Có phụ huynh nào thấy mình trong truyện ngắn này không? “Lam Hạ - mùa đông không gục ngã”

Cindy Nguyễn
Cindy Nguyễn
Phản hồi: 0

Cindy Nguyễn

Thành viên nổi tiếng
Thành viên BQT
Lam Hạ – mùa đông không gục ngã
Truyện ngắn: Thanh Hải Lucky
Tôi gặp Lam Hạ vào một chiều đầu đông, khi gió từ Hồ Tây lồng lộng mang theo cái se lạnh dịu dàng mà đủ để khiến người ta giật mình vì thời gian trôi quá nhanh. Cuộc gọi đặt lịch tư vấn hôm đó để lại trong tôi một ấn tượng lạ: một giọng nói mềm mỏng, ngắt quãng vì xúc động, nhưng đầy quyết tâm của một người mẹ đang tìm cách cứu con mình – không phải khỏi những bài thi, mà khỏi sự lạc lối trong chính tổ ấm của mình.
Lam Hạ – cái tên đẹp như thơ, nhưng cuộc đời chị lại nhiều phen chao đảo, chỉ vì mang trong mình trái tim của một người mẹ: yêu con đến mức quên cả chính mình.
1745908258573.jpeg

Lần đầu tiên gặp, tôi ngỡ ngàng. Một người phụ nữ xinh đẹp, trang nhã với vẻ ngoài trẻ hơn tuổi, nhưng ánh mắt lại đượm màu u uẩn của người mất ngủ lâu ngày. Dưới lớp trang điểm mỏng là những quầng thâm nặng nề – như một vệt ký ức không thể che giấu.
Chị từng là một nữ giám đốc truyền thông một tập đoàn công nghệ và chồng chị cũng là TGĐ một công ty, từng đứng giữa hào quang với giải thưởng Sao Đỏ danh giá. Nhưng kể từ khi sinh Gia Bảo – đứa con trai duy nhất – cuộc đời chị rẽ sang một hướng khác. Chị rời bỏ sự nghiệp, ở nhà làm “hậu phương” để chăm lo cho con theo mong muốn của gia đình chồng – một gia đình Hà thành nề nếp có “của ăn của để” và giàu truyền thống hiếu học.
Gia Bảo là cháu đích tôn. Ông nội là cựu hiệu trưởng một trường chuyên danh giá, bố là cựu học sinh giỏi quốc gia. Gia Bảo – từ lúc sinh ra – đã được đóng khung sẵn một lộ trình: phải đỗ trường chuyên, học giỏi, và nối nghiệp cha.
Nhưng đứa trẻ ấy… lại khác.
Thông minh, nhạy cảm, giàu cảm xúc – nhưng ghét học thêm, sợ áp lực, yêu nhảy, thích đàn, và thường xuyên lạc lõng giữa những buổi học thêm dày đặc. Chị Lam Hạ đã cố dung hòa – vừa chiều con, vừa chạy theo yêu cầu từ ông bà và chồng. Nhưng rồi, tất cả như chiếc dây cao su bị kéo quá mức…
Kỳ thi vào 10 cận kề, áp lực đè nặng. Bố Gia Bảo đi công tác về, thấy con đang chơi game liền nổi giận. Cơn thịnh nộ của người cha mang theo tất cả những kỳ vọng chưa thành: ông đập nát chiếc laptop – vật dụng học tập và luyện thi của con.
Gia Bảo hoảng sợ. Cãi tay đôi. Ông bà khóc. Và rồi – đứa trẻ vùng chạy ra khỏi ngôi nhà đã không còn là tổ ấm.
Lam Hạ lao ra khỏi cổng, chân trần trên nền đá lạnh, cơn mưa phùn trùm kín lấy chị như một tấm lưới mờ ảo, khiến từng bước chân trở nên nặng nề, vô định. Đêm Hà Nội hun hút và ẩm ướt. Đèn đường nhòe đi trong làn nước, tiếng còi xe xa xa vọng lại như từ một thế giới khác. Chị gọi tên con trong vô vọng – “Gia Bảo ơi!... Con ơi!” – giọng khản đặc, lạc đi giữa tiếng mưa rơi lộp bộp và những nhịp tim gấp gáp dồn vào tai.
Không ai chạy theo chị.
Trong ngôi nhà bề thế với đồ gỗ nội thất đắt tiền và đồ dung sang chảnh ấy, nơi từng là biểu tượng cho sự thành đạt và nền nếp, lúc này chỉ còn lại những âm thanh đầy sát thương: tiếng ông nội đập gậy xuống sàn, tiếng bà nội khóc nấc bên bàn thờ tổ tiên, tiếng bố Gia Bảo quát tháo: “Nó mà có chuyện gì, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho cô! Có mệc việc chăm con mà có nhiều nhặn gì đâu, đúng một đứa mà cô để như thế!”
Lam Hạ trở về sau một vòng khắp các con phố, áo ướt sũng, tóc bết, đôi mắt lạc thần, nhưng chẳng ai hỏi chị đã đi đâu. Họ chỉ nhìn chị như cái gai nhức nhối của cả nhà. Bữa cơm tối vắng con nguội lạnh và chị không thể nuốt nổi.
Gia đình chị buộc phải trình báo công an, nhưng ngay cả việc đó cũng trở thành cái cớ để người ta chỉ trích chị nhiều hơn. “Nuôi con chỉ để nó bỏ nhà đi rồi phải báo công an?” – câu nói của mẹ chồng như nhát dao xoáy thẳng vào tim. Chồng chị – người đàn ông một thời dịu dàng – giờ chỉ biết gào lên, đập đồ, đi đi lại lại như cái bóng nóng giận không tìm được lối thoát. Mỗi bước chân của anh như dội lên vách tường căn nhà, khiến nó càng chật chội, u uất. Lam Hạ thấy mình lạc lõng giữa chính nơi từng là mái ấm. Chị đã từng yêu ngôi nhà này biết bao – nhưng giờ nó chỉ còn là cái vỏ lạnh tanh bao quanh nỗi cô đơn.
Ba ngày trôi qua trong tuyệt vọng.
Đến khi điện thoại công an vang lên lúc chiều muộn ngày thứ ba, báo rằng Gia Bảo được tìm thấy trong một quán net cách nhà hơn mười cây số – tim chị như nghẹt lại. Chị lao đi, tưởng như mình sắp gục đến nơi. Cánh cửa quán game mở ra, thứ mùi nồng nặc của khói thuốc, mồ hôi, và ánh sáng xanh lét từ màn hình chiếu thẳng vào đôi mắt đang sưng đỏ của chị.
Con trai chị ngồi đó.
Gầy gò. Mắt thâm quầng. Môi tím lại vì thiếu ngủ và ăn uống thất thường. Nhưng điều khiến Lam Hạ đau đớn nhất không phải là vẻ ngoài tàn tạ ấy – mà là ánh mắt.
Một ánh mắt hoàn toàn xa lạ.
Không giận dỗi, không trách móc, không tha thiết. Chỉ là một cái nhìn lãnh đạm đến lạnh người. Khi chị lao tới ôm con, con chỉ khẽ đẩy tay chị ra và buông một câu khiến chị gần như gục ngã: “Con không muốn về.”
Lúc đó, Lam Hạ hiểu, con chị đã không còn coi nhà là nơi để trở về nữa.
Khi Lam Hạ đưa con trai đến gặp tôi, ánh mắt chị trũng sâu sau những đêm thức trắng, còn bàn tay thì lạnh ngắt như sương sớm. Đó là một buổi chiều chớm hạ, trời chưa nóng hẳn nhưng lòng người thì rối như tơ vò. Chị đến theo lời giới thiệu của một người bạn cũ – đồng nghiệp từng làm cùng chị khi còn ở tập đoàn viễn thông – và bảo rằng “chị là hy vọng cuối cùng của tôi”.
Tôi gặp hai mẹ con trong phòng tư vấn nhỏ, ánh sáng dịu nhẹ, tiếng nhạc nền lặng lẽ như để không làm ai thấy mình bị xét đoán. Chỉ hơn nửa giờ, đủ để tôi không cần đến bất kỳ bài test nào. Gia Bảo là một cậu bé thông minh, nhạy cảm – ánh mắt con có một chiều sâu nội tâm mà nhiều người lớn còn không có. Nhưng cũng chính ánh mắt đó khiến tôi chạnh lòng. Nó mệt mỏi, phòng bị, như thể mọi kỳ vọng đã ép trái tim nhỏ bé ấy co rút lại từ lâu.
Tôi hỏi con về sở thích. Con nói: "Con thích đàn piano, thích học nhảy hiện đại, và... vẽ truyện tranh." Không có chữ nào là "thi chuyên", "giải quốc gia" hay "trường top đầu". Những ước mơ thực sự, giản dị mà trong sáng. Nhưng chúng đã bị đè nén dưới sức nặng của những cái tên danh giá – nơi ông nội từng là hiệu trưởng, nơi bố từng đứng trên bục nhận giải học sinh giỏi quốc gia. Từng lời con kể như những mảnh vỡ – vụn nhưng sắc. Chúng đâm vào không chỉ lòng tôi mà cả trái tim người mẹ đang lặng lẽ ngồi bên, vừa thương con, vừa tự trách mình không đủ sức bảo vệ con trước những kỳ vọng vô hình.
Chúng tôi gặp nhau tuần ba buổi. Những buổi đầu, Gia Bảo chỉ ngồi im, hoặc chơi vài hợp âm đàn rồi nhìn ra cửa sổ. Tôi không ép con nói, chỉ ở đó để lắng nghe, để hiện diện như một người bạn lớn – không là thầy, không là cha mẹ, càng không là người phán xét. Dần dần, con bắt đầu kể – những giấc mơ tuổi thơ bị bỏ quên, những đêm con khóc trong chăn vì không thuộc bài học thêm, những lần bị mắng vì điểm kém và cả cảm giác muốn biến mất khỏi thế giới.
Tôi hướng Gia Bảo trở lại với chính con người thật của mình, không phải là "bản sao thành công" của bất kỳ ai. Chúng tôi cùng nhau đặt mục tiêu học tập vừa sức, đúng năng lực. Không còn chuyện học nhồi, học ép – thay vào đó là những buổi học nhẹ nhàng, xen kẽ các hoạt động giúp con xả stress như vẽ tranh, nghe nhạc, viết nhật ký.
Sau ba tháng điều trị tâm lý ở bệnh viện kết hợp với các buổi tư vấn riêng tại Lucky, điều kỳ diệu đã bắt đầu nảy mầm. Gia Bảo bắt đầu nói về việc “muốn thử lại việc học”. Con đề nghị ôn lại Toán, Văn, Anh theo hướng cơ bản – không đặt nặng vào thi chuyên. Rồi một ngày, khi tôi đưa ra danh sách một số trường công lập gần nhà, con đã chọn một ngôi trường vừa tầm, nơi con có thể đi bộ đến mỗi sáng mà không bị áp lực thành tích đè nặng trên vai.
Dù con trượt kỳ thi vào trường chuyên như mong đợi của bố và ông nội, nhưng khi nhận được tin vừa điểm đỗ vào một trường công lập có tiếng trong quận, tôi đã thấy nụ cười thật sự đầu tiên sau nhiều tháng trên khuôn mặt Gia Bảo – nụ cười không gượng ép, không sợ sệt.
“Con không đỗ chuyên… nhưng ít nhất đây là lựa chọn của con. Và con sẽ cố gắng.”
Tôi quay sang nhìn Lam Hạ – chị không nói gì, chỉ gật đầu và nước mắt rơi không ngừng. Đó không phải là giọt nước mắt thất vọng, mà là sự nhẹ nhõm sau bao ngày giằng xé, là một lời cảm ơn không cần thành tiếng. Chị đã tìm thấy lại con mình – không phải trong ánh hào quang bảng điểm, mà trong sự trở về nguyên vẹn của một đứa trẻ biết yêu thương bản thân và biết mơ mộng trở lại.
Ba năm sau, vào một buổi chiều thu Hà Nội dịu nhẹ, tôi nhận được cuộc gọi từ Lam Hạ. Lần này, không còn giọng nói run rẩy của một người mẹ tuyệt vọng, mà là một lời mời trân trọng: “Chị ơi, em muốn mời chị gặp lại – cả nhà em… đặc biệt là bố cháu.”
Buổi gặp diễn ra trong căn phòng nhỏ quen thuộc tại Lucky, nơi từng lưu giữ biết bao giọt nước mắt, nụ cười và cả những giấc mơ tưởng chừng lụi tàn. Người đàn ông ngồi trước mặt tôi – bố của Gia Bảo – không còn là hình ảnh cứng nhắc, kiên định tới mức lạnh lùng mà tôi từng nghe kể. Vẻ ngoài vẫn phong độ, lịch lãm, nhưng ánh mắt ông hôm nay mang theo một điều gì đó mềm mại, gần như… biết lắng nghe. Tôi nói bố của Gia Bảo rằng, dù không đỗ trường chuyên như mong muốn của ông và của bố nhưng 3 năm qua, ở ngôi trường vừa sức, con không còn là cậu bé bị ép đứng giữa chiến tuyến kỳ vọng. Con tìm lại chính mình: từ niềm vui học tập đến năng lượng sống tích cực. Nếu anh tiếp tục ép con đi theo ngành Tài chính Ngân hàng để nối nghiệp bố mà không được học đúng ngành con mơ ước là du lịch khách sạn thì lần này, có lẽ anh sẽ mất con và con sẽ phản kháng mạnh hơn 3 năm trước.
Tôi nhìn thẳng vào ông, không vòng vo:
“Anh có thực sự muốn mất con thêm một lần nữa không?”
Câu hỏi lặng đi trong không gian. Ông không đáp ngay. Một phút, rồi hai phút – tưởng như dài như cả mùa thi năm nào. Cuối cùng, ông gật đầu. Không phải gật để đồng ý với tôi, mà là một cái gật như trút đi lớp giáp sĩ bao năm phủ kín vai. Ánh mắt ông chùng xuống, lần đầu tiên hiện lên sự ân hận và... thấu hiểu.
Và cuối năm lớp 12 đó, Gia Bảo đạt 8.0 IELTS sau lần thi thứ 2 và đạt 1.500 SAT sau 3 lần thi. Con đã nộp hồ sơ xét tuyển sớm và đỗ ngành Quản trị Khách sạn của Đại học Ngoại thương và như con nói, con học ngành n ày không phải để kế nghiệp cha, mà để viết nên chương đầu tiên trong hành trình của chính con.
Và Lam Hạ, mẹ Gia Bảo bao năm đồng hành cùng con – người phụ nữ từng chịu muôn vàn chỉ trích vì “không biết dạy con”, người từng một mình trong đêm mưa chạy đi tìm con – giờ đây được chính chồng mình nắm tay, cảm ơn trong nghẹn ngào:
“Cảm ơn em… vì đã không buông tay.”
Gia Bảo không trở thành bản sao của ai cả. Con trở thành phiên bản rực rỡ nhất của chính mình.
#thanhhailucky
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top