Nguy cơ bùng dịch kép tại Hà Nội: Não mô cầu xuất hiện, sởi chưa hạ nhiệt!

N
Nhật Ánh
Phản hồi: 1

Nhật Ánh

Thành viên tích cực
Hà Nội ghi nhận ca bệnh não mô cầu đầu tiên trong năm: Trẻ 3 tháng tuổi nhiễm bệnh, sởi tiếp tục tăng mạnh ở trẻ lớn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần từ 4–11/4, thành phố đã ghi nhận ca bệnh não mô cầu đầu tiên trong năm 2025. Bệnh nhân là một bé trai 3 tháng tuổi, sinh sống tại phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Trẻ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu bất thường từ ngày 29/3 như sốt cao, quấy khóc, bú kém. Đến ngày 30/3, gia đình đã đưa bé tới Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy xác định dương tính với vi khuẩn Neisseria meningitidis – tác nhân gây viêm màng não mô cầu. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.

1744544534-img-1737-8470-7153-width645height430.jpeg
(Ảnh: Báo 24h)


Theo các chuyên gia y tế, viêm màng não do não mô cầu là một trong 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất tại Việt Nam. Bệnh có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong từ 10–15% và khoảng 20% bệnh nhân có thể để lại di chứng vĩnh viễn. Biểu hiện thường khởi phát đột ngột, bao gồm sốt cao, đau đầu, cổ cứng, buồn nôn, tiêu chảy… Với trẻ nhỏ, có thể thấy dấu hiệu bỏ bú, ngủ li bì, phát ban. CDC khuyến cáo người dân nên tiêm chủng đầy đủ và duy trì vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang tại nơi đông người để phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Dịch sởi vẫn chưa hạ nhiệt, số ca mắc tăng ở trẻ lớn chưa tiêm đầy đủ

Cũng trong tuần, Hà Nội ghi nhận thêm 212 ca mắc sởi tại 30 quận, huyện, tăng 9 ca so với tuần trước. CDC nhận định, dịch sởi hiện chưa có dấu hiệu chững lại, thậm chí có xu hướng tăng ở nhóm trẻ trên 6 tuổi – chủ yếu là những trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ.

Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 1.665 trường hợp mắc sởi, xuất hiện ở toàn bộ 30 quận, huyện, trong đó có 1 ca tử vong. Tỷ lệ phân bố theo nhóm tuổi cho thấy dịch không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ: 12,1% ca mắc ở trẻ dưới 6 tháng tuổi; 15,2% ở nhóm 6–8 tháng; 22,1% ở trẻ 1–5 tuổi và 26,6% ở trẻ trên 10 tuổi. Số ca mắc năm nay tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2024.

Tình hình sởi không chỉ căng thẳng ở Hà Nội mà còn lan rộng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước kể từ cuối năm 2024. Trước thực tế đó, ngành y tế Thủ đô đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – ông Vũ Cao Cương – cho biết, các bệnh viện đã được yêu cầu đảm bảo nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay, tổ chức sàng lọc sớm người có triệu chứng hô hấp và thực hiện cách ly khi cần thiết. Đặc biệt, các đơn vị y tế phải tăng cường vệ sinh khử khuẩn bề mặt, theo dõi sát diễn tiến của người bệnh, đồng thời đẩy mạnh truyền thông và tư vấn tiêm chủng cho người dân.

Các chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh rằng vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Cha mẹ cần chủ động đưa con đi tiêm đúng lịch và đủ liều. Khi chăm sóc trẻ, cần giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang nơi đông người, đảm bảo dinh dưỡng và giữ ấm cho trẻ. Trong môi trường học đường – nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học – cần tăng cường khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ học tập và không gian sinh hoạt. Nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ như sốt, ho, phát ban... cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm. Một số dịch bệnh khác có dấu hiệu giảm nhẹ.

Dù dịch sởi và bệnh não mô cầu đang diễn biến phức tạp, một số bệnh truyền nhiễm khác lại ghi nhận xu hướng giảm. Trong tuần, Hà Nội có 191 ca mắc tay chân miệng – giảm 12 ca so với tuần trước, nhưng vẫn tăng 391 ca so với cùng kỳ năm ngoái (tổng 976 ca từ đầu năm). Sốt xuất huyết chỉ ghi nhận 2 ca mắc mới, giảm 4 ca so với tuần trước, nâng tổng số ca từ đầu năm lên 207 – thấp hơn năm 2024. Ngoài ra, có 4 ca uốn ván người lớn mới được ghi nhận tại Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Mê Linh và Quốc Oai – nâng tổng số lên 9 ca trong năm, tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, CDC Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Tiêm chủng đầy đủ, nhất là đối với trẻ nhỏ, vẫn là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất để phòng ngừa nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.


Nguồn tin: 24h.vn.
 
Sửa lần cuối:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top