Câu chuyện đoàn tụ nghẹn ngào của ‘ông trùm’ tình báo Tư Cang

nganguien
Tác Phẩm Kinh Điển
Phản hồi: 3

Tác Phẩm Kinh Điển

Thành viên tích cực
🇻🇳 Sau 29 năm hoàn toàn biệt tích, đại tá tình báo Tư Cang – người từng hoạt động bí mật ngay trong nội đô Sài Gòn – bất ngờ trở về nhà đúng vào ngày 30/4/1975.
1746626056696.png

Chụp màn hình đại tá Tư Cang, 98 tuổi, có mặt trên lễ đài trong Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/2025

Cuộc đoàn tụ tưởng chừng chỉ có trong mơ ấy khiến cả khu phố xúc động, nhiều người không cầm được nước mắt.


Ông rời nhà năm 1946, khi vợ ông – bà Ánh – đang mang thai đứa con đầu lòng. Để làm tròn nhiệm vụ với tổ chức, ông phải đổi tên, sống dưới thân phận mới, và âm thầm hoạt động giữa lòng địch suốt gần ba thập kỷ. Trong ngần ấy năm, bà Ánh vẫn bền lòng chờ đợi, tin vào lời ông dặn trước lúc đi: “Anh đi, rồi anh sẽ về.”


Và ông thật sự đã trở về, vào đúng đêm 30/4. Khi Sài Gòn vừa được giải phóng, ông lặng lẽ tìm về căn nhà cũ ở Thị Nghè.


Không kèn, không trống, không quân hàm, không huân chương. Chỉ là một người đàn ông bước vào con hẻm nhỏ, gọi to: “Nhồng ơi! Nhồng!”


Bà Ánh sững người. “Nhồng” là tên thân mật của con gái ông bà. Bà lao ra cửa, nghẹn ngào: “Đây nè, anh về đó hả?”


Cái ôm nghẹn ngào sau 29 năm xa cách.


Ngày ông ra đi, con gái còn nằm trong bụng mẹ. Ngày trở về, con ông đã thành mẹ, có chồng và con nhỏ.


Ông không nói nên lời, chỉ lặng lẽ ôm đứa cháu gái vào lòng.


Đêm ấy, bé gái rụt rè nói: “Con mừng ông ngoại về với bà ngoại.”


Cả nhà lặng người rồi bật khóc.


Suốt đời, ông chưa từng kể công. Với ông, phần thưởng lớn nhất chính là được trở về mái nhà xưa, được ngồi ăn cơm cùng vợ con, được bế cháu trong tay.


Sau ngày đoàn tụ, ông tiếp tục công tác cho đến khi nghỉ hưu.


Một người lính âm thầm sống dưới thân phận khác gần 30 năm. Một người chồng giữ vẹn lời hứa: “Anh đi, rồi anh sẽ về.” Một người cha trở lại đúng ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.


Không cần đến điện ảnh, đây là câu chuyện có thật – đầy xúc động – giữa đời thường.


❤️❤️❤️❤️❤️❤️❤️❤️❤️❤️
 
Nỗi ám ảnh của người anh hùng ngành tình báo
Khi được phong Anh hùng LLVTND năm 2006, điều khiến Đại tá tình báo Tư Cang nhớ nhất chính là những đồng đội đã ngã xuống của ông. Cụm tình báo H63 - A18 Anh hùng, có tất cả 45 người thì 27 người đã hi sinh, để bảo vệ mạng lưới tình báo chiến lược, bảo vệ nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, để Phạm Xuân Ẩn có thể hoàn thành nhiệm vụ và trở thành một “điện viên hoàn hảo” như ngày nay.
Lúc còn sống, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn vẫn luôn nói với ông bạn già Tư Cang và với nhiều người khác rằng: “Nếu không có người liên lạc thì nhà tình báo cũng chẳng làm được gì”. Cả Phạm Xuân Ẩn và Tư Cang đều đã trở thành những người anh hùng của ngành tình báo được Đảng và Nhà nước công nhận. Nhưng với các nhà tình báo ấy, những người đồng đội đã ngã xuống của họ là những người anh hùng trong trái tim họ.
Đại tá tình báo Tư Cang kể, mỗi sự hi sinh của đồng đội trong cụm tình báo H63 đều là một phần ký ức quan trọng của cuộc đời ông, một phần khiến ông luôn đau nhói, nhưng tự hào khi nhớ tới. Mỗi chiến sĩ trong cụm tình báo H63, nếu rơi vào tay địch, đều có thể trở thành một mối hiểm họa lớn cho những điệp viên như Phạm Xuân Ẩn.
Thực tế đã chứng minh, không ít cụm tình báo của ta thời chống Mỹ đã bị lộ vì lý do đó. Nhưng cụm tình báo H63 thì không. Vì H63 có những con người tuyệt vời. Đó chính là điều mà Đại tá Tư Cang tự hào nhất trong cuộc đời tình báo của mình.
Là một nhà tình báo, Đại tá Tư Cang luôn hành động theo mệnh lệnh của lý trí. Ở trong nội thành, 13 năm ông không về thăm nhà, dù nhà ngay trong thành phố, cũng chỉ vì lý trí mách bảo ông điều đó sẽ nguy hiểm cho tổ chức.
Vậy mà đôi lần, ông vẫn từ bỏ mệnh lệnh của lý trí, để nghe theo những linh cảm, những thôi thúc mãnh liệt trong tâm hồn mình: “Bữa đó có cậu Tư Lâm, là cán bộ tình báo cùng đi một đợt với tôi năm 1962. Cậu ấy được phân công vào hỗ trợ tôi. Hôm đó, trước khi cậu ấy vào, tôi đã vẽ cho cậu ấy một bản đồ chỉ đường đến nơi tôi đang ở. Nhưng trên đường về cùng cô Tám Kiên - người liên lạc hỏa tốc của H63 - thì Tư Lâm bị địch bắt. Tư Lâm bị chặn ở trạm khám xét của địch. Chúng thấy Tư Lâm mặt mũi xanh rớt, chân tay lại có vết đen đen vàng vàng của người lội bùn nhiều.
Chúng biết người trên chiến khu hay thế nên bắt cậu ấy lại và phát hiện ra cậu ấy là người của ta. Cô Tám Kiên thấy cậu ấy bị bắt nhưng không cứu được, chạy về báo với tôi, bảo: Anh Tư ơi anh Tư, mình phải đi thôi. Tư Lâm bị bắt rồi.
Chỗ này không còn an toàn nữa. Tôi đau nhói khi nghe tin Tư Lâm bị bắt. Theo nguyên tắc thì đúng ra tôi phải di chuyển. Nhưng không hiểu sao tôi rất có niềm tin với cậu ấy. Tôi bảo với Tám Kiên: Cô cứ đi đi, báo cho các mối giao thông liên lạc cứ hoạt động bình thường. Anh Tư ở đây. Anh Tư tin Tư Lâm sẽ không khai đâu. Bằng không nếu nó khai, nó dẫn địch về đây, anh Tư đã có 2 trái lựu đạn rồi. Một trái anh Tư chia với nó. Một trái anh Tư giết thêm vài tên địch”.
Ngày hôm đó, rồi ngày hôm sau, hôm sau nữa, Tư Cang vẫn kiên nhẫn ngồi chờ đợi điều xấu nhất có thể đến. Nhưng trong ông có một niềm tin kỳ lạ vào đồng đội của mình. Niềm tin đó đi ngược lại mọi nguyên tắc tình báo mà ông phải tuân theo.
Nhưng cuối cùng niềm tin của ông đã đúng. Cụm tình báo H63 không hề bị lộ bất cứ thông tin nào dù là nhỏ nhất. Sau lần đó, Tư Lâm bị địch đưa ra nhà tù Phú Quốc và giam ở đây một thời gian dài trước khi chúng bắn chết. Những năm sau hòa bình, khi có điều kiện, Đại tá Tư Cang vẫn ra Phú Quốc để thắp hương cho người đồng đội mà ông đã đánh cược cả mạng sống chỉ để biết được câu trả lời thật sự về niềm tin của mình.
Thời chống Mỹ, Tư Cang thường xuyên đi về giữa nội thành, địa đạo Củ Chi và chiến khu. Mỗi lần về Củ Chi, nơi có các chiến sĩ liên lạc điện đàm và giao thông của cụm H63 ở đó, ông đều thấy thương vô cùng. Có lần ra địa đạo, ông trải rơm trên nền đất và nằm ngủ bên cạnh một cậu chiến sĩ trẻ măng của cụm H63.
Người chiến sĩ ấy đi vào ấp chiến lược để làm nhiệm vụ, đi ngang qua một gia đình giàu có, thấy mấy con heo trong chuồng được nằm nền trát xi măng, được thắp điện sáng để sưởi ấm, về căn cứ nằm trên nền đất ẩm ướt, cậu ta khẽ khàng nói: “Chú Tư ơi chú Tư, cái chỗ mình ngủ bây giờ không bằng chuồng heo nhà giàu”.
Đại tá Tư Cang bảo mỗi lần nhớ lại chuyện đó, ông vẫn thấy rưng rưng xúc động. Những người lính của ông khổ là thế, gian nan là thế nhưng chưa bao giờ thay lòng đổi dạ với cách mạng.
Họ một mực trung thành với con đường cách mạng mà họ đã chọn và hi sinh cho nó: “Có người lính của tôi bị trúng bom trong một trận càn, đến lúc hấp hối trong vòng tay tôi, chẳng dặn dò gì nhiều, chỉ nói: Chú Tư đừng bảo với má tui là tui chết nghen chú Tư, má tui sẽ buồn lắm. Chú Tư cứ nói tui đi học để làm cán bộ, mấy bữa nữa về”.
Hòa bình lập lại đã gần 40 năm. Đại tá tình báo Tư Cang giờ đã là một ông già ngoài 80. Nhưng ký ức về những người đồng đội đã ngã xuống, ký ức về quãng đời tình báo gian nan, nguy hiểm vẫn là những mảng ký ức đậm nhất trong tâm thức của ông.
Có đêm, ông nằm mơ thấy ông đang hẹn gặp vợ ở công viên, một tên mật thám địch lao tới chĩa súng vào đầu ông, ông vung tay đánh lại nó. Tiếng kêu đau đớn của vợ khiến ông choàng tỉnh. Cú đập mạnh của ông trong giấc mơ đã làm bà bị gãy mấy cái răng. Kể từ đêm đó, ông không dám ngủ với bà nữa. Ông sợ không kiểm soát được hành động của mình trong những cơn mộng mị.
Có những đêm, ông nằm mơ thấy những người đồng đội đã chết của mình. Họ về, hỏi ông: “Hòa bình rồi, chú Tư có vui không? Chú Tư đừng vì hạnh phúc riêng mà quên tụi tui nhé”. Khi tỉnh dậy, nước mắt ông chảy tràn... Những ám ảnh ấy, là một phần của cuộc đời ông, cho đến tận lúc chết!
Nguồn: QĐND
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top