Những bông hoa đẹp tỏa ngát hương thơm
Toàn ngành giáo dục huyện Đan Phượng có 58 trường với hơn 42.000 học sinh và trên 2.700 cán bộ giáo viên, nhân viên. Được sự quan tâm của TP cũng như huyện Đan Phượng, cơ sở vật chất các nhà trường được dầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố và hiện đại.
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã đưa vào sử dụng thêm 1 trường mầm non (Mầm non Tân Lập B), xây bổ sung 109 phòng học, 32 phòng bộ môn, 25 phòng hành chính quản trị, 5 khu bếp ăn, mở rộng 10.736 m2 đất cho các nhà trường.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, trang thiết bị các phòng học, phòng bộ môn, bếp ăn, khu ngủ của trẻ được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại cùng với sự tâm huyết, trách nhiệm của các thầy cô giáo đã góp phần nâng cao chất lượng dạy, học, chăm sóc nuôi dưỡng trong các nhà trường.
Năm học 2022 – 2023, tại kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa, khoa học cấp huyện đã có 332 học sinh đạt giải. Trong đó, có 24 giải Nhất, 42 giải Nhì, 118 giải Ba, 148 giải Khuyến khích. Tại cuộc thi cấp TP đã có 119 lượt học sinh đạt giải, trong đó, có 1 giải Nhất, 22 giải Nhì, 40 giải Ba và 56 giải Khuyến khích.
Tiêu biểu như em Trần Bá Duy, lớp 12A7 Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng, với quyết tâm cao, nỗ lực cố gắng bền bỉ, em đã xuất sắc giành giải Nhất môn Toán kỳ thi học sinh giỏi cấp TP. Bá Duy chia sẻ, mong ước sau này sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt để có thể đóng góp nhiều cho xã hội và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đáng chú ý, nhiều học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hay không may bị bệnh tật hiểm nghèo cũng vươn lên mạnh mẽ trong học tập. Đó là em Đỗ Thị Phương Thùy, học sinh lớp 5E - Trường Tiểu học Thượng Mỗ.
Thùy sinh ra trong một gia đình có 3 chị em, bố bị ảnh hưởng khả năng đi lại và làm việc do có khối u ở mắt, mẹ bị viêm da nặng, thường xuyên phải đi điều trị tại bệnh viện. Kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với mong muốn sau này trở thành một cô giáo, Phương Thùy luôn nỗ lực, cố gắng trong học tập, rèn luyện và đạt kết quả tốt.
Câu chuyện về cậu học trò Đỗ Anh Tú, lớp 12A3, Trường THPT Hồng Thái cũng khiến cho nhiều người xúc động. Với gương mặt sáng, nụ cười tươi rạng rỡ luôn nở trên môi, đâu ai biết được em đã có những tháng ngày tuổi thơ thật gian truân: 9 tuổi Anh Tú phải đối mặt với căn bệnh K xương quái ác, em trải qua những giây phút sinh tử trong phòng phẫu thuật để giữ được một bên chân.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn bội phần vì em lại bị mất đi chỗ dựa từ người cha. Một mình mẹ em phải cáng đáng, bươn trải cuộc sống để nuôi hai anh em ăn học. Thương mẹ vất vả sớm hôm và lòng say mê tri thức, Anh Tú luôn có ý chí vươn lên và nỗ lực không ngừng. 3 năm THPT em đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và em còn vinh dự tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Tin học cấp TP.
“Anh Tú là tấm gương nỗ lực vượt lên số phận để có được những thành tích đáng khâm phục trong học tập” – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng chia sẻ.
Quyết liệt chỉ đạo quy hoạch hệ thống trường lớp
Ghi nhận và biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong học tập và rèn luyện của các em học sinh, ngày 23/5, UBND huyện Đan Phượng đã long trọng tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng 151 học sinh giỏi tiêu biểu năm học 2022 – 2023.
Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam khẳng định, nhận thức rõ vai trò của giáo dục đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, tạo các điều kiện thuận lợi cho phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Trong đó, huyện đã chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp đảm bảo mỗi xã, thị trấn có ít 2 trường ở mỗi cấp học với diện tích từ 15 - 23m2/học sinh. Việc đầu tư xây mới, tu bổ cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị được chỉ đạo sâu sát đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia, nhu cầu dạy học của các nhà trường và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo thực hiện nhiều các đề án, chương trình nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực, phát triển toàn diện học sinh như: Sân bóng đá mini, sân bóng rổ, bể bơi, khu vui chơi, thiết bị vận động... Năm 2022 - 2023, huyện đã đầu tư 38 dự án với tổng kinh phí gần 475 tỷ đồng.
Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cũng được quan tâm. Hằng năm, UBND huyện dành khoảng 500 triệu cho công tác bồi dưỡng giáo viên với các nội dung bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh, kỹ năng công nghệ thông tin… Chất lượng giáo viên chuyển biến bền vững, nhiều năm liền Đan Phượng duy trì có giáo viên đạt giải cao cấp TP.
Biểu dương những học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc, những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập và rèn luyện, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam đề nghị, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI).
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng, đồng bộ cơ cấu đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục và nhu cầu của xã hội. Bên cạnh việc giáo dục để hình thành và phát triển tri thức cho học sinh cần chú trọng giáo dục đạo đức, truyền thống, lối sống, kỹ năng, ý thức chấp hành, tuân thủ luật pháp… để học sinh phát triển toàn diện trí - dục - thẩm - mỹ.
“Đặc biệt, khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được trang cấp; tham mưu triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo lộ trình góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển sự nghiệp giáo dục” – ông Lê Thanh Nam nhấn mạnh.
Đến nay, toàn huyện Đan Phượng đã có 54/55 trường mầm non, tiểu học, THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 98,2%. Trong đó 33/55 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 chiếm 60%. Đan Phượng là huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất TP.
Xem nhanh
, 01/01/2025