Không còn nhiều cơ hội cho sinh viên khoa học xã hội ở Trung Quốc. Nguyên nhân là gì?

cogiaovan
Cô giáo Vân
Phản hồi: 0

Cô giáo Vân

Thành viên tích cực
Ở Trung Quốc hiện nay, sinh viên theo học các ngành khoa học xã hội đang phải đối mặt với một thực tế ngày càng nghiệt ngã: cơ hội nghề nghiệp dần khép lại, còn vị thế trong hệ thống giáo dục thì tụt hạng không phanh. Nếu không thi vào hệ thống công chức, lựa chọn còn lại cho họ phần lớn chỉ là những công việc không yêu cầu chuyên môn như bán hàng. Đằng sau hiện tượng này là một sự dịch chuyển âm thầm nhưng sâu sắc trong cấu trúc đào tạo và lao động của xã hội Trung Quốc – đó là quá trình chuyển sang một xã hội kỹ trị, nơi khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo chiếm thế thượng phong, còn các ngành nhân văn, xã hội dần bị gạt ra bên lề.

Sự thay đổi bắt đầu từ cải cách kỳ thi tuyển sinh đại học, khi hệ thống tổ hợp “3+1+2” cho phép học sinh chọn môn thi, nhưng đồng thời cũng âm thầm giới hạn những ai không chọn Vật lý vào một vùng trũng cơ hội. Học sinh chọn tổ hợp “Lịch sử + X” - vốn là đặc trưng của học sinh thiên về khoa học xã hội nhận ra rằng họ chỉ có thể tiếp cận chưa đến 50% các chuyên ngành đại học. Trong khi đó, các bạn chọn Vật lý lại có thể nộp hồ sơ vào hơn 95% chuyên ngành. Một cách mặc định, hệ thống đã ưu tiên logic công nghệ và gạt bỏ dần những ngành đào tạo con người để phục vụ xã hội.

Sự bất cân đối này càng rõ rệt khi nhiều trường đại học danh tiếng như Phúc Đán, Tứ Xuyên, Bắc Kinh… bắt đầu “tối ưu hóa” bằng cách cắt giảm mạnh các chuyên ngành xã hội. Cụm từ “nghệ thuật tự do đã chết” không còn là lời cảnh báo bi quan, mà trở thành một thực tế lạnh lùng. Hàng loạt ngành học bị đóng cửa, từ xã hội học, âm nhạc học cho tới báo chí, quản lý công... Chỉ tiêu tuyển sinh giảm mạnh, điểm đầu vào lại tăng cao do khan hiếm - khiến sinh viên càng khó tiếp cận và càng lo sợ về tương lai.

Đồng thời, làn sóng AI đang thay đổi hoàn toàn thị trường lao động. Những công việc truyền thống của sinh viên ngành xã hội - từ dịch thuật, viết lách, tổng hợp thông tin đến phân tích dữ liệu ở cấp độ phổ thông - đang dần bị thay thế hoặc cạnh tranh bởi các mô hình ngôn ngữ lớn. Điều trớ trêu là chính những ngành đòi hỏi tư duy phản biện, phân tích xã hội và thấu cảm con người lại bị đánh giá là “không thiết thực” trong thời đại máy móc lên ngôi.
1751549822900.png

Các sinh viên yêu thích xã hội học, luật, hay ngôn ngữ bị giằng xé giữa lý tưởng cá nhân và sức ép của thị trường. Trong khi đó, các ngành như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm lại trở thành “lối thoát an toàn” mà ai cũng đổ xô vào. Câu chuyện “học ngành mình thích hay học ngành có việc làm” nay trở thành lựa chọn sinh tử.

Truyền thông, mạng xã hội và cả các công ty tư vấn tuyển sinh góp phần khiến bức tranh càng thêm rối rắm. Thí sinh vừa phải tự tra cứu thông tin rải rác, vừa phải lọc qua hàng tá lời khuyên chủ quan, thậm chí mập mờ từ các trường đại học. Ngay cả việc chọn chuyên ngành cũng trở thành một “kỳ thi tuyển sinh lần hai” mà nếu thất bại, có thể kéo theo cả bốn năm đại học lạc hướng.

Sâu xa hơn, đây không chỉ là câu chuyện về giáo dục, mà là sự tái định hình của một xã hội đang bước vào thời kỳ kỹ trị. Khi công nghệ trở thành thước đo giá trị, những ngành gắn với suy tư, cảm xúc và cấu trúc xã hội bị xem là xa xỉ. Trí tuệ nhân tạo không chỉ thay thế kỹ năng, mà đang vô tình làm xói mòn cả niềm tin vào vai trò của con người trong việc hiểu và cải tạo xã hội.

Đối với Trung Quốc, đây là bước đi phù hợp với chiến lược cạnh tranh toàn cầu về công nghệ. Nhưng với một thế hệ sinh viên từng lớn lên với lý tưởng nhân văn, đây là thời điểm của sự hoang mang và mất phương hướng. Khi mà người ta bắt đầu hoài nghi: liệu còn chỗ nào cho những người muốn học để hiểu thế giới, chứ không chỉ để phục vụ máy móc? (Tencent)

Khi đọc bài này và lược lại chia sẻ với các bạn, tôi tự hỏi, bao nhiêu năm nữa các học sinh Việt Nam đứng trước lựa chọn sinh tử này?, dù mấy năm gần đây khối ngành khoa học xã hội rất hot.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top