Diễn đàn “Vì sao giáo viên nghỉ việc?” của Báo Thanh Niên thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, nhất là đối với những người đang trực tiếp làm công tác giáo dục.
Bên cạnh nhiều lý do chính yếu như thu nhập, áp lực công việc, môi trường làm việc… khiến nhiều thầy cô phải dừng lại, “chia tay” với “nghề cao quý”, còn có các lý do sau.
Giáo viên trong một buổi tập huấn sách giáo khoa mới
n.t |
Một trong những lý do khiến giáo viên mệt mỏi với công việc dạy học, dẫn đến tình cảnh xin nghỉ việc đó là sự thay đổi liên tục của giáo dục. Điều này khiến họ phải dốc hết sức để chạy theo sự thay đổi.
Chẳng hạn sự thay đổi về phương pháp dạy học, thay đổi chương trình, sách giáo khoa. Cả việc áp dụng công nghệ 4.0, đưa STEM vào giáo dục cũng làm cho nhiều giáo viên, nhất là những thầy cô tuổi cao cảm thấy e dè, khó khăn khi thực hiện.
Cùng với đó là việc mất lòng tin vào giáo dục như các hình thức thi cử, đánh giá; các loại “bệnh” thành tích trong nhà trường. Đồng ý rằng bản chất của giáo dục là sự thay đổi, đổi mới nhưng những giá trị mà nền giáo dục xác lập nên cần hướng đến một sự vững bền nào đó. Khi đã mất lòng tin, tất yếu sẽ dẫn đến hệ lụy là, giáo viên sẽ khó gắn bó hết lòng.
Theo đuổi nghề dạy học, nhiều người sẵn sàng chấp nhận đổi lấy tất cả để tìm kiếm niềm vui, sự vinh dự về địa vị trong xã hội. Nhưng thực tế hiện nay rất khác, vị thế người thầy không còn tôn vinh cao như trước đây. Từ cách đào tạo người thầy, đến quy định về công việc dạy học, và đặc trưng của công việc dạy học ngày nay khiến xã hội coi nghề dạy học như là một nghề mưu sinh như các nghề khác.
Việc học ngày nay cũng phát triển theo xu hướng mở. Người học không chỉ học ở thầy đóng khung theo kiểu giáo dục truyền thống, mà đa dạng hơn trong cách học, mở rộng tối ưu trong không gian học tập trên mạng. Điều này làm giảm vị trí quan trọng của người thầy trong mắt học trò, trong cái nhìn của xã hội, phụ huynh. Khi đã giảm sút “vị trí”, chữ “sĩ” (sĩ diện) trong thầy cô cũng mất đi, họ sẵn sàng chọn nghề khác để mưu sinh. Hệ lụy tất yếu là giáo viên sẽ... đổi nghề!
\n
Những sự việc đau lòng này vẫn xảy ra trong giáo dục khiến giáo viên không an tâm với nghề
chụp màn hình |
Dạy chữ - dạy người là hành trình khó nhằn đòi hỏi nỗ lực, nhiệt tâm, đức tính kiên trì cùng lòng yêu nghề mến trẻ của đội ngũ nhà giáo.
Đưa trẻ đến lớp, nhiều phụ huynh mặc định nhiệm vụ dạy đức, trí, thể, mỹ cho trẻ là của nhà trường. Nên, họ hoàn toàn phó mặc việc dạy dỗ trẻ cho thầy cô. Lắng nghe lời cậy nhờ “trăm sự nhờ thầy”, “muôn sự nhờ cô” từ phụ huynh, nhiều giáo viên gượng cười chua chát.
Tại sao ư? Vì đẩy trọng trách giáo dục một bạn trẻ vừa giỏi tri thức vừa giàu nhân cách cho nhà trường nhưng phụ huynh lại tước mất quyền giáo dục học sinh của thầy cô! Sau một vài trường hợp cá biệt thầy cô hành xử bạo lực với học sinh và vô số vụ việc khởi điểm là chuyện bé bỗng bị xé ra to, ngành giáo đã nghiêm cấm người thầy: không được xâm phạm thân thể và xúc phạm nhân cách người học.
Phụ huynh nghe lời mách một phía từ trẻ đã vội tố cáo trên mạng xã hội hoặc đến trường “xử tội” giáo viên. Dư luận chưa thấu hiểu ngọn ngành đã vội vàng buông lời chua chát, mạt sát khiến giáo viên đau đớn, day dứt.
Quyền giáo dục học sinh của người thầy bị tước dần. Quyền cho điểm chính xác bị lực cản từ bệnh thành tích. Quyền nghiêm khắc uốn rèn học sinh bị bức tường “nghiêm cấm xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học” chặn đứng. Trò biếng học, lơ là rèn luyện nhân cách, thậm chí vô lễ, xấc xược với giáo viên, ức hiếp bạn học… cứ thế trưng ra ngày càng nhiều khiến lòng giáo viên day dứt.
Nghiêm túc dùng lời nói la mắng trò dễ bị quy chụp xúc phạm danh dự người học. Nghiêm khắc dùng một roi khẽ vào tay trò sẽ bị quy kết xâm phạm thân thể người học. Nên để yên thân, nhiều nhà giáo đành “ngoảnh mặt làm ngơ” mà lòng đau như cắt trước biểu hiện sai trái, lệch lạc của trò.
Xem nhanh
, 10/01/2025