Cách đây 45 năm, người đầu tiên Việt Nam bay vào vũ trụ

Duke
Duke
Phản hồi: 2

Duke

Thành viên nổi tiếng
45 năm trước, vào sáng sớm ngày 24 tháng 7 (theo giờ Hà Nội), chuyến bay vũ trụ của Liên Xô với phi hành gia người Việt Nam, Trung tướng Phạm Tuân, đã cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur. Trong 26 giờ đầu tiên sau khi phóng, tàu vũ trụ Soyuz-37 với Viktor Gorbatko và Phạm Tuân trên tàu đã tiếp cận trạm quỹ đạo Salyut-6 trong không gian bao la và thực hiện các thao tác để ghép nối với trạm. Trên tàu, Viktor Gorbatko và Phạm Tuân được phi hành đoàn thường trực Leonid Popov và Valery Ryumin chờ đợi để bắt đầu các công việc chung.

Khi trở về sau chuyến bay vũ trụ, Phạm Tuân đã trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Matxcơva, tiền thân của Sputnik ngày nay:

“Mỗi khoảnh khắc của chuyến bay sẽ mãi mãi đọng lại trong ký ức của tôi. Lúc xuất phát, bay lên quỹ đạo, bay quanh hành tinh, trở về Trái đất. Nhưng, điều đáng nhớ nhất là cuộc gặp gỡ trong không gian với hai phi hành gia trên trạm quỹ đạo. Dĩ nhiên, tôi đã từng gặp Popov và Ryumin trước đó, trong quá trình chuẩn bị cho chuyến bay, nhưng thật vui mừng khi được gặp họ trên không gian! Họ đã làm việc trên trạm quỹ đạo trong vài tháng trước khi chúng tôi đến, và chúng tôi đã được chào đón theo truyền thống Liên Xô với bánh mì và muối. Và quan trọng nhất, chuyến bay còn thể hiện tình cảm chân thành, thân thiết của tất cả người dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam".

Trên quỹ đạo, ở độ cao lớn, có tính đến tốc độ bay, đêm kéo dài 36 phút, ngày - 45 phút. Phạm Tuân đã khâm phục những cảnh đẹp đến kinh ngạc hiện ra trước mặt ông. Những vòng tròn trong bầu khí quyển khi mặt trời lên và lặn, những cầu vồng khổng lồ nhiều màu sắc, những cảnh tượng mà bạn sẽ không bao giờ thấy trên Trái đất.

"Trước đây, tôi chỉ quan sát Trái Đất từ buồng lái máy bay, một góc nhìn hạn chế. Khi lên vũ trụ, tôi được chiêm ngưỡng Trái Đất toàn diện, một trải nghiệm vô cùng khác biệt và sâu sắc. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc của tôi. Và tôi đã phấn khích biết bao khi nhìn thấy hình ảnh quê hương Việt Nam từ tàu vũ trụ! Tôi ngưỡng mộ núi non, sông ngòi, rừng cây của quê hương tôi. Tôi lại một lần nữa thấy rõ rằng Việt Nam đẹp đến nhường nào! Giờ đây, tôi càng yêu đất nước mình hơn - xét cho cùng, tôi đã nhìn thấy nó từ không gian!".
1753499303911.png

Các chuyến bay vũ trụ trước hết là các công việc khoa học chuyên sâu. "Không gian được khai thác vì mục đích hòa bình và tiến bộ". Đây là phương châm của chương trình Intercosmos, mà chuyến bay Nga-Việt đã diễn ra trong khuôn khổ chương trình bày. Và các thành viên tham gia chương trình Intercosmos đã đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ này.

Chương trình khoa học của chuyến bay bao gồm khoảng ba mươi thí nghiệm. Ví dụ, trong chuyến bay vũ trụ của mình, phi hành gia Phạm Tuân đã mang theo bèo hoa dâu, một loại thực vật phổ biến ở Việt Nam, để thực hiện các thí nghiệm khoa học, đặc biệt là nghiên cứu về khả năng hấp thụ khí CO2 và sản xuất oxy của bèo hoa dâu trong môi trường vũ trụ. Trên mặt đất, bèo hoa dâu có khả năng cung cấp nitơ (đạm) cho ruộng lúa, và trong không gian vũ trụ, nó có thể trở thành một trong những yếu tố của hệ thống hỗ trợ sự sống cho những người tham gia chuyến bay vũ trụ. 8 ngày ngoài không gian, Phạm Tuân đã tiến hành hàng chục thí nghiệm khoa học có giá trị như: thí nghiệm Hạ Long 1, Hạ Long 2, thí nghiệm hồ quang, thí nghiệm phân cực. Ngoài ra, Phạm Tuân còn phải tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực. Các nhà du hành vũ trụ đã chụp ảnh và ghi lại hình ảnh về các vùng miền của Việt Nam. Theo yêu cầu của các cán bộ kiểm lâm - để xác định mức độ phục hồi của những cánh rừng bị tàn phá trong những năm tháng Mỹ xâm lược. Theo yêu cầu của ngư dân - để xác định những vùng đánh bắt cá tiềm năng nhất. Theo yêu cầu của các nhà địa chất, các nhà thầu xây dựng - để làm rõ các dự án xây dựng mới và các cơ sở công nghiệp, đặc biệt là Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro), Tổ hợp thủy điện Hòa Bình.

Lần đầu tiên, không chỉ ở Nga mà cả ở Việt Nam, quá trình ghép nối với trạm vũ trụ và toàn bộ chuyến bay có thể được theo dõi trên màn hình tivi. Điều này trở nên khả thi nhờ việc Nga đã xây dựng trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ thống Intersputnik.

“Toàn thể người dân Việt Nam đã dõi theo và ủng hộ phi công Phạm Tuân trong suốt chuyến bay vào vũ trụ của ông”, - nhà cách mạng và chính trị gia nổi tiếng Nguyễn Thị Định - nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam và người nước ngoài đầu tiên được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Liên Xô, đã nói trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Matxcơva.

"Chúng tôi đã nghe radio và xem TV không ngừng nghỉ - bởi vì nhờ có trạm Hoa Sen, chúng tôi có thể thấy mọi thứ đang diễn ra trong không gian vũ trụ. Đây là những ngày vui mừng và tự hào cho cả dân tộc chúng tôi! Niềm vui tràn ngập y như vào ngày nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Yuri Gagarin, người Nga, người anh em trong vũ trụ của Phạm Tuân, hoàn thành chuyến bay quỹ đạo quanh Trái Đất". (Sputnik)
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top