghề giầy da Phú Xuyên.
Vào năm 2007, một chiếc giày da khổng lồ của làng nghề xã Phú Yên đã ghi danh vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Chiếc giày dài 2,72m, cao 103cm cùng bề ngang 1,3m, nặng tới 60kg, đế làm bằng một loại gỗ rất nhẹ và bền.
Chiếc giầy da từng lập kỷ lục Việt Nam do các thợ giầy làng nghề giầy da Phú Xuyên làm ra. Ảnh: hanoimoi
Để làm nên được chiếc giày này, những người thợ giày giỏi nhất Phú Yên đã quy tụ, thống nhất đề cử nghệ nhân Lê Văn Thịnh làm thợ cả, rất nhiều thợ giày khác tham gia hỗ trợ. Từ nguyên liệu da bò, thiết kế phần mũi cho tới đường kim mũi chỉ lớn cũng được xử lý rất tỉ mỉ, cẩn thận.
Khâu quan trọng nhất trong việc chế tác tại làng nghề giầy da Phú Xuyên là kiểu dáng. Người thiết kế nên kiểu dáng thường là những nghệ nhân có tay nghề và kinh nghiệm. Họ sẽ vẽ ra trên giấy. Tiếp theo là các bộ phận mũ, đế, lưỡi gà, hoa văn được chế tác bằng bìa cứng, gọi là “dưỡng”. Khi đã có “dưỡng” này, việc làm giầy từ đó được tiến hành qua các khâu.
Các công đoạn để thành phẩm một đôi giày tại làng nghề giầy da Phú Xuyên đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế. Ảnh: VOV
Trước kia, khâu chế tạo phom giày được làm bằng gỗ, nay được chế tạo bằng nhựa vừa bền vừa nhẹ hơn nhiều. Người thợ sau đó sẽ gò da trên phom với các bước khâu, ép, đóng đế, mài, phun, đánh bóng, dập đinh khóa.... cho ra lò sản phẩm hoàn chỉnh.
Công đoạn từ khâu, ép, đóng đế... đều được chỉn chu. Ảnh: VOV
Ngày nay, chỉ cần đi dọc Tỉnh lộ 428A, qua địa phận hai thôn Giẽ Thượng và Giẽ Hạ của làng nghề giầy da Phú Xuyên, bạn sẽ bắt gặp hàng trăm cửa hàng bày bán và giới thiệu sản phẩm giày, dép da của làng nghề. Trong đó, có 4 cửa hàng đạt chất lượng OCCOP 4 sao.
Thế mạnh của làng nghề giầy da Phú Xuyên là dòng công sở có độ bền cao, giá thành từ vài trăm đến tiền triệu. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
Đến nay, trung bình hàng năm, làng nghề Phú Yên này cung cấp ra thị trường 6 triệu đôi giày da. Các sản phẩm mẫu mã giày da Phú Yên cũng ngày càng đa dạng, thẩm mỹ hơn. Huyện Phú Xuyên cũng đã quy hoạch riêng một cụm phát triển giày da quy mô lớn khoảng 10ha để chuyên giới thiệu sản phẩm và góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Đây cũng sẽ là điểm thăm quan, mua sắm uy tín cho khách du lịch Hà Nội. Sau chuyến đi, bạn có thể mua giầy da về làm kỷ niệm, làm quà cho người thân.
Làng nghề giầy da Phú Xuyên nổi tiếng là vậy, huyện ngoại thành này còn có làng nghề khảm trai cũng nổi tiếng không kém. Xã Chuyên Mỹ có 7 làng thì cả 7 làng cùng làm nghề khảm trai này. Trong đó, làng Chuôn Ngọ có tổ nghề, bề dày lịch sử làm khảm trai hơn 1000 năm.
Làng khảm trai Chuôn Ngọ tại xã Chuyên Mỹ đã tồn tại hơn 1000 năm. Ảnh: Vnexpress
Có thể nói, khi nhắc tới làng nghề huyện Phú Xuyên, ai cũng biết tới nghề khảm trai Chuyên Mỹ. Nguyên liệu khảm trai ở Chuyên Mỹ là vỏ trai, vỏ ốc trong nước và cả nhập từ nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Singapore...
Xã Chuyên Mỹ sản xuất, chế biến các nguyên liệu ốc, trai lớn nhất Việt Nam, cung cấp vỏ ốc, trai cho rất nhiều địa phương trên cả nước. Từ những vỏ ốc, vỏ trai tưởng như vô dụng, qua bàn tay của thợ khảm Chuyên Mỹ lại trở nên đẹp mắt với những họa tiết tinh vi, phức tạp.
Một làng nghề huyện Phú Xuyên khác nữa là làng may Vân Từ. Từ khoảng năm 1920, một số người dân ở xã Vân Từ đã ra Hà Nội để học nghề may và mở cửa hiệu may lớn trên thành phố. Về sau, họ mang nghề may về truyền dạy cho con cháu tại quê hương và vẫn còn lưu giữ tới tận ngày nay.
Làng may comple, veston ở xã Vân Từ cũng là làng nghề truyền thống của huyện Phú Xuyên. Ảnh: VGP/Bích Phương
Cũng như làng nghề giầy da Phú Xuyên, nghề may cũng trải qua nhiều thăng trầm, có thời kỳ may veston, comple ở Vân Từ bị mai một. Nhiều thợ may bỏ nghề làm nông để mưu sinh. Tuy nhiên, đến ngày nay, với việc mạnh dạn đầu tư máy móc, đa dạng, cải tiến mẫu mã, nghề may truyền thống ở Vân Từ đã bước lên một tầm cao mới.
Trên đây là thông tin về làng nghề giầy da Phú Xuyên cho bạn và gia đình trước khi ghé thăm. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến
Xem nhanh
, 18/12/2024