Việt Nam đang thiếu nguồn lao động có kỹ năng nghề cao

H
Home Content

Chỉ 5% lao động có trình độ tiếng Anh

Theo đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sau những năm đổi mới, hiện lực lượng lao động đã tăng gấp đôi, từ 27 triệu năm 1986 lên 51,4 triệu. Dân số Việt Nam đang ở thời kỳ vàng, nhưng chất lượng lao động "chưa vàng", khi tỷ lệ qua đào tạo thấp, chỉ trên 26%.

Các chương trình đào tạo nghề gắn với thực hành.

Từ bất cập trong cơ cấu đào tạo dẫn đến thị trường lao động Việt Nam dư thừa người có kỹ năng thấp và thiếu lao động kỹ thuật cao. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ những hạn chế trình độ kỹ năng khiến lao động Việt gặp nhiều khó khăn khi dịch chuyển việc làm, trong khi lưới an sinh chưa đủ sức đảm đương chống đỡ rủi ro cho người lao động. Nếu không sớm thay đổi đào tạo, bù đắp các kỹ năng cho người lao động, có thể dẫn tới nguy cơ mất tính cạnh tranh.

Một khảo sát độc lập từ đơn vị tuyển dụng nước ngoài cũng cho thấy những chỉ số tương tự. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam, cho biết: Chỉ 8,96% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa trong bối cảnh doanh nghiệp tăng cường loại hình này sau đại dịch. Lao động có kỹ năng tay nghề cao chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Đáng chú ý, chỉ 5% lao động có trình độ tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập sẽ là nhiều hạn chế, chưa đủ cạnh tranh với lao động khu vực. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam khoảng 300 USD, tương đương 7 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).

Ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, nhân công "giá rẻ" vừa điểm thu hút nhưng cũng là điểm yếu về thích nghi của lao động Việt Nam khi doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ mới vào sản xuất. Theo khảo sát, khoảng 57% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Trước kia, lương là yếu tố hàng đầu, nhưng giờ là chế độ phúc lợi, chính sách như làm việc linh hoạt thời gian... Doanh nghiệp vì thế cần cải thiện linh hoạt chế độ, môi trường làm việc, cơ hội phát triển kỹ năng để giữ chân người lao động.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2021 do Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cũng phản ánh công nhân lao động phổ thông là nhóm dễ tuyển dụng nhất khi doanh nghiệp tuyển thay thế hoặc mở rộng sản xuất, khoảng 62%. Tiếp đến là nhóm kế toán 42%, cán bộ kỹ thuật 25% và quản lý, giám sát 20%. Giám đốc điều hành là nhóm khó tuyển dụng nhất, khoảng 5%.

Đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, trong khi đang cần tuyển dụng hàng nghìn vị trí nhân sự khi mở rộng sản xuất. Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup cho hay: Hai năm tới, doanh nghiệp này cần khoảng 100.000 người, trong đó 20% là nhân sự cao cấp đã qua đào tạo tối thiểu đại học. Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng, đào tạo nhân sự chất lượng cao. Về lâu dài, doanh nghiệp thông qua hệ thống giáo dục sẵn có lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh trải dài khắp nước sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nhân sự.

Còn PouYuen, doanh nghiệp sản xuất giày thể thao xuất khẩu đông công nhân nhất TP Hồ Chí Minh đang khó khăn tuyển dụng khi thâm hụt khoảng 5% lao động sau dịch. Ông Thái Văn Tông, Tổng giám đốc PouYuen cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tự động hóa sản xuất và số hóa dữ liệu, doanh nghiệp và quá trình này sẽ cần tuyển dụng số lượng lớn lao động bản địa có kỹ năng, tay nghề cao trong các lĩnh vực kỹ thuật khuôn mẫu, tự động hóa, công nghệ thông tin...

Trong bối cảnh khan hiếm lao động, ông Thái Văn Tống đề nghị Chính phủ tạo điều kiện kết nối với các trường đào tạo nghề, đầu tư thêm nguồn lực vào các tỉnh phía Nam để tạo ra nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề cao.

Nâng cao chất lượng đào tạo lao động kỹ năng

Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết: Giáo dục phổ thông trong thời gia qua được đầu tư và đạt nhiều kết quả, thành tích, nhưng giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm nên xảy ra tình trạng thiếu lao động có tay nghề. Do đó, tỉnh Bắc Giang xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động hội nhập là một trong các khâu đột phá.

“Chúng tôi chú trọng cả 5 khâu: Ban hành cơ chế chính sách về đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp; phân luồng đào tạo; dạy nghề; dự báo kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội để sẵn sàng cho làn sóng lao động nhập cư. Trong số hơn 300.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), có tới 1/3 là lao động nhập cư nên tỉnh rất chú trọng các giải pháp để phát triển thị trường lao động hài hòa, bền vững”, ông Lê Ánh Dương nhận định.

Thực tập kỹ năng nghề.

, 24/01/2025

Back
Top