Đau xót ngai vàng triều Nguyễn bị đập phá: Lỗ hổng trong công tác bảo vệ

B
Ánh Bình Minh
Phản hồi: 1

Ánh Bình Minh

Thành viên nổi tiếng
Ngai vàng Bảo vật quốc gia đặt tại lăng vua Khải Định (Huế) là di sản linh thiêng, biểu tượng của quốc thể, nhưng đã bị xâm phạm. Vụ việc không chỉ mang tính chất hình sự mà còn cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác bảo tồn di sản.

Luật sư Vũ Anh Tuấn (Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Hà Nội) nhận định: Hành vi của người đàn ông cởi trần, ngang nhiên leo lên khu vực đặt ngai vàng - Bảo vật quốc gia và dùng thanh sắt đập phá đã gây chấn động dư luận, khiến không ít người phẫn nộ.

1748161445106.png

Người đàn ông đập phá bảo vật quốc gia - ngai vàng triều Nguyễn. Ảnh cắt từ clip

Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn đặt ra những câu hỏi nhức nhối về năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý di sản văn hóa.

“Một di sản linh thiêng, biểu tượng của quốc thể, lại bị xâm phạm công khai giữa ban ngày. Vụ việc không chỉ mang tính hình sự mà còn cho thấy một lỗ hổng sâu sắc trong công tác bảo tồn di sản”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Ngai vàng Bảo vật quốc gia, biểu tượng quyền lực bị hủy hoại​


Ngai vàng triều Nguyễn là một hiện vật độc bản, mang giá trị văn hóa và lịch sử to lớn, không thể đo đếm bằng tiền. Việc đập phá di vật này không chỉ gây tổn thất về vật chất mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến biểu tượng quyền lực của một vương triều yếu tố có thể làm tăng nặng hậu quả pháp lý.

1748161477133.png

Tay ngai bên trái của bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn bị gãy thành 3 đoạn.

Theo luật sư Tuấn, hành vi đập phá này có dấu hiệu cấu thành tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp thiệt hại vượt quá 500 triệu điều hoàn toàn có thể xảy ra đối với một bảo vật như ngai vàng thì khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù, đặc biệt nếu có tình tiết tăng nặng.

Lỗ hổng trong công tác bảo vệ di sản: Ai chịu trách nhiệm?


Một câu hỏi nhức nhối được đặt ra: Tại sao một khu vực đặc biệt – nơi đặt ngai vàng triều Nguyễn lại không có lực lượng bảo vệ túc trực, không có hệ thống cảnh báo và không có phản ứng kịp thời?

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đối tượng đã đập phá trong nhiều phút mà không gặp bất kỳ sự ngăn chặn nào từ phía lực lượng chức năng. Điều này phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống giám sát và ứng phó khẩn cấp tại di tích.

“Nếu chỉ cần một thanh sắt và vài phút hành động điên cuồng là có thể làm hư hại một di sản cấp quốc gia, thì mọi danh hiệu, mọi danh xưng ‘bảo vật’ cũng trở nên mong manh”, luật sư Tuấn cảnh báo.

Không chỉ là hình sự còn là trách nhiệm quản lý​


Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp lý liên quan đã quy định rõ: cơ quan, tổ chức được giao quản lý di tích phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các di sản, đặc biệt là những bảo vật cấp quốc gia. Nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng do buông lỏng quản lý, người đứng đầu đơn vị có thể bị xử lý hành chính, thậm chí bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Không dừng lại ở việc xử lý cá nhân phá hoại, dư luận đang mong chờ một cuộc tổng rà soát hệ thống bảo vệ các di sản trọng yếu từ camera giám sát, hệ thống cảnh báo tự động, lực lượng bảo vệ, đến quy trình ứng phó khẩn cấp. Đồng thời, cần công khai trách nhiệm và hướng xử lý đối với các cơ quan quản lý, để người dân có quyền biết ai phải chịu trách nhiệm khi di sản quốc gia bị xâm hại.

Vụ việc tại lăng vua Khải Định là hồi chuông cảnh báo rõ ràng: Nếu không có biện pháp mạnh mẽ và kịp thời, thì dù quý giá đến đâu, di sản cũng có thể bị hủy hoại chỉ trong tích tắc. Đã đến lúc cần ban hành các chế tài nghiêm khắc hơn, không chỉ với kẻ phá hoại, mà cả với những hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý di sản.

Nguồn: Vietnamnet
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top