Lá thư 'tuyệt mật' đi thăm miền Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồng Hà
Hồng Hà
Phản hồi: 1

Hồng Hà

Thành viên nổi tiếng
Thành viên BQT
Trong bức thư gửi Tổng Bí thư Lê Duẩn vào tháng 3/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về kế hoạch "làm công trên một chiếc tàu thủy" để vượt biển vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Bảo tàng Hồ Chí Minh (Ba Đình, Hà Nội) đang trưng bày bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 10/3/1968 gửi Tổng bí thư Lê Duẩn, với dòng chữ "tuyệt đối bí mật" được ghi bằng mực đỏ bên lề, chỉ 18 tháng trước khi Người qua đời.

Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật gọi "chú Duẩn thân mến" và nhắc lại lời khuyên của ông Duẩn vào dịp Noel năm 1967 về việc đi thăm miền Nam sau ngày thắng lợi hoàn toàn. Người tán thành, nhưng muốn thay đổi thời điểm, từ "sau" thành "trước", tức là đi thăm khi cán bộ, chiến sĩ đang chuẩn bị cho đợt tiến công mới.

Kế hoạch về cách đi, thời gian đến, nơi ở, lịch trình thăm được Hồ Chủ tịch cẩn thận đánh dấu bằng mực đỏ. Người dự tính tự thu xếp "làm công trên một chuyến tàu thủy", cùng đi với "chú Bảo và Kỳ". Anh em ở miền Nam sẽ đón khi tàu cập bến và đưa đến nhà một số cán bộ miền Nam. Chuyến đi dự kiến mất khoảng 10 ngày chuẩn bị, 6 ngày vượt biển và 5 ngày thăm địa điểm, kéo dài tối đa một tháng.

"Có lẽ chú và các đồng chí khác e rằng sức khỏe Bác không cho phép đi chơi xa, nhưng thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe tiến bộ mau hơn", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư, đồng thời dặn dò ông Lê Duẩn là để đảm bảo bí mật, chỉ nên bàn việc này với một số ít người trong Bộ Chính trị.
1745968724415.png

Bức thư được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Hồng Chiêu
Chú Duẩn thân mến,

Nhớ lại hồi Noel năm ngoái, chú có ý khuyên B. đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ "sau" thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trõng đang chuẩn bị mở màn hiệp thứ 3. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em.

Cách đi: B. sẽ làm công trên một chiếc tàu thủy. Cùng đi sẽ có hai chú Bảo và Kỳ. Việc này B. tự thu xếp, dễ thôi.

Sau đến: anh em trõng chú phụ trách đón khi tàu cập bến và đưa Bác đến nhà anh Sáu, anh Bảy.

Ở lại: tùy điều kiện mà quyết định, ít là mấy ngày, nhiều nhất cũng chỉ trong 1 tháng. Hoạt động thế nào, sẽ cùng anh em trõng bàn định.

Có lẽ chú và đ/c khác e rằng sức khỏe của B. không cho phép Bác đi chơi xa. Nhưng thay đổi không khí, hô hấp, gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe tiến bộ mau hơn.

Lịch trình đi thăm- cần mươi ngày để chuẩn bị, vượt biển độ 6 ngày, từ bến tàu đến địa điểm độ dăm hôm.

Vậy nhờ chú tính ngày cho khớp, 1 mặt cho B. biết trước để chuẩn bị, 1 mặt cho anh em trỏng biết để chờ đón

Để đảm bảo thật bí mật- chú chỉ nên bàn việc này với 1 số ít đ/c trong B.C.T

Mong chờ chú trả lời.

Chào thân ái và quyết thắng

B.
Bức thư được viết 40 ngày sau khi quân Giải phóng mở màn Tổng tiến công và ******* Tết Mậu Thân 1968, đợt tấn công gây tổn thất lớn nhưng có ý nghĩa chiến lược, buộc Mỹ phải tính đến việc rút quân và ngồi vào bàn đàm phán Paris. Lúc này, tình hình miền Nam vẫn căng thẳng với sự hiện diện của hơn một triệu quân Mỹ và đồng minh.

TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, tiết lộ bức thư được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian đi chữa bệnh ở Trung Quốc. Người đã lên kế hoạch chi tiết cho hành trình bằng tàu biển bởi tuyến đường bộ gần như không khả thi do hạn chế về thời gian và sự ác liệt của chiến trường Trường Sơn, nơi phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn. Hai người được nhắc đến cùng đi là bác sĩ Nhữ Thế Bảo - chuyên gia chăm sóc sức khỏe và ông Vũ Kỳ - thư ký riêng.

TS Tính cho biết cảng biển được đề cập trong thư là Sihanoukville, Campuchia - nơi quân đội Việt Nam đã xây dựng được tuyến hậu cần chi viện cho miền Nam. Từ đây, lực lượng có thể bí mật đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà các cán bộ miền Nam.

Hồ Chủ tịch đã vạch rõ lịch trình, hành trang và phương thức di chuyển, cho thấy đây "không còn là ý định nữa mà đã là một kế hoạch cụ thể". Ông Tính nhận định Việt Nam hoàn toàn có khả năng bí mật đưa Người đi thăm Nam Bộ, nhưng đáng tiếc là chiến trường lúc bấy giờ quá ác liệt, không đảm bảo an toàn, và sức khỏe của Người cũng không cho phép thực hiện chuyến đi này.
1745968755936.png

Thư ký Vũ Kỳ, trong cuốn Bác Hồ viết di chúc, cho biết từ năm 1966, khi bước sang tuổi 76, sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu suy giảm do hiện tượng tưới máu não không đều. Tuy nhiên, Người vẫn kiên trì luyện tập để chống lại bệnh tật. Khi ở tuổi 78, dù sức khỏe yếu, Người vẫn mong muốn đến thăm miền Nam trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. Đó cũng là thời gian Người gần hoàn thành bản Di chúc - một tài liệu "tuyệt đối bí mật" sau này được công bố.

Hai tháng sau bức thư bày tỏ ý định thăm miền Nam, vào tháng 5/1968, sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh suy yếu, ho nhiều và có biểu hiện sốt. Tuy nhiên, lịch trình làm việc của Người vẫn dày đặc. Cũng trong năm đó, Di chúc của Người đã đề cập đến những nhiệm vụ hậu chiến quan trọng như hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Đảng, nâng cao đời sống nhân dân, chăm sóc thương binh liệt sĩ và miễn thuế nông nghiệp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9/1969, trước ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4/1975).
1745968777531.png

TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, người có nhiều năm được tiếp xúc với nhiều tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Giang Huy
TS Tính khẳng định "miền Nam luôn là nỗi trăn trở trong suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh". Những năm đất nước bị chia cắt, trong thư gửi đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc tháng 9/1954, Người đã dự kiến "đến ngày hòa bình được củng cố, thống nhất thực hiện, độc lập dân chủ hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta".

Nhiều năm phụ trách bảo tàng, được tiếp xúc với các hiện vật, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS Tính kể năm 1957 trong chuyến đi thăm đồng bào Quảng Bình - Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi gần giới tuyến chia cắt hai miền, cũng là chuyến đi cuối cùng gần nhất về phía Nam, Hồ Chủ tịch nói với thư ký Vũ Kỳ rằng "cha mất ở miền Nam, mẹ qua đời ở miền Trung, về thăm quê lần này vẫn là chưa đi đến nơi chưa về đến chốn". Vì lẽ đó, dù sức khỏe ngày càng yếu, Người vẫn kiên trì luyện tập thể thao hàng ngày với hy vọng có một ngày được trở về miền Nam.
Nguồn: https://vnexpress.net/la-thu-tuyet-mat-di-tham-mien-nam-cua-chu-tich-ho-chi-minh-4879310-p2.html
#50nămgiảiphóngMiềnNam
 
Sửa lần cuối:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top