Mẹo chống trào khi nấu cháo, thơm ngon, nhanh nhừ, không dính nồi

thaiphuong062008
Câu chuyện nhân văn
Phản hồi: 0

Câu chuyện nhân văn

Thành viên tích cực
1728961162746.png
Cháo dễ ăn, bổ dưỡng và được nhiều người ưa chuộng. Nấu cháo không quá phức tạp nhưng nếu không cẩn thận sẽ dễ bị trào ra ngoài làm mất thời gian và công sức lau chùi. Một số mẹo chống trào khi nấu cháo dưới đây sẽ giúp bạn không còn phải lo vấn đề dọn dẹp nữa. Ngoài ra cần có một số mẹo nhỏ nữa để cháo thơm ngon nhanh nhừ mà không dính nồi.

Đun lửa nhỏ đủ để ninh

Tục ngữ xưa có câu rằng ''Cơm sôi to lửa thì ngon. Cháo sôi to lửa thì còn nồi không''. Khi cháo sôi, lớp keo tinh bột tan ra ngăn hơi nước bay lên. Lúc này, hơi nước sẽ đẩy lớp keo tinh bột lên, nếu nhiệt độ sôi cao thì sẽ dẫn đến hiện tượng xuất hiện bọt nước (màng bong bóng cháo) bị trào ra ngoài khi nấu.

Để tránh tình trạng này, bạn cần vặn lửa thật nhỏ, đủ để giữ cho nồi cháo sôi liu riu. Bạn duy trì ngọn lửa nhỏ đến khi nồi cạn nước, như vậy là món cháo đã hoàn thành.

1728960443173.png

Khi cháo sôi, bạn cần để lửa liu riu để chống trào

Đặt đũa hoặc thìa gỗ trên nồi

Theo kinh nghiệm nhiều bà nội trợ áp dụng từ lâu, khi nấu cháo bạn nên mở vung và đặt đôi đũa hoặc thìa gỗ ngang miệng nồi sẽ chống trào bọt ra ngoài. Nguyên nhân là bởi khi nhiệt độ càng cao, bọt nước thoát ra theo thành nồi nổi lên bề mặt. Dùng thìa, muỗng gỗ không hấp thu nước sẽ khiến bọt nước không men theo được.

Bên cạnh đó, nhiệt độ thìa gỗ thấp hơn 100°C làm bọt nước ngưng tụ và chuyển về chất lỏng nên làm vỡ bề mặt bong bóng. Chú ý không dùng thìa, muỗng kim loại gác lên vì dẫn nhiệt tốt và bọt nước dễ trào ra ngoài nhiều hơn.

Cho 1 thìa dầu ăn vào nồi cháo

Để nồi cháo không bị trào, bạn có thể áp dụng cách đơn giản sau là cho thêm 1 thìa dầu ăn vào nồi. Dầu không hòa tan vào trong nước nên màng dầu luôn nổi lên trên bề mặt cháo, nhờ vậy hạn chế các bọt khí cháo nổi lên, ngăn tình trạng trào ra ngoài. Bạn cho thêm chút dầu ăn cũng sẽ giúp món cháo có hương vị thơm ngon hơn.

Nấu cháo bằng nồi cơm điện

Khi nấu cháo bằng nồi cơm điện, bạn vẫn chuẩn bị nguyên liệu như nấu cháo thông thường. Lúc nấu, bạn nhớ thêm một ít muối ăn và dầu ăn vào nồi cháo. Sau đó, bạn bấm chọn nút Cook như lúc nấu cơm.

Khi cháo sôi, bạn chuyển sang chế độ Keep Warm giữ nóng, cháo sẽ vẫn sôi lăn tăn trong nồi mà không bị trào ra ngoài. Bạn để nóng khoảng tầm 30 phút thì tắt nồi, như vậy món cháo đã được hoàn thành.

Để cháo ngon, trộn thêm một ít gạo nếp

Công đoạn này sẽ giúp cho món cháo của bạn có hương vị thơm ngon, sánh hơn nhiều so với cách nấu thông thường. Gạo nếp với hương thơm đặc trưng, khi trộn vào sẽ giúp cho món cháo của bạn có độ sánh dẻo, mềm mịn hơn. Lưu ý: Nên trộn gạo với tỷ lệ phù hợp, tốt nhất là 1 chén gạo tẻ trộn với 1 nắm gạo nếp bởi vì cho quá nhiều gạo nếp sẽ làm cho cháo bị đặc quánh, ăn bị ngán.

Ngâm gạo 30 phút trước khi nấu

Trước khi nấu, bạn hãy ngâm gạo với nước lạnh tầm 30 phút. Công đoạn ngâm gạo sẽ giúp cho hạt gạo mềm ra, khi nấu thì cháo sẽ nhừ nhanh hơn. Lưu ý: Khi ngâm không cần phải vo gạo, vo gạo sẽ làm trôi đi các chất dinh dưỡng trên gạo đấy! Sau khi ngâm gạo thì rửa nhẹ 1 nước rồi cho vào nấu luôn.

Rang gạo trước khi nấu

Một bí quyết nữa là, trước khi nấu cháo, bạn nên rang gạo để cháo nấu nhanh nhừ nhưng không bị nát mà lại còn dậy mùi thơm khó cưỡng. Lý do là bởi vì trong khi rang, hạt gạo sẽ bị nhiệt độ làm cứng và định hình được hạt gạo, cho dù có nấu lâu thì hạt gạo vẫn giữ được hình dáng chứ không bị nhừ nhuyễn.

1728961099435.png


Sau khi đã ngâm gạo, hãy cho gạo vào chảo rang trên bếp tới khi hạt gạo chuyển màu từ trắng đục sang trắng trong thì ngừng lại.

Canh lượng nước phù hợp với món cháo

Để cháo trắng ngon, không quá lỏng hoặc đặc sệt, bạn nên canh lượng nước với lượng gạo theo tỉ lệ 3 phần nước và 1 phần gạo.

Với món cháo thịt, cháo cá, hải sản thì tỉ lệ nước và gạo sẽ là 4 phần nước và 1 phần gạo.

1728961162746.png


Nấu cháo bằng nước sôi

Thông thường mọi người sẽ cho gạo vào nồi, cho nước lạnh vào rồi mới bật bếp nấu. Tuy nhiên cách làm này sẽ làm cho hạt cháo nở không đều mà lại còn dễ bị cháy khét ở dưới đáy nồi.

Cách làm đúng là hãy nấu nước sôi sau đó mới cho gạo vào nấu, nước sôi lại vài phút thì đậy kín nắp nồi rồi tắt bếp, sau 15 phút, bạn bật bếp cho nồi cháo sôi lên lần nữa, sau đó vặn nhỏ lửa hoặc tắt bếp để vậy một lúc, cháo sẽ tự nở nhừ. Nấu cháo theo kiểu này, không những giúp cháo nhanh nhừ mà còn tiết kiệm điện, gas tối đa cho gia đình, gạo sẽ không bám dính vào đáy nồi, không bị cháy.

Nấu cháo và các nguyên liệu khác riêng biệt, không nấu chung

Hãy bỏ thói quen nấu chung cháo với các nguyên liệu khác như hải sản, thịt, rau củ. Nấu kiểu này, cháo đục mà hương vị món cháo cũng không thơm ngon.

Bạn nên nấu cháo riêng, nấu thịt, hải sản, rau củ riêng, sau đó khi tất cả các thành phần đều chín, bạn mới cho vào nồi nấu chung ở 10 phút cuối cùng trước khi tắt bếp. Cháo sẽ trong, ngon, hương vị rõ rệt, không bị lẫn lộn mùi vị.

Không khuấy nhiều lần trong quá trình nấu

Khuấy tưởng chừng là công đoạn giúp cho cháo chín đều, nhừ nhanh hơn nhưng việc này hoàn toàn là sai lầm!

Khuấy cháo quá nhiều trong khi nấu sẽ làm cho hạt gạo bị vữa, nát. Ngoài ra nếu bạn đang nấu chung với các nguyên liệu khác thì sẽ làm cho cháo bị tanh. Bạn chỉ nên khuấy cháo 2 lần trong quá trình nấu: Lần thứ nhất là khi mới cho gạo vào nước sôi, lưu ý chỉ khuấy 1 chiều. Lần thứ hai là khi nấu cháo được 20 - 25 phút, khuấy 1 chiều tầm khoảng 5 phút thì đậy nắp lại và ninh thêm khoảng 3 - 5 phút nữa là cháo đã chín.

Nguồn: VTCnews, Bachhoaxanh
 
Sửa lần cuối:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top