Một Bí thư tỉnh uỷ Dũng Cảm, huyền thoại trong lòng người dân

Hồng Hà
Hồng Hà
Phản hồi: 0

Hồng Hà

Member
Nhắc đến tên ông, tôi chắc chắn nhiều người còn nhớ, nhưng những người sinh sau đẻ muộn có thể không biết, vì thế mà cần biết về ông, một vị Bí thư tỉnh uỷ dũng cảm, luôn đau đáu phải làm sao cho người nông dân thoát khỏi cảnh cơ cực, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
1729865510661.png

Vâng, vị Bí thư tỉnh uỷ đáng kính đó chính là Kim Ngọc, người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968, hay còn gọi là “cha đẻ khoán Mười”. Nhà báo Thái Duy tác giả của “Sống như Anh” kể về cuộc đời của Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi từng chia sẻ với phóng viên báo Dân trí: Công lao của ông Ngọc lớn lắm. Không có ông ấy dám làm hồi ấy thì đất nước có khi “tiêu” rồi.

Ông tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1917 trong một gia đình thuần nông tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ông mất ngày 26 tháng 5 năm 1979, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hà Nội.

Cũng vì "xé rào", đi đầu trong Khoán hộ mà có thông tin Bí thư Kim Ngọc bị kỷ luật và nhiều thông tin xung quanh sự việc này. Người ta đồn rằng ông đã từng bị bỏ tù oan vì làm khoán hộ, rồi chết trong tù. Cũng có người kể rằng, khi ông Kim Ngọc đã bị mất chức Bí thư Tỉnh uỷ và nằm viện, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng lúc ấy vào thăm, ông Kim Ngọc nằm quay mặt vào tường không tiếp chuyện...

Sự thực thế nào? Dưới đây là tìm hiểu của phóng viên báo Dân trí năm 2006 để làm rõ câu hỏi: Ông Kim Ngọc có bị kỷ luật, tù tội không?

CNXH là phải “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang”

Ông Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 trong một gia đình nông dân nghèo. Ông chỉ học hết lớp 5, rồi tự học để lên được lớp 7, nhưng những tư duy đổi mới của ông vào thời đó có thể nói là ít người sánh kịp.

Năm 1947, ông lấy bà Lê Thị Liên và sau đó lần lượt sinh được 6 người con (cả 6 người con của ông bây giờ đều thành đạt). Ông Ngọc tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1939, đến năm 1954 ông đã là Phó Chính uỷ Quân Khu Việt Bắc.

Năm 1958 ông về làm Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, quê hương ông. Suốt 24 năm ông làm bí thư tỉnh uỷ đều gắn với hạt lúa của người nông dân, nhất là gắn với những thăng trầm của khoán hộ.

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký riêng nhiều năm liền cho ông Kim Ngọc kể: Ngay từ hồi những năm 60, khi mà sự giáo điều trong nhận thức lúc đó còn hết sức nặng nề về “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang” (đồng nghĩa với sự sùng bái vật chất tư bản chủ nghĩa), nhưng ông Kim Ngọc phát biểu trong Đảng bộ tỉnh đã khẳng định một chân lý có thể nói là cực kỳ táo bạo về sự phấn đấu của người đảng viên là làm sao để: “Dân luôn được: ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành chữa bệnh không mất tiền”. Ông nói, đấy chính là mục tiêu của CNXH.

Một con người chỉ học hành hết lớp 7, vậy mà tư duy đã thật đi rất xa so với thời gian. Chính những năm 65-67, khi Vĩnh Phúc làm khoán hộ, đời sống của người dân khấm khá hẳn lên. Ông Trường Chinh về thăm Vĩnh Phúc đã phải tặng bài thơ ký bút danh Sóng Hồng:

“Phù Lập làm phân thật khác thường

Phương Trù thuỷ lợi đáng nêu gương

Chăn nuôi tập thể Hoà Loan giỏi

Cây rợp bên đường bóng Lạc Trung”

(các địa danh ở Vĩnh Phúc)

NQ 68: Dám phê phán thành trì của CNXH
1729865534394.png


Năm 1963-64, khi ấy ông Kim Ngọc đang là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (chưa sáp nhập với Phú Thọ để thành Vĩnh Phú), điều ông đau đáu nhất là vì sao HTX luôn luôn được coi là điển hình tiên tiến của XHCN vậy mà dân vẫn đói, nghèo, chẳng ai thiết tha gì với đồng ruộng. Trong khi ta luôn tuyên truyền về sự phát triển của ruộng hợp tác, với năm nào cũng mùa màng bội thu. Nhà thơ Tố Hữu đã hình tượng hoá hợp tác xã bằng câu thơ:

Dân có ruộng dập dìu hợp tác

Lúa mượt đồng ấp áp làng quê.

Nhưng có sâu sát với người nông dân mới hiểu chúng ta áp dụng mô hình hợp tác “mọi thứ đều là của chung” là rất sai.

Ông Nguyễn Thành Tô kể một kỷ niệm mà suốt đời ông chẳng thể nào quên: Ông và ông Kim Ngọc cùng lội xuống ruộng và chỉ thấy cỏ dại mọc đầy. Người dân chỉ làm xung quanh bờ cho có chuyện, còn ở giữa họ bỏ mặc. Ông Ngọc buồn mất mấy ngày và cứ băn khoăn hỏi: “Này Tô, tại sao người nông dân lại không mặn mà với đồng ruộng?”. Hình thức khoán việc hồi ấy đẻ ra biết bao thứ quan liêu, nạn cường hào mới, tệ rong công, phóng điểm, làm ăn gian dối. Vậy mà người ta cứ thổi phồng lên là HTX no ấm, người dân phấn khởi. Quả là giáo điều.
1729865650205.png

Rồi như tìm ra một chân lý ông tự nói: Có lẽ phải chuyển sang mô hình khoán cho người nông dân.

Ông Ngọc giao cho Ban nông nghiệp tỉnh làm báo cáo, đi khảo sát lấy ý kiến người dân và sớm hoàn thành đề án khoán. Ngày 10/9/1966, Nghị quyết 68 của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lúc đó do ông Trần Quốc Phi, Phó Bí thư Tỉnh uỷ ký (mộ ông Phi sau này cũng nằm cạnh mộ của ông Kim Ngọc) trở thành một nghị quyết đột phá vào thành trì bảo thủ của nông nghiệp, dám thẳng thắn phê phán sự thụt lùi, yếu kém của mô hình HTX lúc ấy, mặc dù NQ có cái tên rất hiền hoà là “NQ về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong HTX hiện nay”.
1729865603208.png

Cần phải nói rõ là lúc ấy (từ năm 1963-1966) cả nước đều hướng ra tiền tuyến đánh giặc, hậu phương chỉ có mỗi việc là “sản xuất tốt theo mô hình HTX để chi viện cho tiền tuyến”. NQ 68 (mà sau này được gọi bằng cái tên nổi tiếng là NQ 3 khoán) mà ông Kim Ngọc khởi xướng dám phê phán tình hình nông nghiệp ì trệ chẳng khác nào “quả bom” đánh thẳng vào ý thức hệ XHCN bảo thủ lúc đó. Mặc dù NQ đưa ra 3 hình thức khoán nhưng cuối cùng nông dân chỉ chọn và mặn mà với hình thức “khoán hộ”. Nông dân hiểu và làm đều rất đơn giản: Cái gì gắn mật thiết với họ thì họ chọn và họ đã chọn đúng. Điều rất quan trọng là chính từ cơ sở, toàn bộ tỉnh uỷ, huyện uỷ Vĩnh Phúc đều ủng hộ NQ này. Để có tiền đề làm khoán tốt, ông Kim Ngọc đã cử một đoàn chọn HTX Thôn Thượng, Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường để làm thí điểm. Nhân dân rất phấn khởi nhận khoán và hăng hái ra sản xuất.

Chỉ sau 1 năm làm khoán hộ, bộ mặt nông nghiệp của Vĩnh Phúc đã thay đổi rất mạnh. Năm 1967, 75% số HTX áp dụng khoán hộ, 76% số đội sản xuất khoán hộ. 160 hợp tác xã (chiếm hơn 70% số HTX lúc đó) đạt năng suất lúa từ 5-7 tấn/1ha, sản lượng thóc đạt 197 ngàn tấn tăng 2,7% so với năm 1964. Nếu lúc đó mô hình khoán hộ được nghiên cứu, nhân rộng ra cả nước thì nông nghiệp miền Bắc chắc chắc sẽ có bước phát triển vượt bậc. Nhưng niềm vui đúng là “chóng chẳng tày gang”. Trong lúc cả đảng bộ và nhân dânVĩnh Phúc đang phấn khởi vì khoán hộ thì đùng một cái, Trung ương ra lệnh: dừng ngay khoán hộ.

Cái “chết” của khoán hộ

Hồi ấy có khá nhiều người lăn xả vào để ủng hộ khoán hộ, nhưng cũng không ít người đã lên tiếng phê phán khoán hộ là xa rời CNXH, đưa nông nghiệp trở lại con đường tư hữu hoá (vì giao ruộng đất, tài sản cho nông dân). Thà đói còn hơn làm sai nguyên lý của Mác - Lê Nin...

Vào khoảng đầu năm 1968, T.Ư có ý kiến chỉ đạo (mà lúc đó trực tiếp từ ông Trường Chinh) yêu cầu Tỉnh uỷ Vĩnh Phú (lúc đó đã sáp nhập Vĩnh Phúc với Phú Thọ thành Vĩnh Phú - ông Kim Ngọc vẫn là Bí thư của Vĩnh Phú) phải kiểm điểm về làm khoán hộ. Theo ý kiến của T.Ư lúc đó thì khoán hộ mà ông Kim Ngọc đang cho làm ở Vĩnh Phúc là một cách làm “phá vỡ quan hệ sản xuất XHCN, đẩy lùi tiến bộ KHKT”.

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký của ông Kim Ngọc kể, khi biết được tin này ông Ngọc buồn lắm, nhưng ông Ngọc là người dám cãi T.Ư, ông vẫn bảo lưu ý kiến phải cho áp dụng khoán hộ. Khoán hộ bị dừng lại. Đến ngày 28/4/1971, Tỉnh uỷ họp ở Gia Thanh (nơi sơ tán của Tỉnh uỷ), ông Ngọc phải đọc bản kiểm điểm để nhận khuyết điểm trong việc áp dụng khoán hộ. Chúng tôi là một trong số rất ít người được cầm bản kiểm điểm của ông Ngọc trên tay.

Đã gần 40 năm trôi qua, bản kiểm điểm được đánh trên máy đánh chữ và in rôneo nom đã cũ đi nhiều nhưng nó vẫn còn nóng hổi tính thời sự bởi sự thật mà nó gánh vác: Những con người cộng sản, dám đi tiên phong, vì dân vì nước, nhưng vì va phải thành trì bảo thủ, quan liêu, duy ý chí nên cuối cùng phải trả giá. Bản kiểm điểm mà ông Ngọc đọc trước tỉnh uỷ có đoạn: “Trong quá trình thực hiện công việc nông nghiệp, tôi có một sai lầm nghiêm trọng. Khuyết điểm, sai lầm lớn nhất của tôi là khoán hộ”. Sau đó theo chỉ đạo của T.Ư mà trực tiếp là ông Trường Chinh (ông Trường Chinh đã về tận Vĩnh Phú để nói chuyện về những sai lầm của khoán hộ) khoán hộ bị dừng lại.

Trên tạp chí Học Tập, có đăng bài của ông Trường Chinh nêu rõ những sai lầm của ông Kim Ngọc trong việc khoán hộ: “Những sai lầm và khuyết điểm trên đã dẫn tới bằng nhiều hình thức khác nhau, đem chia lại một phần ruộng đất từ tập thể sang cá nhân...”. Anh Nguyễn Kim Sơn, con trai cả của ông Kim Ngọc lúc này đang học ở Đức vô tình có đọc được bài báo về cha mình, đã hiểu rằng: Cha anh đang phải đối diện với đòn đánh của thành trì bảo thủ XHCN.

Sau năm 1968, các cánh đồng đã từng xanh tốt vì khoán hộ nay trở lại tiêu điều xơ xác. Người dân buồn bã quay trở lại với thời công điểm. Sản lượng lúa ở Phú Thọ tụt giảm thảm hại. Nông dân lại trở lại nghèo đói. Nhưng những người lãnh đạo dường như không quan tâm đến điều ấy.

Nỗi đau âm thầm

Sau khi làm khoán hộ, ông Kim Ngọc bị buộc phải làm bản kiểm điểm và phải tự nhận là “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”. Nhưng sau đó trong Đại hội Đảng bộ, ông Kim Ngọc vẫn trúng chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú (năm 68 sáp nhập Vĩnh Phúc với Phú Thọ thành Vĩnh Phú) và đến năm 76, tại đại hội đảng bộ khoá IV của tỉnh Vĩnh Phú ông Kim Ngọc mới làm đơn xin nghỉ và đến năm 1977 ông mới nghỉ hẳn.

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký của ông Kim Ngọc kể: Mặc dù làm đơn xin nghỉ nhưng khi ông Lê Duẩn (lúc đó là Tổng Bí thư) về dự họp, ông Ngọc có gặp ông Lê Duẩn và nói: Tôi đã cao tuổi, xin phép được nghỉ. Ông Lê Duẩn nói ngay: T.Ư chưa để anh nghỉ được, anh vẫn còn khoẻ.

Thực ra thì ông Ngọc đã từng mắc bệnh đau dạ dầy nhiều năm trước đó, đã có lần phải mổ cấp cứu. Có lần ở Việt Bắc ông bị sét đánh suýt chết. Sau này, khi khoán hộ bị cấm, ông buồn nhiều hơn là vui. Có nhiều lúc ông đi trên những cánh đồng trước đây thực hiện khoán hộ lúa xanh tốt, nay trở lại khoán quản nên tiêu điều, về nhà ông lại buồn. Có lúc ông mời những cán bộ cũ đến nhà để bàn về việc tiếp tục khoán hộ, nhưng lúc ấy đã có lệnh cấm của T.Ư, các quan chức lúc đó chẳng ai còn dám nghe ông nữa, chỉ có mỗi người dân là vẫn âm thầm làm khoán hộ, bất chấp tất cả lệnh cấm.

Năm 1979, ông Ngọc yếu nhiều, sau đó ông được đưa lên Bệnh viện Việt Đức để chữa bệnh, nhưng do bệnh nặng ông mất ngày 26/5/1979. Đám tang của ông, theo bà Liên vợ og kể, có rất nhiều người nông dân đưa tiễn. Họ lặng lẽ đi sau linh cữu của ông, họ hiểu rằng họ đang đưa tiễn người cha của khoán hộ, khoán đã mang lại sự no đủ cho họ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông Nguyễn Thành Tô khẳng định, ông Kim Ngọc chưa bao giờ bị kỷ luật, kể cả trong khoán hộ mà chỉ bị làm bản kiểm điểm và tự phê bình nghiêm túc, sau khi có chỉ đạo của ông Trường Chinh.

Bà Lê Thị Liên, vợ ông Kim Ngọc kể: Ngay sau khi làm đơn xin nghỉ, ông ấy (chỉ ông Kim Ngọc) và tôi có ra Hà Nội thăm ông Trường Chinh, qua mấy vọng gác mới vào gặp được ông ấy. Ông Kim Ngọc trong cuộc nói chuyện khi đề cập đến khoán hộ, ông vẫn bảo lưu ý kiến, khẳng định sự đúng đắn của khoán hộ và cho rằng khoán quản mới là xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Thời đó, dám cãi vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước (ông Trường Chinh là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Thủ tướng bây giờ) là một việc vô cùng bạo gan. Nhưng vì cái đúng, ông Ngọc vẫn không ngại bầy tỏ quan điểm, đó mới là sự dũng cảm của người cộng sản. Sau này trước khi mất một thời gian, ông Trường Chinh có hối hận về một số sai lầm trước đây trong đó có việc kìm hãm khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Ông Hoàng Quy, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, sau này là Bộ trưởng Bộ Tài Chính cũng nói: “Anh Kim Ngọc là người thông minh, dám nghĩ, dám làm, dám bảo lưu ý kiến...”. Ông Trần Lưu Vị, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (được bầu sau ông Kim Ngọc và ông Hoàng Quy) cũng nói: “Cấp uỷ rất ân hận về chuyện anh Kim Ngọc”.

Bà Lê Thị Liên, vợ ông Kim Ngọc cho biết: Cách đây một thời gian bà có gặp ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Dưới thời ông Kim Ngọc, thì ông Ngọ là Giám đốc Sở Nông nghiệp, người đã thực hiện khoán hộ, để hỏi ông Ngọ về việc làm hồ sơ tôn vinh ông Kim Ngọc danh hiệu anh hùng, ông Ngọ hứa là đang làm. Rất tiếc, về Hà Nội chúng tôi liên lạc được với ông Ngọ, đặt vấn đề này nhưng không nhận được sự ủng hộ của ông Ngọ.

Thật lạ, một người mà tôi đã từng rất kính trọng như ông vì dám làm đơn xin từ chức khi cán bộ cấp dưới của mình vi phạm pháp luật trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, một người cũng dám nghĩ, dám làm, dám xông xáo vì khoán hộ, nay lại dè dặt trong việc trả lời báo chí về việc ông Kim Ngọc.

Bài học của sự thật và dám nhìn vào sai lầm
1729865723868.png

Tôi đứng trước bàn thờ ông Kim Ngọc và di ảnh ông, thắp nén hương. Ông có vầng trán cao và đôi mắt thật sáng, thông minh. Năm 2004, tỉnh uỷ Vĩnh Phúc tặng gia đình ông bức tượng tạc ông bằng đồng nặng tới 45 kg để biểu thị lòng kính trọng ông.

Bà Liên, vợ ông kể: Sau khi ông Ngọc mất ít lâu, có đoàn tỉnh đảng bộ Bến Tre (là tỉnh kết nghĩa với Vĩnh Phúc) ra thăm, tất cả đều đứng trước mộ ông mà khóc. Có người còn đề nghị, phải lập đền thờ cho ông, bởi ông thật sự là người có công với đất nước.

Tôi bỗng nhìn thấy bên mé bàn thờ ông có một tấm phướn đề câu thơ: “Ruộng đất công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian”. Hoá ra đó là mấy câu thơ của các cháu tổ bán báo “Xa Mẹ” ở Hà Nội dâng tặng. Có rất nhiều thư đã gửi về gia đình ông bày tỏ niềm kính trọng và biết ơn đến với ông. Nhiều người gọi ông là cha đẻ của khoán hộ, cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp.

Bà Lê Thị Liên kể: Năm bác Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) 90 tuổi, tôi đến chúc thọ Đại tướng. Bác Giáp khi đó nói chuyện với rất nhiều người, biết tôi là vợ ông Kim Ngọc, bác nói: Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...”.

Năm 1988, ông Nguyễn Văn Linh, khi đó là Tổng Bí thư, một trong những vị lãnh đạo nổi tiếng dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới về thăm Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nhắc đến ông Kim Ngọc cũng nói: Công lao của anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”.

20 năm sau khoán hộ của ông Kim Ngọc, năm 1988, nghị quyết về khoán hộ của Bộ Chính trị chính thức được ban hành (được gọi tắt là khoán 10). Nghị quyết này hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành đã âm thầm áp dụng khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Năm 1990, có nghĩa chỉ sau 2 năm áp dụng Nghị quyết 10, đã có sự thay đổi kỳ diệu trong nông nghiệp. Lần đầu tiên ta đã không phải nhập khẩu lương thực để cứu đói. Một năm sau, 1991, ta đã chủ động xuất khẩu được gạo và đến nay là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo với việc năm 2005 xuất khẩu tới 4 triệu tấn gạo. Trên tất cả các cánh đồng hiện nay, đều áp dụng cách khoán mà 40 năm trước ông Ngọc đã từng áp dụng.

Tôi đứng trước mộ ông, trên ngọn đồi cao và suy ngẫm: Giá như không có sự dũng cảm của ông, không biết vận mệnh đất nước đến nay sẽ ra sao? Mục tiêu của CNXH là làm cho dân no ấm, nhưng trên thực tế dân chỉ có nghèo đói thì làm sao dân có thể tin vào những mục tiêu cao cả này được. Ông Kim Ngọc là con người đã biết đi trước thời gian!

Tôi không muốn nhắc lại việc ông đã từng phải làm bản kiểm điểm, nhưng tôi viết loạt bày này trước thềm Đại hội Đảng với mong muốn: Liệu Đảng có coi đây là một trong những bài học quý giá hay không? Và chúng ta có dám dũng cảm điểm lại những bài học trong lịch sử cách mạng mà chúng ta đã phải trả những giá vô cùng đắt vì sai lầm hay không?

Có dũng cảm như vậy, chúng ta mới dám thừa nhận và ủng hộ cái mới và tránh được những sai lầm chúng ta đã từng mắc phải trong quá khứ. Có như vậy thì Nghị quyết của Đảng sắp tới mới thực sự đi được vào lòng dân.

“Sức mạnh chính là lòng dân”

Mặc dù T.Ư cấm khoán hộ, nhưng cách làm này đã đi vào lòng dân, nên dù có bị cấm người dân vẫn cứ làm (vì vậy mà nó còn gọi là khoán chui). Nhiều chi bộ thôn, xã, huyện vẫn kiên quyết đi theo khoán mới bất chấp lệnh cấm của T.Ư.

Ông Tô nhớ lại: Một số địa phương như Hải Phòng đã bí mật về học tập khoán hộ và họ cũng áp dụng thành công cách khoán này. Khoán chui như có sức mạnh diệu kỳ, cứ thế âm thầm lan rộng ra ở nhiều địa phương miền Bắc. Điều đó mới thấy hết được sức mạnh chính là ở lòng dân. Nếu lòng dân không muốn thì có áp dụng bất cứ một biện pháp nào, đưa ra bất cứ một tư tưởng nào dân cũng sẽ không nghe. Còn khi dân đã thấy đúng thì dù có cấm dân vẫn cứ làm. Sự vĩ đại của nhân dân chính là ở chỗ đó. Họ chứ không phải ai khác đã tiếp bước ông Kim Ngọc, âm thầm làm khoán chui để đến năm 88, khi số phận đất nước đã “ngàn cân treo sợi tóc”, chính khoán chui đã tạo nên sức mạnh để VN thoát ra khỏi khủng hoảng...

Năm 1981, trước thực trạng nông dân ngày càng nghèo đói, sản lượng lương thực ngày càng sút giảm, nạn đói bắt đầu xảy ra trên diện rộng, T.Ư mới bắt đầu xem xét đến khoán hộ mà ông Kim Ngọc đã từng làm khi xưa. Sau đó Bộ Chính Trị đã ra chỉ thị 100 công nhận một phần khoán hộ. Theo ông Võ Chí Công, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách nông nghiệp lúc đó thì “Dù Chỉ thị 100 vẫn còn nhiều bất cập, nhưng đó là một thắng lợi rất to lớn của khoán hộ, bởi vì nó đã được công nhận”.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top