Sau gần 1 tuần nghị án, chiều 28/7, TAND TP Hà Nội đã tuyên án 54 bị cáo trong vụ án liên quan "chuyến bay giải cứu" xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số tỉnh, thành phố.
HĐXX đã tuyên 3 án Chung thân về tội "Nhận hối lộ" đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Bị cáo Hoàng Văn Hưng - cựu điều tra viên cũng bị tuyên án Chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong phiên tòa này, Tòa tuyên ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao 16 năm tù (VKS đề nghị 12-13 năm);...
Ngay từ những ngày đầu phiên tòa tiến hành xét xử đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trước phiên tòa, dư luận đã ít nhiều biết được kết quả điều tra vụ án và đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác bởi mức độ nghiêm trọng của những con số hàng triệu USD qua hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Lời khai tại phiên tòa của các bị cáo khiến dư luận càng thêm bức xúc trước những thủ đoạn của nhiều quan chức, doanh nghiệp đã kiếm tiền trên nỗi đau, nỗi sợ hãi tột cùng của đồng bào, đồng loại trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành khắp toàn cầu và cướp đi hàng ngàn sinh mạng mỗi ngày trong cả năm trời.
Theo dõi phiên tòa ngay từ những ngày đầu xét xử, luật sư Nguyễn Đức Hùng- Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, phiên tòa đã diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, thể hiện được tính công khai, dân chủ và bình đẳng, đảm bảo được những nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử, đặc biệt là quyền bào chữa của các bị cáo (với sự tham gia của hơn 100 luật sư) và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Các bị cáo, các luật sư đã được thực hiện đầy đủ các quyền tố tụng của mình, được đưa ra các ý kiến, các quan điểm để tranh luận, đối đáp với các luận điểm buộc tội của Cáo trạng và luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân (thực hành quyền công tố) tại phiên tòa. Nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng của vụ án đã được công khai tại phiên tòa. Các cơ quan truyền thông, báo chí cũng đã được tạo điều kiện tác nghiệp, đưa tin nhanh chóng về diễn biến phiên tòa. Qua đó, không chỉ giúp Hội đồng xét xử mà còn giúp quần chúng nhân dân có những nhận định, đánh giá khách quan và toàn diện về nội dung vụ án, cũng như các hành vi bị cáo buộc phạm tội của các bị cáo.
Theo luật sư Hùng, có thể khẳng định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có số lượng bị cáo lớn, trong đó có những bị cáo đã từng giữ những chức vụ cao, liên quan đến nhiều bộ, ngành, ở cả trung ương và địa phương, với số tiền đưa và nhận hối lộ đặc biệt lớn. Nghiêm trọng hơn, vụ án diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang diễn ra phức tạp và căng thẳng, các bị cáo đã lợi dụng chủ chương nhân đạo của Nhà nước để trục lợi, tạo thêm những gánh nặng cho người dân, đi ngược lại những nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong “cuộc chiến” phòng chống đại dịch, ảnh hưởng xấu đến uy tín Nhà nước, gây sự bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội. Do đó, việc điều tra, truy tố và xét xử đối với vụ án là hết sức cần thiết, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, qua vụ án này cũng cho thấy, “cuộc chiến” phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn rất cam go, không dễ dàng, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, để có thể làm trong sạch bộ máy, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo dựng vững chắc niềm tin của nhân dân.
“Vụ án này cũng là bài học đắt giá trong công tác cán bộ và quản lý Nhà nước. Qua đó cho thấy sự phức tạp và rườm rà của các thủ tục hành chính... đã tạo “đất sống” cho nạn sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, là một trong những nguyên nhân làm phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực”- luật sư Hùng phân tích.
Từ phân tích trên, luật sư Hùng cho rằng, bên cạnh việc cải cách và đổi mới hơn nữa công tác quản lý cán bộ, tăng cường các cơ chế kiểm soát việc thực hiện công vụ, xử lý nghiêm minh các vi phạm, thì việc đơn giản hóa, tinh gọn, đảm bảo tốt nhất tính trách nhiệm, minh bạch, dân chủ và hiện đại trong các thủ tục hành chính.... là một yêu cầu rất quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước nói chung và công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh, Trưởng bộ môn dịch vụ pháp lý, khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện hành chính quốc gia cho rằng, tại phiên tòa này, qua hai phần rất quan trọng là xét hỏi và tranh luận đều diễn ra rất dân chủ và bình đẳng, đặc biệt, là sự chia sẻ và tự bào chữa của các bị cáo. Tại phiên chất vấn, nhiều bị cáo, đặc biệt là các quan chức ở nhiều lĩnh vực quan trọng trong bộ máy nhà nước, từ ngành giáo dục cho tới quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực khác nhau nhưng kiến thức về tham nhũng còn hạn chế.
Có những bị cáo đứng trước tòa còn cho rằng, bản thân không biết đó là hành vi hối lộ và nhận hối lộ. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn.
“Công tác rèn luyện chính trị, tư tưởng và bản lĩnh đối với đội ngũ này là điều quan trọng. Cùng với đó là công tác nêu gương của lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi, có những nhân viên khi vướng vào vòng lao lý, họ khai rằng, vì sếp chỉ đạo mà vi phạm. Nhưng muốn nêu gương được thì người lãnh đạo phải nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cũng cần tăng cường biện pháp bảo vệ và khuyến khích người tố cáo và khiếu nại tố cáo. Bởi, có đẩy mạnh thì quần chúng nhân dân mới dám thực hiện hiệu quả”- Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh phân tích.
Về mức án các bị cáo phải chịu, trên quan điểm cá nhân, Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng từ Cơ quan điều tra cho đến Viện Kiểm sát cũng đã rất nỗ lực, cố gắng, tương đối công tâm, khách quan đối với các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong số các bị cáo, còn một số bị cáo có lẽ cũng cần bằng chứng thuyết phục hơn.
Cùng với đó, theo bà Linh, cũng cần tính đến yếu tố tương quan giữa các hành vi phạm tội. Bởi, bây giờ người dân cũng có những thắc mắc liên quan đến các hành vi tham nhũng. Thực tế cho thấy, tham nhũng hàng tỉ, hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ, nhưng khi trả lại tiền lại được hưởng mức độ khoan hồng, thậm chí có những người còn có mức phạt nhẹ, Trong khi đó, những hành vi phạm tội mang tính chất chiếm đoạt tài sản trong đời sống ngày thường của người dân như trộm cắp nhưng chịu mức phạt tù tương đối cao.
Th.S Ngô Thế Nghị- Giảng viên Khoa Chính trị học, Học viên Thanh thiếu niên Việt Nam phân tích, vụ án này đã để lại rất nhiều bài học cho chúng ta, đặc biệt cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Trong đó, nhấn mạnh đến khả năng đề kháng trước những cám dỗ vật chất tiền tài của đội ngũ cán bộ. Cần tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực ngay trong các cơ quan điều tra tố tụng thi hành án.
Ông Nghị cho hay, thông qua vụ án là bài học cảnh tỉnh răn đe đắt giá đối với đội ngũ cán bộ, đặc biệt những người đang được giao phó quyền hạn, trách nhiệm thực thi quyền lực nhà nước. Bài học về kiểm soát quyền lực trong khu vực công, một lần nữa cảnh tỉnh cán bộ về tình trạng tha hóa trong sử dụng chức vụ, quyền lực công.
Từ vụ án này, ông Nghị cũng mong muốn tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ việc để xử lý kịp thời nghiêm minh các cá nhân tổ chức vi phạm pháp luật và quy định của Đảng để thấy rõ tính chính nghĩa, tính nghiêm minh, tính công bằng, tính nhân văn nhân đạo của Đảng ta trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Qua đó, để nhân dân trong và ngoài nước thấy rõ: dù bất cứ ai, từng giữ chức vụ gì, nếu vi phạm thì phải được xử lý kiên quyết, thật nghiêm minh, đúng người, đúng tội, để giữ vững niềm tin cho nhân dân và răn đe những ai có tư tưởng trục lợi.
Xem nhanh
, 18/11/2024