Lộ trình “khai tử” xe xăng, dầu trong nội đô Hà Nội, bắt đầu ngay từ tháng 7/2026

maimaipress
Minh Phương
Phản hồi: 2

Minh Phương

Thành viên nổi tiếng
Từ năm 2026, xe máy, mô tô chạy xăng sẽ bị cấm lưu thông trong Vành đai 1. Đến 2030, toàn bộ xe cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị hạn chế tại các khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội. Thành phố đang tăng tốc chuẩn bị hạ tầng và chính sách để thực hiện “cuộc cách mạng xanh” này.

Không thể trì hoãn vùng phát thải thấp, thực hiện từ tháng 7/2026

Ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20, trong đó yêu cầu Hà Nội thực hiện hàng loạt biện pháp cấp bách để bảo vệ môi trường. Nội dung đáng chú ý là yêu cầu chấm dứt xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026.

Tiếp đó, từ 1/1/2028, Hà Nội sẽ bắt đầu hạn chế ô tô cá nhân dùng xăng, dầu trong Vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, việc hạn chế sẽ mở rộng với toàn bộ phương tiện cá nhân chạy nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 3.

1752369842002.png

Xe máy lưu thông vào khu vực nội đô thành phố Hà Nội. Ảnh: Thành An.

Thủ tướng giao TP Hà Nội lập và công bố Đề án vùng phát thải thấp trong quý III/2025. Đến năm 2030, Hà Nội cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ kín các tuyến chính, kết nối khu vực đông dân cư và các đầu mối lớn. Hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện năng lượng sạch cũng như các đội xe buýt điện, tàu điện được yêu cầu mở rộng.

Cùng với đó, TP sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sạch; tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số và giá trông giữ với xe chạy xăng, dầu trong khu vực trung tâm. Từ quý IV/2025, Hà Nội cũng thí điểm cấm đồ nhựa dùng một lần tại nhà hàng, khách sạn, quán ăn trong Vành đai 1.

Phát biểu tại một cuộc họp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam hồi tháng 6/2025, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Không thể trì hoãn thêm việc triển khai vùng phát thải thấp, không thể trì hoãn hạn chế xe máy xăng”.

Theo ông Thanh, TP Hà Nội sẽ triển khai vùng phát thải thấp ở 4 quận nội đô (nay đã bỏ đơn vị hành chính cấp huyện), đã có Nghị quyết. Tuy nhiên, TP sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm triển khai. “Không thể không làm và không thể trì hoãn hơn được nữa. Trước mắt là với xe máy và tiếp tục nghiên cứu với ô tô chứ không chỉ với xe máy”, ông người đứng đầu chính quyền Hà Nội nói.

1752369912651.png

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ 1/1/2028, Hà Nội sẽ bắt đầu hạn chế ô tô cá nhân dùng xăng, dầu trong Vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, việc hạn chế sẽ mở rộng với toàn bộ phương tiện cá nhân chạy nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 3. Ảnh: Thành An.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, một đô thị sẽ không văn minh, hiện đại được, không có một môi trường tốt, không có văn hóa tốt nếu cứ phát triển xe máy như ở Hà Nội hiện nay. Ông thẳng thắn thừa nhận việc sử dụng xe máy ở Hà Nội đang rất nhiều và tùy tiện. Việt Nam nói chung và các đô thị lớn của Việt Nam nói riêng đang trả giá rất nhiều.

Hướng tới Thủ đô không khí sạch và giao thông xanh

Trên thực tế, Hà Nội đã lên kế hoạch cấm xe máy và triển khai vùng phát thải thấp từ năm 2017, khi HĐND TP thông qua nghị quyết liên quan. Tuy nhiên, do thiếu đồng bộ về chính sách và hạ tầng, việc thực hiện vẫn còn gián đoạn.

Đến ngày 12/12/2024, HĐND TP Hà Nội tiếp tục thông qua Nghị quyết về vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ 1/1/2025. Theo đó, xe tải hạng nặng chạy dầu diesel, ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy không đạt tiêu chuẩn mức 2 sẽ bị hạn chế hoặc cấm lưu thông trong vùng phát thải thấp.

Hà Nội dự kiến thí điểm vùng phát thải thấp tại khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình từ năm 2025–2030. Sau đó sẽ mở rộng, tiến tới đến năm 2036, toàn bộ vùng có ô nhiễm không khí vượt quy chuẩn quốc gia bắt buộc phải áp dụng vùng phát thải thấp.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh.

Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi các phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu thông trong vùng phát thải thấp; thành phố sẽ phát triển hạ tầng sạc điện trong khu vực phát thải thấp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Người dân đã phải sống với khói bụi, ô nhiễm quá lâu. Giờ là lúc cần hành động để thế hệ mai sau được hít thở không khí trong lành”.

1752370005724.png

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, 100% xe buýt của TP sẽ chuyển sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Ảnh: Tất Định.

Ông cũng cho biết Chính phủ Nhật Bản, các quốc gia châu Âu và tổ chức quốc tế đang tích cực hỗ trợ Hà Nội trong việc phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị. Từ nay đến năm 2035, Thủ đô sẽ triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị, đồng bộ với vùng phát thải thấp.

Dù thừa nhận đây là bước đi "văn hóa", cần thời gian chuyển đổi và sự đồng thuận từ người dân, chính quyền Hà Nội khẳng định quyết tâm theo đuổi lộ trình này. “Nếu không quyết tâm thì không biết khi nào Hà Nội mới phát triển đô thị văn minh, sạch đẹp được như các thành phố lớn của Nhật Bản cũng như các nước trên thế giới”.

Hạ tầng, chính sách được triển khai đồng bộ

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị hạ tầng phục vụ xe điện. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, 100% xe buýt của TP sẽ chuyển sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.

Sở Xây dựng Hà Nội được giao chủ trì rà soát quỹ đất để phát triển hệ thống trạm/trụ sạc điện, bố trí tại các bến xe, bãi đỗ, khu dân cư, trạm dừng nghỉ công cộng… Tổng công ty Điện lực Hà Nội sẽ đảm bảo cung cấp điện ổn định cho toàn bộ hệ thống này.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đang soạn thảo cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp đầu tư xe buýt xanh, hạ tầng sạc điện, trạm dừng đỗ thân thiện môi trường. Dự thảo nghị quyết này dự kiến trình HĐND TP Hà Nội trong tháng 4/2025

Từ quý IV/2025, Hà Nội cũng sẽ thí điểm cấm đồ nhựa dùng một lần tại nhà hàng, khách sạn, quán ăn trong khu vực Vành đai 1 nhằm đồng bộ hóa với chính sách môi trường.

1752370082748.png


Nguồn: Dân Việt
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top