Vụ Việt Á: Ông Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ hơn 2 triệu USD rồi giới thiệu Việt Á cho các địa phương như thế nào?

H
Home Content

Từ việc nâng khống giá kit xét nghiệm, tổng giám đốc Công ty Việt Á đã thu lời bất chính số tiền lên đến hơn 1.200 tỉ đồng và chi 106 tỉ để hối lộ các quan chức. Cựu bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 2,25 triệu USD.


C03 kết luận Phan Quốc Việt đã cấu kết, thông đồng cùng Trịnh Thanh Hùng với mục đích để Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm của bộ này, sau đó chiếm đoạt và biến kit xét nghiệm thành sản phẩm của Việt Á. Từ đó, Việt Á sản xuất kit xét nghiệm để tiêu thụ và thu lời.
Tiếp đó, Phan Quốc Việt tiếp tục đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ, trợ lý phó thủ tướng), bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh (thư ký của ông Long) để can thiệp, tác động, chỉ đạo trái pháp luật nhằm chiếm đoạt kit xét nghiệm là sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước.
Ông Long đã chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế) để Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit xét nghiệm COVID-19 cho Công ty Việt Á. "Từ đó kit xét nghiệm vốn là sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước do Bộ KH&CN quản lý bị chiếm đoạt, biến thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á trái quy định pháp luật", kết luận nêu.
Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá để thu lợi nhuận và có tiền chi hoa hồng ngoài hợp đồng. Kết quả điều tra xác định giá thành sản xuất kit tối đa khoảng 143.461 đồng/kit (đã bao gồm 5% lợi nhuận và tất cả chi phí) nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương xác định giá 470.000 đồng/kit. Mức giá mà Bộ Y tế hiệp thương này bị kết luận là không có căn cứ.
"Khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được Phan Quốc Việt nâng khống, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương", kết luận nêu.
Hành vi thông đồng, cấu kết của Phan Quốc Việt với các quan chức thuộc Bộ KH&CN, Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ nêu trên đã giúp Việt Á biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Việt Á. Hành vi của các cựu quan chức trong vụ án này đã giúp Việt Á sản xuất, tiêu thụ kit xét nghiệm và thu lời bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Kết quả điều tra xác định năm 2020, 2021, tổng doanh thu của Công ty Việt Á hơn 4.200 tỉ đồng. Trong đó Việt Á đã sản xuất tổng số 8,7 triệu kit xét nghiệm, tiêu thụ (bán, cho, tặng, ứng trước) cho các đơn vị, cơ sở y tế 8,3 triệu kit xét nghiệm, tổng trị giá hơn 3.900 tỉ đồng. Trong đó, Việt Á đã được thanh toán 5,9 triệu kit xét nghiệm với tổng trị giá hơn 2.200 tỉ đồng.
Kết quả điều tra xác định từ việc nâng khống giá bán kit xét nghiệm, tiêu thụ hơn 8 triệu kit, Công ty Việt Á đã hưởng lợi trái phép số tiền hơn 1.200 tỉ đồng.

Bộ trưởng giới thiệu Việt Á cho các địa phương


Phan Quốc Việt bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này. Lợi nhuận thu được từ việc nâng khống giá kit xét nghiệm, tổng giám đốc Việt Á đã dùng số tiền rất lớn để chi hối lộ, "lót tay" cho nhiều người là lãnh đạo, cán bộ của một số bộ ngành. Trong đó, cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất, lên đến 2,25 triệu USD (hơn 51 tỉ đồng).
C03 nhận định từ hàng loạt hành vi "tạo điều kiện" và sai quy định của ông Long dẫn tới việc Việt Á bán cho các đơn vị, địa phương theo giá kit xét nghiệm đã nâng khống như trên. Đặc biệt, khi Việt Á sản xuất kit, ông Long còn giới thiệu Phan Quốc Việt với lãnh đạo một số địa phương, tạo điều kiện cho Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm.
Đồng thời, ông Long và thư ký của mình là Nguyễn Huỳnh còn gợi ý Phan Quốc Việt đưa tiền. Việt đã chi hối lộ cho cá nhân thư ký của ông Long 4 tỉ đồng.
Back
Top