Nhà văn cô đơn nhưng nội tâm nhạy cảm và phong phú

nganguien
Tác Phẩm Kinh Điển
Phản hồi: 0
Cuốn tiểu thuyết "Phế Đô"—tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Giả Bình Ao hiện nay lại được bán ở hiệu sách, bìa của cuốn tiểu thuyết được tái bản này có màu hồng đến chói mắt, không giống một tác phẩm nghiêm túc, mà giống như tác phẩm của những tác giả mới ra mắt công chúng nhằm thu hút sức mua của độc giả. Cuộc sống của Giả Bình Ao giống như sự từng trải của cuốn sách này, lúc mới ra mắt công chúng đã thu hút nhiều chú ý, rồi gây nên tranh luận xôn xao, rồi dần dần trở lại yên tĩnh. Nhà văn nổi tiếng Giả Bình Ao ra đời tại nông thôn tỉnh Thiểm Tây, cảm nhận và ghi lại sự phiền muộn của nông dân và trí thức, thể hiện cuộc sống của họ trước độc giả.
1730643414092.png

Nhà văn Giả Bình Ao vóc người tầm thước, đến nay ông vẫn giữ giọng nói đậm chất miền tây bắc Trung Quốc. Ông thích yên tĩnh, đến những chỗ đông người thì thường bị căng thẳng, trước kia khi dự họp, ông thường không biết phải nói như thế nào. Ông từng đi làm ở nông thôn trong nhiều năm, lúc đó là thập niên 60, 70 thế kỷ 20, thanh niên trí thức ở thành phố đi nông thôn rèn luyện. Ông Giả Bình Ao lúc đó không có cơ hội gia nhập quân đội, không được làm ở nhà máy, cũng không được làm giáo viên như cha mình, ông trở nên nhút nhát, nhưng nội tâm nhạy cảm và phong phú. Ông nói:

"Tôi là một người nhút nhát, tốt bụng, tôi không mạnh dạn trước thế giới bên ngoài, từ thuở nhỏ tôi đã như thế, thuở nhỏ tôi không thích hát, thể thao cũng không giỏi, người thấp, lúc chơi bóng rổ, bạn thậm chí không truyền bóng cho tôi. Năm 13 tuổi, gia đình tôi xẩy ra biến cố, sức khỏe tôi vốn không tốt, tính rất nhạy cảm, không phải là "Típ" người nhiệt tình, hăng hái, là người hướng nội, ít nói, không thích ra ngoài chơi. Típ người này có nội tâm phong phú, người không quen cứ tưởng là người đần độn, thực ra rất nhạy cảm, cảm nhận được nhiều thứ, giống như người khiếm thị thường có thính giác rất tốt."

Nhà văn Giả Bình Ao tên thật là Giả Lý Bình, có nghĩa mong được sống yên ổn, người miền tây bắc Trung Quốc thường gọi trẻ con là "Oa", hàng xóm đều gọi ông là Giả Bình Oa, đến khi bắt đầu sáng tác văn học, ông tự quyết định đổi tên thành Giả Bình Ao, hai chữ "Oa" và "Ao" trong tiếng Hán là hai chữ đồng âm, ông cho rằng, "Tuy chỉ đổi chữ, không đổi âm đọc, nhưng ý nghĩa có sự khác biệt rất lớn như trời với đất". Năm 18 tuổi, khi xây dựng hồ chứa nước ở quê hương, Giả Bình Ao bắt đầu sáng tác văn học, ông không làm được công việc nặng nhọc, nhưng khả năng viết biểu ngữ, biên tập báo nhỏ lại được nông dân đánh giá cao. Năm 20 tuổi, ông được cử vào trường Đại học Tây Bắc học tập, năm sau, ông đã đăng một bài tiểu thuyết và một bài tản văn, được giới nghiên cứu công nhận là tác phẩm đầu tay của ông. Năm 1978, truyện ngắn "Mãn Nguyệt Nhi" (Trăng tròn) được trao giải thưởng truyện ngắn hay toàn quốc Trung Quốc, từ đó Giả Bình Ao trở nên nổi tiếng.
Nhà văn tỉnh Thiểm Tây Trương Mẫn từng viết về Giả Bình Ao như sau: "Lúc đó ông hoàn toàn không như ngày nay, là một biên tập cho các nhà văn, ở một gian phòng nhỏ chỉ có 6 mét vuông, hút thuốc lá chất lượng kém với gía một bao thuốc lá chỉ mất hơn 1 hào". Buổi sáng chủ nhật, Giả Bình Ao cùng bạn trải giấy trên bàn vuông bên cạnh giường, sau 7-8 tiếng đồng hồ thì viết đến phần cuối tiểu thuyết, đọc những đoạn mình cho là hay, rồi lấy nước sôi để nguội thay rượu chúc mừng nhau.

Đầu thập niên 80, Giả Bình Ao đã là nhà văn có khá nhiều tác phẩm, thường đăng tiểu thuyết và tản văn trên báo, viết về đời sống tốt đẹp, cũng viết về thói xấu con người, những bối rối của bản thân, cũng như phong cảnh, phong tục và vận mệnh của con người ở quê hương. Nhân vật trong tác phẩm của ông thường lấy nguyên mẫu trong đời sống. Hầu như từ lúc bắt đầu sáng tác văn học, Giả Bình Ao đã bị phê bình, có người phê bình ông làm xấu quê hương, có người phê bình ông làm trái với giá trị và chức năng của văn học... Ông cũng gặp nhiều trắc trở, ông thường nằm viện vì ốm đau, mẹ ông phải phẫu thuật, người cha qua đời vì ốm nặng, ông còn bị nhiều vụ kiện, ông cứ than thở "Các thứ mà tôi giành được sau mấy chục năm nỗ lực phấn đấu đều bị đổ vỡ, chỉ còn lại đau đớn về thể xác lẫn tinh thần và 3 chữ của tên gọi, hơn nữa tên lại thường bị người ta viết, gọi và chửi." Ông nói:

"Lúc học đại học, tôi từng bị một cơn ốm nặng, đến năm hơn 30 tuổi, tôi thường bị ốm, rồi không có thời gian nào là khoẻ mạnh, hiện nay đã coi là khá. Thể chất của tôi không mạnh khỏe, nếu bị mệt, thì cái gì cũng không làm được, tôi không thích ra ngoài, không thích du lịch. Theo tôi, ốm đau cũng là một phương thức cảm nhận đời sống và nhân sinh, sau khi bị ốm, góc độ nhìn nhận thế giới đã khác hẳn, nhất là vào lúc rất đau đớn, tôi cảm thấy mọi thứ đều thay đổi, tôi có thể nhìn thấy mặt khác của sự vật."

Khi viết văn, Giả Bình Ao có một thói quen, thích gian phòng không có cửa sổ, nếu có màn cửa sổ thì che kín, như vậy "mới cảm thấy yên tĩnh trong lòng". Khi nằm viện, ông thường nằm lỳ trên giường vài tiếng đồng hồ, ông cũng thích suy nghĩ vơ vẩn, trong thời gian nằm viện ông đã viết một số tác phẩm, trong đó, tập truyện ngắn "Trên núi Thái Bạch Sơn" kể về những câu chuyện ly kỳ xẩy ra tại núi Thái Bạch Sơn, ngọn núi chính của dãy núi Tần Lĩnh.

Nhà văn Giả Bình Ao nói, cái đẹp với cái xấu, tình thương với tàn bạo được để ở một chỗ, luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho người ta, vì có sự khác biệt quá lớn. Nội tâm của ông thực ra cũng có sự khác biệt to lớn so với bề ngoài, ông hay chống đối, sôi động, thích thực hiện đột phá, không hài lòng với tác phẩm đã viết.

Cuốn tiểu thuyết dài "Phế Đô" do ông viết, xuất bản vào năm 1993 đã thể hiện nguyện vọng tìm kiếm đột phá của ông. Cuốn tiểu thuyết này do miêu tả chi tiết các cuộc tình và những ô vuông bỏ trống thay cho những chữ đã xóa bỏ được độc giả hết sức quan tâm, thậm chí trong mười mấy năm sau, cuốn tiểu thuyết này vẫn là tác phẩm bị ăn cắp bản quyền nhiều nhất, cũng vì khắc hoạ nhân vật Trang Chi Điệp chơi bời phóng đãng, tiểu thuyết này từng một dạo bị trí thức phê bình mãnh liệt. Ông Giả Bình Ao nói:

"Lúc 20-30 tuổi, tôi rất thích viết, thấy gì cũng sẵn sàng viết, có cảm thụ. Hiện nay tôi đã hơn 50 tuổi, nhìn lại ngày trước, nếu một lần nữa gặp lại những chuyện lúc 20 tuổi, có khi cũng có ý nghĩ sáng tác, nhưng nghĩ một lúc thì cảm thấy không có hứng thú, không muốn viết nữa. Lúc 30 tuổi là hoàn toàn không kiêng kỵ gì hết. Tại sao tôi viết tiểu thuyết luôn gây tranh cãi, từ lúc bắt đầu viết đã bị phê bình, từ loại bỏ ô nhiễm tinh thần, phản đối tự do hoá tinh thần đến cuốn tiểu thuyết 'Phế Đô', tôi luôn bị phê bình, khi viết tôi hoàn toàn không quan tâm tới phê bình của người ta, tôi chỉ muốn viết ra những thứ mình nghĩ. 'Phế Đô' cũng là thế, một số nội dung đã bị hiểu lầm, nếu lúc viết đã bị hạn chế, thì không thể viết ra được, nhà xuất bản muốn bỏ chữ như thế nào thì cứ theo ý của họ."

Nhà văn Giả Bình Ao luôn cho rằng mình là nông dân, tác phẩm sau đó của ông đa số viết về nông dân, nông thôn và quê hương, bao gồm cuốn tiểu thuyết "Cao Hưng" được cải biên thành phim truyền hình và cuốn tiểu thuyết "Tần Xoang" được trao Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn, ông đã thể hiện đầy đủ năng khiếu vận dụng văn tự và kể chuyện, dùng ngôn ngữ vụn vặt kể về cuộc sống bình thường nhất, cũng thể hiện tình cảm mâu thuẫn giữa nguyện vọng vừa muốn gần gũi vừa muốn xa rời quê hương.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top