Mua bán bào thai

phongvientudo7786
Mi Lam
Phản hồi: 0

Mi Lam

Thành viên nổi tiếng
Theo đại biểu Quốc hội, thỏa thuận mua bán bào thai bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em, tuy nhiên việc xử lý khó khăn vì trong quy định của Bộ luật Hình sự chưa có.
Chiều 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Mua bán bào thai có phải mua bán người không?
Bà Nga cho biết một số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi "thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai" vào khái niệm mua bán người tại khoản 1 Điều 2 làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng này.
Theo bà, cũng có ý kiến băn khoăn thực tiễn hiện nay có tình trạng thỏa thuận mua bán bào thai trong bụng mẹ nhưng để nhằm nuôi dưỡng đứa trẻ sau khi sinh, trường hợp này có phải mua bán người hay không?
Mua bán bào thai - thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo (Ảnh: Phạm Thắng).
Về vấn đề này, bà Nga cho hay qua rà soát quy định của pháp luật liên quan, trong một số trường hợp quyền dân sự chỉ có thể được xác lập sau khi một người được sinh ra và còn sống. Theo y học, bào thai cũng chưa được xác định là con người.
"Khoản 1 Điều 2 của dự thảo luật quy định khái niệm về mua bán người, trong khi bào thai chưa được xác định là con người như trên đã phân tích nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp", bà Nga nói.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, những năm qua tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại.
Thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người, tức mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai. Việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh.
Do vậy, theo bà Nga, trước yêu cầu nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng chống mua bán người từ sớm, từ xa; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 2 Điều 3 dự thảo luật đã quy định hành vi nghiêm cấm "thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đồng tình với quy định này trong dự thảo luật.
Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho rằng mua bán bào thai là một thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người. Đối tượng phạm tội thường tìm đến những người phụ nữ, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa dụ dỗ ra nước ngoài để sinh con, bán để lấy tiền hoặc đổi bằng các hiện vật khác.
Theo nữ đại biểu, việc thỏa thuận này bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em. Tuy nhiên, việc xử lý khó khăn vì trong quy định của Bộ luật Hình sự chưa có.
Do vậy, đại biểu cho rằng để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em thì việc bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
"Quy định này sẽ góp phần trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của các công ước quốc tế về quyền trẻ em, đó là bảo vệ trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ", đại biểu nêu.
Vị đại biểu cũng đề nghị bổ sung khái niệm "bào thai" để quá trình triển khai áp dụng trong thực tiễn được thuận lợi.
Làm rõ khái niệm "bóc lột tình dục"
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, định nghĩa về mua bán người trong dự thảo luật đã khá chi tiết, tuy nhiên cụm từ "lợi ích vật chất khác" cần được làm rõ hơn để tránh mơ hồ trong thực thi.
Theo đại biểu, "lợi ích vật chất" có thể bao gồm không chỉ tiền hoặc tài sản mà còn các dịch vụ, quyền lợi hoặc ưu đãi từ phía bên thứ ba.
Mua bán bào thai - thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người - 2

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận (Ảnh: Phạm Thắng).
Về khái niệm "bóc lột tình dục" trong dự thảo luật, vị đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định xử lý hành vi lợi dụng nạn nhân để sản xuất các nội dung khiêu *** trực tuyến.
Theo đại biểu Bình, trong thời đại công nghệ số phát triển, tội phạm mua bán người có thể sử dụng các nền tảng trực tuyến để phát tán các nội dung khiêu *** mà không cần phải thông qua các phương thức truyền thống như sách, báo.
Về khái niệm cưỡng bức lao động, đại biểu Bình đề nghị xem xét, bổ sung thêm hình thức cưỡng bức lao động mới. Trong bối cảnh nền kinh tế số và các ngành công nghiệp hiện đại đang phát triển, các hành vi cưỡng bức trong công nghệ số như sử dụng người lao động để sản xuất nội dung số bất hợp pháp cũng cần được đưa vào trong khung luật này.
Nguồn: Dân Trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Thành viên mới đăng

Back
Top