Người phụ nữ giữ công thức mực "tàng hình", viết cả trăm mật thư thời chiến

Cindy Nguyễn
Cindy Nguyễn
Phản hồi: 0

Cindy Nguyễn

Thành viên nổi tiếng
Thành viên BQT
Tuổi trăng tròn, bà Nguyễn Thị Phương tham gia góp sức cho kháng chiến và trở thành người giữ công thức "mực tàng hình", viết hàng trăm mật thư giữa lòng địch.
1745805058311.png


Tại căn nhà nhỏ nằm khuất trong con hẻm trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TPHCM), bà Nguyễn Thị Phương - nay đã ngoài bảy mươi tuổi - cặm cụi viết từng nét chữ lên tờ giấy trắng cho phóng viên Dân trí xem. Điều kỳ lạ là chiếc bút lướt đi trên giấy nhưng không để lại một dấu vết hay vệt mực nào.
1745805336296.png

Những dòng chữ dần hiện ra sau khi được phủ "nước mở mực" (Ảnh: Mộc Khải).

Cho đến khi bà Phương dùng một cây cọ, thấm vào thứ mà bà gọi là "nước mở mực", rồi chậm rãi miết lên bề mặt giấy, từng dòng chữ dần hiện ra như một phép màu.
"Đây là cách tôi viết mật thư, phục vụ hoạt động cách mạng ngay giữa lòng Sài Gòn, dưới bom đạn, dưới họng súng, dưới áp lực sinh tử của cuộc chiến", bà Phương nói, mở đầu cho câu chuyện về một người đã sống, đã chiến đấu, giữ bí mật bằng chính ngòi bút vô hình.
Bí mật của những bức thư "tàng hình"
Bà Phương quê gốc Nam Định, sinh ra và lớn lên tại Campuchia, do gia đình đã sống ở đây nhiều năm. Giai đoạn 1965-1968, phong trào yêu nước rộ lên trong cộng đồng người Việt tại đây. Già trẻ, gái trai đều một lòng muốn trở về góp sức để thống nhất non sông.

Bà ngoại của bà Phương là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 6 người con thì hết 4 người hoạt động cách mạng, trong đó có 3 người hy sinh. Đó chính là tấm gương sáng để bà noi theo.
"Tôi lên đường trở về Việt Nam, mang trong tim lời dặn dò của gia đình là phải một lòng vì đất nước. Năm 1967, tôi được Quân khu Sài Gòn - Gia Định tiếp nhận", bà Phương kể.

Gia nhập quân ngũ, một trong những giây phút mà nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn không thể nào quên chính là những đêm khom lưng dưới hầm tránh pháo ngột ngạt, với ánh đèn dầu khi chớp khi tắt, bà cặm cụi viết những dòng mật thư mà chính bà cũng không thể nhìn thấy mặt chữ.

"Năm 1971, sau nhiều nhiệm vụ khác nhau, tôi về hoạt động ở Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định tại căn cứ Củ Chi. Nhiệm vụ của tôi là viết mật thư "tàng hình" để các đồng chí giao liên đưa các nghị quyết, chỉ đạo của Bộ chỉ huy đến các cơ sở trong nội đô. Mọi công tác diễn ra một cách bí mật, cẩn trọng", bà Phương nói.

Những bức mật thư được viết bằng một loại mực đặc biệt. Khi viết xong, tờ giấy vẫn trắng tinh, không tì vết. Chỉ khi người nhận dùng một loại dung dịch gọi là "nước mở mực" bôi lên, thì chữ mới hiện ra.

Để đảm bảo những lệnh mật có thể qua mắt các trạm gác, chốt khám xét của địch để đến tay các chiến sĩ biệt động, bà Phương phải cẩn thận từng chút một, viết chữ rõ nét, dễ đọc, không chồng lên nhau và không được để lại vết tì của ngòi bút.

Trước khi có loại mực "tàng hình" này, quân ta thường sử dụng nước cơm để viết mật thư. Tuy nhiên, phương pháp này dễ bị phát hiện, ảnh hưởng đến sự sống còn của giao liên, đồng thời có nguy cơ lộ kế hoạch tác chiến.

"Công việc của tôi kín kẽ, kể cả những người trong Bộ chỉ huy lúc bấy giờ cũng chỉ biết tôi nhập liệu, đánh máy chứ không biết tôi chính là người viết những bức thư mật "tàng hình" để các chiến sĩ giao liên làm nhiệm vụ", bà Phương bộc bạch.
Không phải là người sáng chế ra hai loại dung dịch "nước giấu mực" và "nước mở mực", nhưng bà Phương là một trong những người hiếm hoi được cấp trên bàn giao công thức chế tạo cả 2 loại nước này.

Có lúc, chính bà Phương tự mang những tấm mật thư giao đến các cơ sở. Viết mật thư "tàng hình", nhưng bà vẫn chú trọng chất liệu giấy để dễ dàng lọt qua mắt địch. Bà chọn viết trên bao đựng gạo, bao gói thuốc hay tờ giấy bọc bánh mì.

"Hiếm có ai biết được công thức của cả hai loại, đó là một trong những quy tắc để đảm bảo sự an toàn khi hoạt động trong chiến tranh. Điều này là để phòng khi người nắm giữ công thức bị bắt thì các phương thức hoạt động, bí mật quân sự cũng không bị lộ", bà Phương chia sẻ.
1745805427689.png

Hiện tại, hai loại nước đặc biệt là "vũ khí" của bà Phương dùng để viết mật thư "tàng hình" vẫn còn được lưu giữ ở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. Công thức chế tạo "nước giấu mực" và "nước mở mực" vẫn khắc sâu trong trí nhớ của bà Phương. Thỉnh thoảng, tại các buổi họp mặt, bà cũng "trình diễn" kỹ năng viết thư "tàng hình" cho mọi người xem.

Bà nói, công thức chế tạo ra hai thứ nước này không phải chỉ một mình bà biết. Song, có lẽ đã quen với sự lặng lẽ, kín đáo khi thực hiện các công tác mật của Biệt động Sài Gòn, nên bao năm qua, bà cũng như những đồng đội khác đều không hé lời về cách chế tạo "nước giấu mực" và "nước mở mực".

16 tuổi vác hàng chục ký vũ khí đi về mỗi ngày

Ở tuổi 73, bà Phương sống cùng chồng và con cháu ở căn nhà trong hẻm nhỏ đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận). Mỗi ngày, bà phụ giúp con cháu buôn bán. Với bà, đó là một cách giải khuây qua ngày tháng sau khi về hưu. Thỉnh thoảng, bà cũng dành thời gian họp mặt cùng bạn bè, đồng nghiệp cũ.

Là cô gái lớn lên ở thành thị, sống trong hòa bình nên khi trở về Việt Nam tham gia kháng chiến, bà Phương không lường hết sự khốc liệt của bom đạn, chiến tranh.

Nhìn về quá khứ, bà Phương cũng thấy ngạc nhiên với sức mạnh phi thường của bản thân. 16 tuổi, bà ốm nhom nhưng có thể vác mấy chục ký vũ khí đi đi về về trên con đường tối. "Sức mạnh đó chỉ có thể xuất phát từ sự quyết tâm giành lại hòa bình", bà Phương nói.
Những ngày tháng cận kề chiến dịch Mậu Thân 1968, khi bóng tối vừa ôm lấy con đường mòn, bà cùng các đồng đội lại lên đường mang vác đạn và vũ khí. Tốp chiến sĩ mới mười mấy tuổi vác trên vai hàng chục ký vũ khí, súng đạn, có lúc băng qua kênh rạch, đỉa đeo đầy chân. Có lần, họ bất ngờ bị trúng quả pháo của địch ném. Nhiều người chết tại chỗ, những người còn lại cũng đầy thương tích.

"Lúc bấy giờ, chúng tôi vẫn phải cố gắng bước qua xác đồng đội mà đi tiếp. Lòng đau như cắt, nhưng khi đó chúng tôi hiểu chiến trường cần vũ khí và chúng tôi không được dừng bước", bà Phương nhớ lại.

Đó cũng là một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà bà Nguyễn Thị Phương đảm nhận khi gia nhập quân đội, phục vụ kháng chiến chống Mỹ.

Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn cho biết, thời gian bà phục vụ kháng chiến không dài, nhưng đó lại là sợi dây với nhiều nút thắt. Chiến trường ác liệt, người thì ít nhưng việc lại nhiều, vì thế bà được thử sức nhiều nhiệm vụ.

Hết tải vũ khí bằng đường bộ, bà lại vận chuyển vũ khí công khai bằng xuồng theo các con sông, rồi làm giao liên, y tá. Mân mê bức ảnh hiếm hoi chụp cùng người đồng đội Nguyễn Thị Ánh (cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn có bí danh Tư Ánh) hồi năm ngoái, bà Phương nhớ lại kỷ niệm khó quên cùng đồng đội của mình.
1745805545427.png


Giai đoạn sau chiến dịch Mậu Thân 1968, căn cứ của Quân khu Sài Gòn - Gia Định dời về các tỉnh miền Tây. Lần đó, bà Phương cùng bà Tư Ánh lợi dụng việc được phép thông thương, đảm nhận nhiệm vụ vận tải vũ khí bằng xuồng hai đáy. Đáy xuồng được bố trí thêm một tầng để chứa vũ khí.

Có lần, tấp xuồng vào bờ mua xăng, bà Tư Ánh xách can lên bờ đong xăng, còn bà Phương ở dưới xuồng tranh thủ nấu cơm. Chẳng may, một chiếc bo bo (thuyền nhỏ gắn máy chạy với tốc độ cao) của lính kiểm tra lướt qua, làm sóng dồn dập khiến lò xô (bếp dầu hỏa) bị ngã, bùng cháy trên xuồng.

"Xuồng cháy không chỉ gây thiệt hại vũ khí của cách mạng mà còn có thể làm lộ con đường vận chuyển này. Trong khoảnh khắc "ngàn cân treo sợi tóc", tôi lập tức dùng tấm khăn nhúng nước để dập lửa, may mắn không gây thiệt hại gì, xem như qua được "ải" đó", bà Phương nói.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top