Chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có nhằm vào “bữa ăn bán trú” ở Trung Quốc

Hải Lam
Trần Dương
Phản hồi: 1

Trần Dương

Thành viên nổi tiếng
Khi học kỳ mùa xuân năm 2025 bắt đầu, căng tin tại các trường tiểu học, trung học và mẫu giáo ở quận Ôn Giang, thành phố Thành Đô, đã có nhiều thay đổi đáng chú ý.

Khu vực ăn riêng cho nhân viên đã bị loại bỏ, thay bằng hệ thống ăn uống thống nhất. Việc mua sắm thực phẩm không còn do từng trường tự quyết mà do Sở Giáo dục tổ chức đấu thầu công khai. Camera được lắp đặt ở các điểm nhận hàng để kiểm soát số lượng thực phẩm giao đến. Một nền tảng quản lý căng tin số mới cũng đi vào vận hành, giúp theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng từ đặt hàng đến lưu kho.

Những thay đổi này là một phần trong chiến dịch quốc gia do Trung ương phát động, nhằm chỉnh đốn sâu rộng tình trạng tham nhũng liên quan đến bữa ăn bán trú của học sinh các cấp. Từ tháng 4/2024, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (Trung ương Kỷ ủy) và Ủy ban Giám sát Quốc gia đã phát động chiến dịch đặc biệt, nhắm vào những hành vi tiêu cực, tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân. Bữa ăn bán trú là một trong hai trọng điểm được các cơ quan trung ương chỉ đạo xử lý quyết liệt.

Tính đến tháng 12/2024, các cơ quan giám sát trên toàn quốc đã điều tra 38.000 vụ liên quan đến việc biển thủ tiền ăn của học sinh, gian lận trong đấu thầu, nhận hối lộ, xử lý 23.000 đối tượng.

Ông Trang Đức Thủy (Zhuang Deshui), Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận định: “Chiến dịch này có mức độ và chiều sâu chưa từng có tiền lệ”. Còn ông Bành Tân Lâm (Peng Xinlin), Giám đốc Trung tâm Đổi mới Hợp tác về Liêm chính và Pháp quyền Bắc Kinh, cho biết công tác chống tham nhũng trong “bữa ăn tại trường” đang bước sang một giai đoạn mới với sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ.

Tham nhũng tinh vi và tồn tại dây chuyền ngầm

Ngày 5/1, ông Tề Thế Quốc (Qi Shiguo), nguyên giám đốc hậu cần Trường Tiểu học số 7 thuộc Khu phát triển công nghiệp ô tô thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã cúi đầu nhận tội trước ống kính truyền hình.

Từ tháng 8/2010 đến tháng 12/2019, Công ty Quản lý Dịch vụ Ăn uống Sân Golf tỉnh Cát Lâm đã chi tiền hối lộ để duy trì mối quan hệ với trường. Ban đầu, mỗi bữa ăn có giá 8 nhân dân tệ (khoảng 28.000 VND), ông Tề và hiệu trưởng được trích hoa hồng 0,1 tệ/bữa (khoảng 350 VND). Đến năm 2014, giá mỗi suất ăn tăng lên 12 tệ (khoảng 42.000 VND), mức hoa hồng tăng lên 0,3 tệ/bữa (khoảng 1.050 VND).

Tổng cộng trong hơn 9 năm, công ty này đã chi hơn 700.000 tệ (khoảng 2,45 tỷ VND) để hối lộ. Riêng ông Tề nhận hơn 230.000 tệ (khoảng 805 triệu VND).

Sự việc bị phanh phui đã gây phẫn nộ trong dư luận. Theo Báo cáo công tác cuối năm 2024 của Ủy ban Giám sát Quốc gia, nhiều phần tử đã “cướp bữa ăn của trẻ em”, khiến người dân không khỏi đau lòng.

Các địa phương đồng loạt ra tay

Từ tháng 5/2024, nhiều địa phương hưởng ứng mạnh mẽ chiến dịch chấn chỉnh. Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ đã xử lý 396 vụ vi phạm liên quan đến “bữa ăn tại trường”, kỷ luật 439 cá nhân. Tỉnh Quý Châu điều tra 1.665 vụ, xử lý 1.482 người, chuyển hồ sơ 53 người sang Viện Kiểm sát, thu hồi 462 triệu tệ (khoảng 1.617 tỷ VND) bị thất thoát. Tỉnh Sơn Tây lập biên bản 1.827 vụ, xử lý 1.994 người.

Ông Bành Tân Lâm nhận định: “Các vụ án thường kéo dài, số tiền tuy nhỏ nhưng liên quan đến nhiều người, tạo thành chuỗi tham nhũng ẩn sâu”. Hiệu trưởng, cán bộ căng tin và người phụ trách đấu thầu là những điểm nóng của giám sát.

Tuy nhiên, hiệu trưởng chưa phải là khâu cuối. Theo thống kê chưa đầy đủ, ít nhất 10 bí thư huyện ủy, giám đốc sở giáo dục trên cả nước đã bị điều tra vì dính đến “bữa ăn tại trường”. Ví dụ, hai cựu bí thư thành phố Bình Quốc (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây) đã nhận hối lộ để cho một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm suốt 12 năm. Tại huyện Long Huy, tỉnh Hồ Nam, hai bí thư huyện ủy khác nhận hối lộ để cho phép doanh nghiệp trộn gạo kém chất lượng vào khẩu phần ăn của học sinh.

Rủi ro kép: an toàn thực phẩm và tài chính

Ông Mã Quán Sinh (Ma Guansheng), Phó trưởng nhóm chuyên gia quốc gia về dinh dưỡng học đường, cho biết rủi ro của “bữa ăn tại trường” gồm hai loại: mất an toàn thực phẩm và thất thoát tài chính.

Từ năm 2019, chính phủ ban hành hướng dẫn yêu cầu các phòng giáo dục và quản lý thị trường phải tăng cường giám sát. Tuy nhiên, ông Bành Tân Lâm cho rằng do thiếu minh bạch, giám sát lỏng lẻo và cơ chế kém hiệu quả nên các lỗ hổng vẫn tồn tại. Lần chấn chỉnh này mang tính hệ thống, có sự phối hợp của nhiều bộ ngành.

Lợi dụng quyền lực để trục lợi

Câu chuyện của bà Chung Hải Yến (Zhong Haiyan), Bí thư Đảng ủy Trường Tiểu học Thực nghiệm thành phố Quý Dương, là ví dụ điển hình. Năm 2019, chị gái bà đề nghị được tiếp quản dự án “bữa ăn tại trường” của trường. Vì không đủ điều kiện pháp lý, bà Chung móc nối để chị gái liên danh với một công ty bên ngoài. Từ năm 2019–2022, bà đã nhận hơn 2,04 triệu tệ (khoảng 7,14 tỷ VND) tiền hối lộ.

Có hai hình thức vận hành căng tin học đường: tự quản lý và thuê ngoài. Trong đó, hình thức thuê ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều công ty giành được hợp đồng nhờ hối lộ, sau đó tìm cách “bù trừ” bằng việc giảm chất lượng thực phẩm, bán đồ kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe học sinh.

Ông Tưởng Phương Nguyên (Jiang Fangyuan), Giám đốc điều hành Viện Tiêu chuẩn Bữa ăn thuộc Tập đoàn Black Bean, cho biết đấu thầu hiện nay thiếu minh bạch, có sự "lập rào cản" để các doanh nghiệp không thân hữu không thể tiếp cận. Ông Mạnh Khánh Cương (Meng Qinggang), chuyên gia 30 năm trong ngành, cũng xác nhận điều này: “Có nơi thậm chí không có quy trình đấu thầu chính thức. Giao dịch ngầm là chuyện phổ biến.”

Tiếp tục đẩy mạnh chấn chỉnh trong năm 2025

Theo thông báo từ Hội nghị toàn thể lần thứ tư của Trung ương Kỷ ủy khóa XX hồi tháng 1, công tác xử lý “bữa ăn tại trường” sẽ được đẩy mạnh hơn trong năm 2025. Tháng 2, Bộ Giáo dục đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm cho học kỳ mùa xuân, nhấn mạnh cải cách sâu, thiết lập cơ chế bền vững, tăng cường thanh tra và đảm bảo an toàn thực phẩm cho giáo viên, học sinh.

Nguồn: China Newsweek
 

Đính kèm

  • 1748044514259.png
    1748044514259.png
    1.2 MB · Lượt xem: 2


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top