Bộ Tư pháp đề nghị áp giá trần với nhà ở xã hội

Dân
Thành Dân
Phản hồi: 2

Thành Dân

Thành viên nổi tiếng
Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung quy định giá trần với nhà xã hội vào dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù của Quốc hội, nhưng Bộ Xây dựng không đồng ý.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Trong báo cáo thẩm định dự thảo Nghị quyết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung giá trần với nhà xã hội để bán và cho thuê nhằm đảm bảo quyền tiếp cận nhà ở của người dân, lao động thu nhập thấp... Bộ này cũng cho rằng cần có quy định về "hậu kiểm" để tránh lạm dụng chính sách về nhà xã hội.

Theo quy định hiện hành, giá bán nhà xã hội do chủ đầu tư xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức (không quá 10%). Giá này do UBND tỉnh thẩm duyệt, không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước.

Đề nghị của Bộ Tư pháp được đưa ra trong bối cảnh liên tiếp dự án nhà xã hội mới ra mắt thời gian qua với giá bán tăng cao. Tại Hà Nội, mức cao nhất hiện thuộc về dự án tại Khu đô thị Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) với giá tạm tính khoảng 25 triệu đồng một m2, tương đương 1,75 tỷ đồng cho căn diện tích lớn nhất. Tương tự, tại huyện Mê Linh, hơn 700 căn nhà xã hội thuộc xã Kim Hoa có mức dự kiến 21,2 triệu đồng một m2. Trong khi đó, giá dự kiến dự án tại ô đất CT3, Khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh là 18,4 triệu đồng mỗi m2.

Giai đoạn trước 2023, giá bán nhà ở xã hội tại Thủ đô được duyệt thường dao động 13-17 triệu đồng một m2. Từ đó đến nay, giá căn hộ đã tăng phi mã, dù suất đầu tư được Bộ Xây dựng công bố với loại nhà ở này dưới 20 tầng chỉ khoảng 5,6-8,8 triệu đồng một m2.

Giá bán nhà ở xã hội tại nhiều địa phương cũng có xu hướng tăng mạnh. Chẳng hạn, tại Thanh Hóa, dự án tại lô đất NOXH-02 thuộc khu đô thị trung tâm TP Thanh Hóa (tên thương mại Vinhomes Star City) có giá 20,65 triệu đồng một m2.

Đây không phải lần đầu đề nghị áp giá trần nhà xã hội được đưa ra. Tháng 6/2023, thời điểm dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được lấy ý kiến, Bộ Tài chính cho rằng nhà ở xã hội do Nhà nước hay doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư đều cần "Nhà nước duyệt giá" và quy định mức trần. Giải pháp này giúp nhà ở xã hội mới bán, cho thuê đúng đối tượng, "nếu không, sẽ rơi vào kênh nhà ở thương mại". Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024 không nêu quy định trên.
1747008161489.png

Một dự án nhà ở xã hội tại TP Hải Phòng, tháng 6/2024. Ảnh: Lê Tân
Phản hồi đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng cho biết việc quy định giá trần bán, cho thuê nhà xã hội "cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng".

Bộ này cho biết theo Luật Nhà ở 2023, giá thuê nhà xã hội gồm kinh phí bảo trì, do chủ đầu tư thỏa thuận với người thuê dựa trên khung giá cho UBND cấp tỉnh quy định. Ví dụ, tại Hà Nội, khung giá cho thuê cao nhất 198.000 đồng một m2 sàn một tháng, tương đương gần 14 triệu đồng với căn 70 m2. Hay Hải Phòng cao nhất 121.900 đồng mỗi m2, tương đương hơn 8,5 triệu đồng căn 70 m2 một tháng.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị chưa bổ sung quy định giá trần với nhà xã hội vào dự thảo Nghị quyết. Còn quy định về "hậu kiểm" dự án nhà xã hội được Bộ này tiếp thu và bổ sung vào dự thảo.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan Nhà nước xét duyệt thông tin, hồ sơ của người mua nhà xã hội thay vì doanh nghiệp, để đảm bảo minh bạch. Bộ này cho rằng cần có chế tài với chủ đầu tư không đáp ứng tiến độ triển khai dự án nhà xã hội, như cơ chế bắt buộc phải chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác tiếp tục thực hiện để tránh lãng phí thời gian, đảm bảo cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân.

Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này đang xây dựng hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó tích hợp dữ liệu về người đã được mua nhà xã hội để theo dõi, quản lý. Còn quy định doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, không trục lợi chính sách, tham nhũng... đã được bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Theo Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, đến năm 2024 cả nước phát triển 130.000 căn. Tuy nhiên, báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy dù nỗ lực, các địa phương chỉ hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch.

Giai đoạn 2025-2030, Thủ tướng giao nhiệm vụ cả nước cần đạt mục tiêu hơn 995.000 căn hộ. Trong đó, Hà Nội phải hoàn thành gần 45.000 căn, còn TP HCM khoảng 67.000 căn.

Điều kiện thuê, mua nhà xã hội

Đối tượng


1. Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ

2. Hộ nghèo, cận nghèo ở nông thôn

3. Hộ gia đình ở nông thôn bị ảnh hưởng thiên tai

4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở đô thị

5. Lao động trong, ngoài khu công nghiệp

6. Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công an, công chức, viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu

7. Cán bộ, công chức, viên chức

8. Người đã trả lại nhà công vụ

9. Học sinh, sinh viên

10. Người phải giải tỏa, phá dỡ nhà do bị thu hồi đất

11. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã trong khu công nghiệp

Điều kiện về nhà ở

- Chưa sở hữu nhà tại nơi có dự án

- Chưa mua/thuê/thuê mua nhà xã hội

- Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại nơi có dự án

- Nếu có nhà, diện tích bình quân dưới 15m2 sàn/người

- Không ở nhà công vụ

Điều kiện về thu nhập


Đối tượng 4, 5, 7 (tính theo bảng tiền công, lương do nơi làm việc xác nhận):

- Cá nhân: Không quá 15 triệu đồng/tháng

- Vợ chồng: Không quá 30 triệu đồng/tháng

Đối tượng 6:

- Độc thân: Lương và phụ cấp không quá tổng thu nhập hàm Đại tá

- Vợ chồng thuộc lực lượng vũ trang: Không quá 2 lần tổng thu nhập hàm Đại tá

- Vợ chồng có 1 người thuộc lực lượng vũ trang: Không quá 1,5 lần tổng thu nhập hàm Đại tá

Lãi suất

- Bằng mức cho vay hộ nghèo: 6,6% một năm từ 1/8/2024

- Vốn vay tối đa: 80% giá trị hợp đồng

- Thời hạn vay: Tối đa 25 năm

- Lãi nợ quá hạn: Bằng 130% lãi suất cho vay

Hồ sơ

- Đơn mua nhà xã hội

- Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được mua nhà

- Giấy tờ chứng minh điều kiện thu nhập

- Giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở

- Với người thu nhập thấp không có hợp đồng lao động tại đô thị: Có xác nhận về đối tượng do UBND xã cấp

- Với người bị thu hồi đất, phải giải tỏa, phá dỡ nhà: Có xác nhận về đối tượng do UBND huyện nơi bị thu hồi đất cấp

Thủ tục

1. Nộp hồ sơ

- Nộp trực tiếp cho chủ đầu tư

- Chỉ được đăng ký tại 1 dự án

2. Giải quyết yêu cầu:

- Chủ đầu tư lập danh sách đối tượng đủ điều kiện được thuê, mua

- Chủ đầu tư gửi danh sách về Sở Xây dựng

- Sau 20 ngày, nếu Sở không phản hồi, Chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng với khách

- Chủ đầu tư tổ chức bốc thăm khi số hồ sơ đạt điều kiện nhiều hơn số căn mở bán

Nguồn: VnExpress
 
Phải thêm nội dung nữa là mua xong rồi tối thiểu 5 năm hoặc 10 năm mới được chuyển nhượng cho người khác, chứ không lại thành món đầu cơ mới, trong khi đó người thật sự cần thì thường là người yếu thế khó có cơ hội được tiếp cận
 
Bộ Tư pháp đề nghị áp giá trần nhà ở xã hội ( NOXH)là cần thiết . Với mặt bằng giá NOXH hiện tại quá mức sơ với thu nhập của đối tượng ưu tiên trên . Cần có quy định hậu kiểm nghiêm ngặt v/v duyệt bán cho người thuộc diện NOXH . Thực tế đã có trường hợp người có thu nhập cao , có nhà ở , có đất nhưng vẫn được duyệt mua NOXH . Sau đó họ tìm mối bán lấy lời . Đây là chính sách rất nhân văn của nhà nước, nhằm hỗ trợ cho người thu nhập thấp , có nhu cầu nhà ở thực sự " An cư mới lạc nghiệp " . Bộ Xây dựng " đề nghị cần nghiên cứu.." , chưa áp giá trần NOXH vì mục đích gì ?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top