Nói thật, nếu ai thấy mình trong 4 kiểu người cha này cần sửa đổi ngay

vnrcraw2
Trương Cẩm Tú
Phản hồi: 3
Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng yếu đuối hay tự ti. Nhưng cách nuôi dạy của cha có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và tương lai của con.
1748057834670.png

Có những người cha cư xử nhẹ nhàng, biết lắng nghe, và con cái họ vì thế mà trưởng thành tự tin, độc lập. Nhưng cũng có những người cha tưởng như đang làm điều tốt cho con, nhưng thực tế lại vô tình gây tổn thương tâm lý, khiến con ngày càng khép kín, lo lắng và thiếu cảm giác an toàn.

Dưới đây là 4 kiểu người cha thường khiến con rơi vào trạng thái như vậy:

1. Người cha thích kiểm soát

Kiểu cha này luôn muốn con cái làm mọi việc theo ý mình. Trẻ không được lựa chọn, không được nói "không", và lớn lên với suy nghĩ duy nhất: "Con phải nghe lời cha".

Khi con nói muốn học vẽ, ông hỏi: "Học vẽ kiếm được tiền không?", rồi lập tức chuyển con sang lớp học Toán nâng cao. Con muốn chơi cát thì ông quát: "Bẩn lắm, không được!". Từ sở thích cá nhân, chọn ngành học đến bạn bè, tất cả đều phải qua sự đồng ý của cha.

Ông thường nói: "Ta làm vậy là vì tốt cho con", nhưng với đứa trẻ, đó chỉ là lời khẳng định rằng: "Cha chưa từng tôn trọng con".

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường này có thể rất ngoan lúc nhỏ, nhưng càng lớn càng thiếu độc lập, dễ sợ hãi, lo lắng, không dám đưa ra quyết định. Khi trưởng thành, dù chỉ mua một món đồ cũng phải hỏi người khác: “Cái này có ổn không?” – vì chúng đã quen sống trong sự kiểm soát và không có quyền lựa chọn.

Một đứa trẻ bị kiểm soát nhiều sẽ khó phát triển sự tự tin và bản lĩnh. Nếu trong gia đình có người cha như vậy, người mẹ nên chủ động tạo cơ hội cho con đưa ra lựa chọn, dù là việc nhỏ nhất, để trẻ có cảm giác mình được làm chủ và có tiếng nói.

2. Người cha hay mỉa mai, hạ thấp con

Kiểu người cha này dùng lời nói như dao, có thể lạnh lùng hoặc sắc bén nhưng đều khiến con cảm thấy bị xúc phạm.

Một lỗi nhỏ của con cũng bị coi là "tội lớn":

– “Chuyện cỏn con mà cũng không làm được!”

– “Đầu óc để chứa nước à?”

– “Nhìn con người ta rồi nhìn lại mày!”

Trước mặt người ngoài, ông có thể rất thành công, sắc sảo; nhưng khi về nhà, ông lại là người thường xuyên công kích con cái bằng những lời lẽ nặng nề. Khi con được 95 điểm, thay vì khen ngợi, ông hỏi: “5 điểm còn lại đâu rồi?”

Sự chỉ trích kéo dài khiến trẻ hình thành cảm giác bản thân không bao giờ đủ tốt. Dù người khác có khen, chúng vẫn không tin vào năng lực bản thân.

Lớn lên trong môi trường đầy phủ định như vậy, trẻ dễ tự ti, sợ bị đánh giá, sợ mắc lỗi và thường xuyên nói "xin lỗi" vì không tin mình làm đúng.

Nếu bạn là người mẹ, hãy là người cân bằng lại. Khen con khi con làm tốt, khích lệ ngay cả khi con chỉ tiến bộ một chút. Sự tự tin không tự nhiên mà có, nó được nuôi dưỡng từ những lần được khẳng định: "Con làm được."

3. Người cha “vắng mặt”

Có những người cha nói rằng: "Tôi đi làm là vì gia đình", nhưng trên thực tế, "gia đình" của họ không bao gồm con cái mà chỉ có công việc, điện thoại, bạn bè và những cuộc gặp gỡ.

Khi con muốn kể chuyện ở trường, ông chỉ trả lời cho có rồi lại cúi xuống màn hình điện thoại. Khi con rủ chơi cùng, ông từ chối: “Đi tìm mẹ con đi.”

Dù có thời gian, ông vẫn chọn dành cho các mối quan hệ xã hội hơn là dành cho con.

Nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của người cha có ảnh hưởng lớn đến cảm giác an toàn, lòng tự trọng và khả năng giao tiếp xã hội của trẻ. Người cha càng dành thời gian cho con, con càng tự tin. Ngược lại, cha càng thờ ơ, con càng nhút nhát, dễ tổn thương.

Nếu chồng bạn là một “ông bố vắng mặt”, hãy khuyến khích anh ấy hiện diện từ những điều nhỏ nhất: ăn tối cùng con, đi dạo, lắng nghe những câu chuyện vặt vãnh của con – chỉ cần thực sự lắng nghe và phản hồi, đứa trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu.

4. Người cha dùng bạo lực

Bạo lực không chỉ là đòn roi mà còn là la hét, đe dọa và xúc phạm bằng lời nói:

– “Còn nói nữa là ăn đòn đấy!”

– “Khóc cái gì mà khóc?”

– “Không nghe lời thì liệu hồn!”

Một số ông bố dễ nổi nóng, đánh con rồi lại xem điện thoại như chưa có chuyện gì. Họ nghĩ con sẽ nhanh quên, nhưng thực tế, những lời cay nghiệt ấy có thể ám ảnh con suốt đời.

Trẻ lớn lên trong môi trường bị bạo hành thường nhút nhát, phản ứng thái quá, dễ tổn thương, luôn cố gắng làm vừa lòng người khác vì sợ bị trách mắng. Khi ở giữa đám đông, các em thường im lặng vì “sợ nói sai sẽ bị mắng”.

Nguy hiểm hơn, những đứa trẻ bị bạo hành dễ trở thành người bạo lực hoặc yếu đuối khi lớn lên – tái hiện đúng hình ảnh của người cha mà chúng từng sợ hãi.

Nếu bạn nhận ra mình đang rơi vào một trong bốn kiểu cha trên, đừng vội trách móc bản thân hay cha mẹ mình. Hãy bắt đầu thay đổi từ hôm nay bằng một câu hỏi: “Mình có muốn con lớn lên giống mình bây giờ không?”

Nếu không, hãy cùng con xây dựng lại mọi thứ. Một đứa trẻ như một cái cây non – không chỉ cần nước, mà còn cần ánh sáng, sự chăm sóc và tình yêu ấm áp từ người cha. Tình yêu đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự hiện diện và đồng hành thật lòng.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top