Chồng và con trai qua đời, cụ Nguyệt trở thành đương sự trong vụ án tranh chấp tài sản với con dâu, khi hai bên đều cho rằng ngôi nhà 5 tầng trên mảnh đất 44 m2 là của mình.
Đầu tháng 11, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử vụ kiện yêu cầu phân chia thừa kế giữa nguyên đơn là cụ Nguyệt, 84 tuổi và bị đơn là con dâu, chị Hòa, 48 tuổi, cùng trú tại quận Đống Đa.
Cả hai vắng mặt tại tòa. Cụ Nguyệt ủy quyền cho con gái thứ hai là chị Bích, còn chị Hòa ủy quyền cho các luật sư.
Trước đây, trong nhiều lần hòa giải không thành, chị Hòa yêu cầu cụ Nguyệt trả 2 tỷ đồng, song nguyên đơn chỉ đồng ý 1,8 tỷ. Phiên tòa hôm 10/6 tạm dừng theo khuyên giải của chủ tọa, đôi bên có ý định hòa giải, cân nhắc phương án 1,9 tỷ đồng song sau gần 5 tháng họ vẫn bất đồng quan điểm.
Nội dung vụ kiện thể hiện, vợ chồng cụ Nguyệt có tài sản chung là mảnh đất 44 m2 và căn nhà 5 tầng trên đất, được cấp sổ đỏ năm 2010. Họ có ba con, hai gái và con trai út.
Năm 2020, cụ ông mất và năm sau con trai qua đời, đều không để lại di chúc. Mẹ chồng nàng dâu bắt đầu nảy sinh xung đột.
Cụ Nguyệt khởi kiện dân sự, đề nghị tòa phân chia tài sản chung của vợ chồng (nhà đất) và chia tài sản thừa kế với phần con trai được hưởng, bằng tiền. Cụ sẽ có trách nhiệm trả tiền cho các đồng thừa kế khác để được giữ lại căn nhà và sinh sống tại đó đến cuối đời.
Tại phiên tòa mở tuần trước, chị Bích, con gái cụ Nguyệt trình bày, bố là giảng viên đại học, được trường phân căn nhà cấp 4 trên đất, theo quyết định từ năm 1998. Bố mẹ sau đó mua lại nhà đất này và được cấp sổ đỏ năm 2010. Năm 2012, khi dỡ căn nhà cấp 4 để xây nhà mới, các con chung tiền cùng bố mẹ thực hiện công trình.
Còn luật sư của chị Hòa cho rằng trường quyết định phân nhà cho cụ ông có nghĩ "cho ông ở nhờ", chứ hai cụ không phải chủ sở hữu, không có quyền bán hay chuyển nhượng. Trong đơn đề nghị cấp sổ đỏ, cụ ông khai các thành viên gia đình đủ 18 tuổi đã bàn bạc thống nhất cho hai cụ đứng tên sổ đỏ nhưng thực tế không có buổi họp hay bàn bạc nào.
Do đó, theo luật sư, việc nhà chức trách cấp sổ đỏ cho hai cụ là sai sót nghiêm trọng. Việc vợ chồng cụ đứng tên sổ đỏ và làm thủ tục chỉ là đại diện hộ gia đình trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, đây không phải tài sản của riêng của hai cụ.
"Tiền thanh toán mua nhà đất do vợ chồng chị Hòa trả, dùng tiền cá nhân", luật sư nêu quan điểm đề nghị tòa ghi nhận toàn bộ đất là của vợ chồng chị Hòa.
Với căn nhà 5 tầng xây trên đất, luật sư nói hai con gái không sống cùng, cũng không có đóng góp. Việc bị đơn xuất trình một số hóa đơn mua bán nguyên vật liệu không đầy đủ là do "khi còn vui vẻ với nhau chẳng ai nghĩ đến việc giữ lại hóa đơn để sau này đòi chia nhà", luật sư nêu quan điểm.
Phản đối nội dung bào chữa trên của luật sư chị Hòa, chị Bích cho rằng các con gái cũng đóng góp tiền xây nhà nhưng không giữ lại hóa đơn. "Họ giữ lại được vài cái hóa đơn rồi lại nói công họ xây tất", chị Bích nêu quan điểm.
Nói về quá khứ, chị Bích cho hay mẹ và em dâu bắt đầu nảy sinh bất đồng sau khi em dâu sinh con, năm 2001, tức một năm sau khi cưới. Từ đây, bố mẹ ăn ở riêng.
Sau khi bố mất, hai con gái là người chăm mẹ. Sau đó có khoảng thời gian cụ Nguyệt đi viện dưỡng lão, chi phí 14 triệu đồng mỗi tháng cũng do hai con gái lo. Sau này mẹ về lại nhà, các con gái thuê người giúp việc, trả tiền, đều giữ hóa đơn. "Cô Hòa chẳng có công gì với cái nhà này cả, cô ấy cũng không chăm mẹ", chị Bích nói tại phiên tòa.
HĐXX khuyên chung đôi bên: Con cái với bố mẹ đương nhiên có nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng, không thể bắt các cụ trích tiền ra để thanh toán cho các con. "Công sức tôn tạo nhà đất của chị Hòa thì có thể nêu để cân nhắc, còn việc chăm sóc bố mẹ, có cần thiết rạch ròi không. HĐXX chỉ hỏi để gợi mở vậy thôi, còn quyền yêu cầu vẫn là của các đương sự".
Chủ tọa quay sang chị Bích, gợi mở hướng giải quyết "cụ già rồi về ở với con gái cũng được". Chị đáp: Mẹ chỉ muốn ở lại căn nhà đã gắn bó nhiều năm.
Chủ tọa hỏi đại diện bị đơn: "Nhà ngăn đôi được không, mẹ ở một tầng, con dâu ở một tầng. Chị Hòa cũng không có nơi ở, còn mảnh đất 44 m2 theo quy định thành phố không tách thửa được, mẹ con bàn nhau cùng ở xem có được không".
Luật sư của chị Hòa trả lời thân chủ của mình và mẹ chồng không mâu thuẫn, sẵn sàng ở chung tầng trên tầng dưới.
Mẹ chồng được giữ lại nhà đất
Nêu quan điểm về vụ kiện này, VKS nói cụ ông được trường Đại học Giao thông Vận tải phân nhà, sau đó xí nghiệp quản lý nhà căn cứ vào đó để bán cho hai cụ. Do đó, tài sản này là thuộc sở hữu của vợ chồng cụ. Khi cụ ông ký hợp đồng mua nhà, giá 102 triệu đồng, được miễn giảm 48 năm công tác, còn 79 triệu đồng.
"Nếu chị Hòa xác định đây là tài sản của mình, không có lý do gì chị lại ghi là 'ký thay' và khi thấy hợp đồng mua bán không đứng tên mình mà không có ý kiến gì suốt thời gian đó, là vô lý", công tố viên lập luận.
Nguồn gốc 79 triệu đồng nộp mua nhà, tuy chị Hòa xác định là của vợ chồng mình nhưng không đưa ra được chứng cứ. Giấy nộp tiền do chị ký thay nên không đủ cơ sở xác định tiền này của vợ chồng chị.
Ngoài ra, VKS cho rằng vợ chồng chị Hòa khi đó không đủ điều kiện kinh tế để nộp khoản tiền này vì không có công việc, đang nuôi con nhỏ. Tương tự với số tiền chị nói bỏ ra xây nhà cũng vậy.
Do đó, cơ quan công tố đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Nguyệt và chia tài sản thừa kế theo luật.
Cách chia thừa kế
Sau nghị án, HĐXX đồng ý quan điểm VKS, xác định quyền sử dụng đất là tài sản của hai cụ, chia thừa kế theo luật. Căn nhà do vợ chồng chị Hòa và bố mẹ chồng cùng xây, cần chia đôi giá trị: vợ chồng cụ Nguyệt một nửa, vợ chồng chị Hòa một nửa. Hai con gái của các cụ không được hưởng quyền lợi với căn nhà, do không chứng minh được công sức đóng góp xây dựng.
Hai tài sản được chia trong vụ kiện gồm quyền sử dụng mảnh đất 44 m2, được định giá 8,2 tỷ đồng; căn nhà 5 tầng, xây năm 2012, định giá khoảng một tỷ đồng.
Tài sản chung của hai cụ lúc này gồm: quyền sử dụng mảnh đất 8,2 tỷ đồng và 1/2 giá trị căn nhà, hơn 500 triệu đồng.
Cụ ông mất năm 2020 nên số tài sản thuộc sở hữu của cụ ông (gồm một nửa giá trị quyền sử dụng đất và 1/4 giá trị nhà, tổng giá trị 4,3 tỷ đồng) sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là vợ và 3 con, mỗi người được gần 1,1 tỷ đồng.
Con trai của cụ (chồng chị Hòa) chết năm 2021, để lại tài sản là 1/4 giá trị căn nhà, phần thừa kế được hưởng từ cha, tổng 1,36 tỷ đồng. Giá trị này sẽ được chia cho 4 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất: mẹ, vợ và 2 con, mỗi người 340 triệu đồng.
Sau khi chia thừa kế, cụ Nguyệt được hưởng phần tài sản của mình, tài sản thừa kế từ chồng và tài sản thừa kế từ con trai, tổng 5,8 tỷ đồng.
Hai con gái cụ, mỗi người được hưởng thừa kế từ cha, gần 1,1 tỷ đồng.
Chị Hòa được hưởng phần tài sản thừa kế từ chồng và 1/4 giá trị nhà, tổng 600 triệu đồng. Hai con gái của chị Hòa, mỗi người được hưởng một phần thừa kế từ cha, 340 triệu đồng.
Tòa chia thừa kế bằng hiện vật, giao toàn bộ nhà đất cho cụ Nguyệt. Cụ có trách nhiệm thanh toán bằng tiền cho những người được hưởng thừa kế nêu trên. Tài sản hai cháu gái được nhận tạm giao con dâu quản lý đến khi các cháu trưởng thành.
Đầu tháng 11, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử vụ kiện yêu cầu phân chia thừa kế giữa nguyên đơn là cụ Nguyệt, 84 tuổi và bị đơn là con dâu, chị Hòa, 48 tuổi, cùng trú tại quận Đống Đa.
Cả hai vắng mặt tại tòa. Cụ Nguyệt ủy quyền cho con gái thứ hai là chị Bích, còn chị Hòa ủy quyền cho các luật sư.
Trước đây, trong nhiều lần hòa giải không thành, chị Hòa yêu cầu cụ Nguyệt trả 2 tỷ đồng, song nguyên đơn chỉ đồng ý 1,8 tỷ. Phiên tòa hôm 10/6 tạm dừng theo khuyên giải của chủ tọa, đôi bên có ý định hòa giải, cân nhắc phương án 1,9 tỷ đồng song sau gần 5 tháng họ vẫn bất đồng quan điểm.
Nội dung vụ kiện thể hiện, vợ chồng cụ Nguyệt có tài sản chung là mảnh đất 44 m2 và căn nhà 5 tầng trên đất, được cấp sổ đỏ năm 2010. Họ có ba con, hai gái và con trai út.
Năm 2020, cụ ông mất và năm sau con trai qua đời, đều không để lại di chúc. Mẹ chồng nàng dâu bắt đầu nảy sinh xung đột.
Cụ Nguyệt khởi kiện dân sự, đề nghị tòa phân chia tài sản chung của vợ chồng (nhà đất) và chia tài sản thừa kế với phần con trai được hưởng, bằng tiền. Cụ sẽ có trách nhiệm trả tiền cho các đồng thừa kế khác để được giữ lại căn nhà và sinh sống tại đó đến cuối đời.
Tại phiên tòa mở tuần trước, chị Bích, con gái cụ Nguyệt trình bày, bố là giảng viên đại học, được trường phân căn nhà cấp 4 trên đất, theo quyết định từ năm 1998. Bố mẹ sau đó mua lại nhà đất này và được cấp sổ đỏ năm 2010. Năm 2012, khi dỡ căn nhà cấp 4 để xây nhà mới, các con chung tiền cùng bố mẹ thực hiện công trình.
Còn luật sư của chị Hòa cho rằng trường quyết định phân nhà cho cụ ông có nghĩ "cho ông ở nhờ", chứ hai cụ không phải chủ sở hữu, không có quyền bán hay chuyển nhượng. Trong đơn đề nghị cấp sổ đỏ, cụ ông khai các thành viên gia đình đủ 18 tuổi đã bàn bạc thống nhất cho hai cụ đứng tên sổ đỏ nhưng thực tế không có buổi họp hay bàn bạc nào.
Do đó, theo luật sư, việc nhà chức trách cấp sổ đỏ cho hai cụ là sai sót nghiêm trọng. Việc vợ chồng cụ đứng tên sổ đỏ và làm thủ tục chỉ là đại diện hộ gia đình trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, đây không phải tài sản của riêng của hai cụ.
"Tiền thanh toán mua nhà đất do vợ chồng chị Hòa trả, dùng tiền cá nhân", luật sư nêu quan điểm đề nghị tòa ghi nhận toàn bộ đất là của vợ chồng chị Hòa.
Với căn nhà 5 tầng xây trên đất, luật sư nói hai con gái không sống cùng, cũng không có đóng góp. Việc bị đơn xuất trình một số hóa đơn mua bán nguyên vật liệu không đầy đủ là do "khi còn vui vẻ với nhau chẳng ai nghĩ đến việc giữ lại hóa đơn để sau này đòi chia nhà", luật sư nêu quan điểm.
Phản đối nội dung bào chữa trên của luật sư chị Hòa, chị Bích cho rằng các con gái cũng đóng góp tiền xây nhà nhưng không giữ lại hóa đơn. "Họ giữ lại được vài cái hóa đơn rồi lại nói công họ xây tất", chị Bích nêu quan điểm.
Nói về quá khứ, chị Bích cho hay mẹ và em dâu bắt đầu nảy sinh bất đồng sau khi em dâu sinh con, năm 2001, tức một năm sau khi cưới. Từ đây, bố mẹ ăn ở riêng.
Sau khi bố mất, hai con gái là người chăm mẹ. Sau đó có khoảng thời gian cụ Nguyệt đi viện dưỡng lão, chi phí 14 triệu đồng mỗi tháng cũng do hai con gái lo. Sau này mẹ về lại nhà, các con gái thuê người giúp việc, trả tiền, đều giữ hóa đơn. "Cô Hòa chẳng có công gì với cái nhà này cả, cô ấy cũng không chăm mẹ", chị Bích nói tại phiên tòa.
HĐXX khuyên chung đôi bên: Con cái với bố mẹ đương nhiên có nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng, không thể bắt các cụ trích tiền ra để thanh toán cho các con. "Công sức tôn tạo nhà đất của chị Hòa thì có thể nêu để cân nhắc, còn việc chăm sóc bố mẹ, có cần thiết rạch ròi không. HĐXX chỉ hỏi để gợi mở vậy thôi, còn quyền yêu cầu vẫn là của các đương sự".
Chủ tọa quay sang chị Bích, gợi mở hướng giải quyết "cụ già rồi về ở với con gái cũng được". Chị đáp: Mẹ chỉ muốn ở lại căn nhà đã gắn bó nhiều năm.
Chủ tọa hỏi đại diện bị đơn: "Nhà ngăn đôi được không, mẹ ở một tầng, con dâu ở một tầng. Chị Hòa cũng không có nơi ở, còn mảnh đất 44 m2 theo quy định thành phố không tách thửa được, mẹ con bàn nhau cùng ở xem có được không".
Luật sư của chị Hòa trả lời thân chủ của mình và mẹ chồng không mâu thuẫn, sẵn sàng ở chung tầng trên tầng dưới.
Mẹ chồng được giữ lại nhà đất
Nêu quan điểm về vụ kiện này, VKS nói cụ ông được trường Đại học Giao thông Vận tải phân nhà, sau đó xí nghiệp quản lý nhà căn cứ vào đó để bán cho hai cụ. Do đó, tài sản này là thuộc sở hữu của vợ chồng cụ. Khi cụ ông ký hợp đồng mua nhà, giá 102 triệu đồng, được miễn giảm 48 năm công tác, còn 79 triệu đồng.
"Nếu chị Hòa xác định đây là tài sản của mình, không có lý do gì chị lại ghi là 'ký thay' và khi thấy hợp đồng mua bán không đứng tên mình mà không có ý kiến gì suốt thời gian đó, là vô lý", công tố viên lập luận.
Nguồn gốc 79 triệu đồng nộp mua nhà, tuy chị Hòa xác định là của vợ chồng mình nhưng không đưa ra được chứng cứ. Giấy nộp tiền do chị ký thay nên không đủ cơ sở xác định tiền này của vợ chồng chị.
Ngoài ra, VKS cho rằng vợ chồng chị Hòa khi đó không đủ điều kiện kinh tế để nộp khoản tiền này vì không có công việc, đang nuôi con nhỏ. Tương tự với số tiền chị nói bỏ ra xây nhà cũng vậy.
Do đó, cơ quan công tố đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Nguyệt và chia tài sản thừa kế theo luật.
Cách chia thừa kế
Sau nghị án, HĐXX đồng ý quan điểm VKS, xác định quyền sử dụng đất là tài sản của hai cụ, chia thừa kế theo luật. Căn nhà do vợ chồng chị Hòa và bố mẹ chồng cùng xây, cần chia đôi giá trị: vợ chồng cụ Nguyệt một nửa, vợ chồng chị Hòa một nửa. Hai con gái của các cụ không được hưởng quyền lợi với căn nhà, do không chứng minh được công sức đóng góp xây dựng.
Hai tài sản được chia trong vụ kiện gồm quyền sử dụng mảnh đất 44 m2, được định giá 8,2 tỷ đồng; căn nhà 5 tầng, xây năm 2012, định giá khoảng một tỷ đồng.
Tài sản chung của hai cụ lúc này gồm: quyền sử dụng mảnh đất 8,2 tỷ đồng và 1/2 giá trị căn nhà, hơn 500 triệu đồng.
Cụ ông mất năm 2020 nên số tài sản thuộc sở hữu của cụ ông (gồm một nửa giá trị quyền sử dụng đất và 1/4 giá trị nhà, tổng giá trị 4,3 tỷ đồng) sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là vợ và 3 con, mỗi người được gần 1,1 tỷ đồng.
Con trai của cụ (chồng chị Hòa) chết năm 2021, để lại tài sản là 1/4 giá trị căn nhà, phần thừa kế được hưởng từ cha, tổng 1,36 tỷ đồng. Giá trị này sẽ được chia cho 4 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất: mẹ, vợ và 2 con, mỗi người 340 triệu đồng.
Sau khi chia thừa kế, cụ Nguyệt được hưởng phần tài sản của mình, tài sản thừa kế từ chồng và tài sản thừa kế từ con trai, tổng 5,8 tỷ đồng.
Hai con gái cụ, mỗi người được hưởng thừa kế từ cha, gần 1,1 tỷ đồng.
Chị Hòa được hưởng phần tài sản thừa kế từ chồng và 1/4 giá trị nhà, tổng 600 triệu đồng. Hai con gái của chị Hòa, mỗi người được hưởng một phần thừa kế từ cha, 340 triệu đồng.
Tòa chia thừa kế bằng hiện vật, giao toàn bộ nhà đất cho cụ Nguyệt. Cụ có trách nhiệm thanh toán bằng tiền cho những người được hưởng thừa kế nêu trên. Tài sản hai cháu gái được nhận tạm giao con dâu quản lý đến khi các cháu trưởng thành.