Phát bắn B40 mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc của người viết huyết thư xin nhập ngũ

maimaipress
Minh Phương
Phản hồi: 1

Minh Phương

Thành viên nổi tiếng
Khi viết huyết thư xin nhập ngũ, ông Nguyễn Đức Thọ không thể ngờ sau này mình lại trở thành chiến sĩ đặc công nước, bắn phát B40 đầu tiên của một trong những trận đánh cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”, đây là bài viết về chiến sĩ đặc công nước Nguyễn Đức Thọ, người từng viết huyết thư xin nhập ngũ.
Từ bức thư viết bằng máu xin nhập ngũ...

Những ngày tháng Tư hàng năm, kỷ niệm một thời binh lửa lại ùa về trong tâm trí ông Nguyễn Đức Thọ (SN 1955, quê Thanh Hóa). Đó là ký ức về ngày nhập ngũ rồi trở thành chiến sĩ đặc công nước, tham gia trận đánh quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Năm nay, những ký ức này trở về mạnh mẽ hơn bao giờ...

Ông Thọ sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông phục vụ trong quân đội từ năm 1946 và là chiến sĩ Điện Biên. Còn mẹ ông công tác trong ban chấp hành phụ nữ xã, là thanh niên xung phong.

Khi còn nhỏ, cậu bé Thọ sớm gia nhập đội Thiếu niên tiền phong, làm chủ nhiệm hợp tác xã măng non.

1744945203486.png

Cựu chiến sĩ đặc công nước Nguyễn Đức Thọ. Ảnh: Hà Nguyễn

Hằng ngày, ngoài giờ học, Thọ và các bạn tham gia các hoạt động thời vụ do hợp tác xã huy động. Đến tối, hợp tác xã măng non lại phát loa thông tin những tin mới nhất về chiến thắng của quân dân ta ở chiến trường miền Nam...

Năm 1972, ông Thọ liên tục nghe được tin chiến trận trên chiến trường miền Nam. Ông hiểu rằng chiến thắng càng lớn thì nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm, con người cho chiến trường càng cao. Nghĩ mình cần góp sức vào thắng lợi chung theo khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ông quyết định viết một lá thư bằng máu xin tình nguyện nhập ngũ.

Ông Thọ nhớ lại: “Thời điểm ấy, là thanh niên ai cũng hừng hực khí thế, muốn lên đường nhập ngũ đánh giặc, thống nhất đất nước. Tôi cũng trong không khí, mong ước ấy.

Để thể hiện sự tha thiết nhập ngũ của mình, tôi viết đơn tình nguyện bằng máu. Hôm tổng kết đợt tập huấn dài, tôi đưa bức huyết thư cho cô bạn học tên Nghĩa xem. Thấy đơn được viết bằng máu, Nghĩa bất ngờ đến choáng váng. Sau khi tôi giải thích, cô hiểu và đồng tình.

Ngay sau buổi tổng kết, tôi là người đầu tiên gửi lá đơn, ghi tên mình vào sổ tình nguyện nhập ngũ”.

Được tuyển vào bộ đội đặc công nước, ông Thọ tham gia khóa huấn luyện đặc biệt do hải quân tổ chức trong một năm tại vùng biển đảo Cát Hải, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Năm 1974, đơn vị của ông được lệnh hành quân theo đường Trường Sơn, vào Bộ Tổng tham mưu Trung ương Cục miền Nam tại căn cứ địa Tây Ninh. Từ đây, ông được phân công về đơn vị Z23 thuộc Lữ đoàn đặc công biệt động 316.

Đơn vị Z23 đóng chốt ở vùng Bình Trưng Tây, bên cạnh căn cứ của địch ở cầu Rạch Chiếc. Địa hình ở đây đa phần lớn là sình lầy, dọc theo sông có những rặng dừa nước xanh um. Ban ngày, ông cùng đồng đội trú ẩn trong rặng dừa nước. Đêm xuống, ông bí mật bơi ra sông trinh sát, nắm tình hình địch.

“Để ngăn chặn bộ đội giải phóng hoạt động tại khu vực, địch rải chất độc, chất phát quang khiến cây cối trụi lá, không sống được. Suốt nhiều tháng liền, chúng tôi phải thay phiên nhau bơi, lặn dưới nước, bí mật vào thám thính Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam cộng hòa ở Bến Bạch Đằng (nay nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM - PV)” - ông Thọ nhớ lại.

...Đến phát B40 đầu tiên của chiến dịch lịch sử

Ngày 24/4/1975, đơn vị ông Thọ nghe cấp trên phổ biến phương án đánh Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam cộng hòa. Ông và đồng đội chuẩn bị súng đạn, tự gói thủ pháo, trang bị cá nhân. Ai cũng háo hức, trong tâm thế sẵn sàng xông trận.

Tuy nhiên, đến trưa 25/4/1975, đơn vị ông bất ngờ nhận lệnh hủy bỏ phương án trên. Thay vào đó, đơn vị tập trung toàn bộ lực lượng đánh chiếm, giữ cầu Rạch Chiếc để đón đại quân tiến vào Sài Gòn.

Ông Thọ kể: “Đây là con đường huyết mạch để tiến vào trung tâm thành phố. Vì vậy, chính quyền Sài Gòn tăng cường khoảng 2.000 quân cùng nhiều vũ khí hiện đại để giữ cầu.

Lực lượng giữ cầu gồm 1 tiểu đoàn bảo an hơn 400 tên được trang bị súng chống tăng, M79, cối 60 ly. Ở 2 đầu cầu có 4 lô cốt bằng bê tông cốt thép, dưới mé sông có 2 lô cốt bằng đất, gỗ, đá.

1744945297117.png

Các chiến sĩ Z23, Lữ đoàn 316 trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Hàng trước (từ trái qua): Nguyễn Đức Thọ, Đỗ Xuân Quang, Nguyễn Văn Hùng. Hàng sau: Lê Anh Nguyệt, Lê Văn Chính. Ảnh tư liệu

Vòng ngoài, địch tăng cường thêm nhiều công sự, dùng bao cát và thùng phi đổ đầy cát làm các ụ chống tăng, bố trí 4 khẩu đại liên cùng các loại vũ khí khác ken thành lưới lửa quanh trận địa.

Bên trong, địch xây dựng 2 dãy nhà 2 tầng lợp tôn cho sĩ quan và binh lính ở, trang bị ống nhòm bội số phóng đại và kính hồng ngoại để quan sát trong mọi thời điểm. Xung quanh căn cứ này có 5 lớp hàng rào kẽm gai kết hợp với bãi mìn, trang bị đèn pha cực mạnh, ban đêm rọi sáng như ban ngày. Ngoài ra còn có căn cứ giang thuyền 306, binh lính thường xuyên tuần tra và 2 tàu chiến nhỏ túc trực dưới chân cầu.

Ban đêm, máy bay trực thăng thay nhau soi đèn dọc theo xa lộ Biên Hòa và các vùng xung quanh Sài Gòn. Địch cũng sẵn sàng đánh sập cầu để ngăn quân ta tiến vào Sài Gòn.

Do đó, việc đánh chiếm, giữ cây cầu này là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của đơn vị ông Thọ, nhằm tạo bàn đạp cho cánh Đông quân ta.

1744945374527.png

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Thọ học tập tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 ở Long Thành (Đồng Nai). Năm 1982, ông được điều động về làm trợ lý Phòng Chính ủy của trường cho đến khi nghỉ chế độ mất sức lao động với tỷ lệ 61% vào cuối năm 1983. Ảnh: Hà Nguyễn

Tối 25/4/1975, đơn vị ông Thọ thống nhất chọn phương án đánh cường tập, dùng hỏa lực B40, B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ yếu của địch. Sau đó, toàn bộ lực lượng sẽ áp sát mục tiêu, dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào lô cốt, công sự của địch để nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa. Đồng thời, đơn vị triển khai đội hình đánh địch phản kích, giữ bằng được cầu.

Ông Thọ được giao nhiệm vụ bắn phát súng đầu tiên mở màn trận đánh.

Chiều 26/4/1975, ăn cơm xong, các chiến sĩ Z23 chuẩn bị sẵn sàng súng đạn, đến vị trí tập kết để tiếp cận mục tiêu. Khoảng 23h cùng ngày, đơn vị tiếp cận sát hàng rào căn cứ địch, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.

Tới 3h15 ngày 27/4/1975, ông Thọ nằm sát mé nước, nâng khẩu B40 nổ phát súng đầu tiên. Tuy nhiên, quả đạn này không trúng đích.

“Biết mình bắn trật, tôi đứng thẳng người dậy, lấy đường ngắm chuẩn rồi bóp cò. Đạn trúng mục tiêu, tháp canh đổ nghiêng một bên, khẩu đại liên của chúng bị tiêu diệt” - ông Thọ nhớ lại.

Sau phát súng B40 của ông Thọ, toàn lực lượng đặc công thuộc Lữ đoàn 316 đồng loạt tấn công vào lô cốt, công sự của địch. Trận đánh được chuẩn bị kỹ nên diễn ra thuận lợi. Trong vòng nửa giờ, đơn vị ông Thọ chiếm được cầu Rạch Chiếc. Địch không kịp phản ứng, bỏ chạy, một số bị quân ta bắt sống.

Sáng sớm cùng ngày, địch dồn quân hòng chiếm lại cầu. Địch dùng pháo tại nhiều căn cứ bắn liên tục vào trận địa cầu Rạch Chiếc. Chúng cũng đưa trực thăng, xe tăng từ trong nội thành ra phản kích dữ dội khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta thương vong.

Sau một ngày chiến đấu ác liệt, đơn vị của ông Thọ được lệnh rút lui để củng cố lực lượng. Tới đêm 29/4/1975, đơn vị được lệnh quay lại đánh chiếm cầu. Yêu cầu lần này là phải chiếm bằng được, không để địch làm sập cầu.

“Tới 5h sáng 30/4/1975, toàn đơn vị đồng loạt nổ súng.

Cuộc tiến công bất ngờ, ở khoảng cách quá gần khiến địch mất tinh thần, hoảng loạn tháo chạy. Từ dưới nước, chúng tôi vọt lên bám sát chân cầu, nổ súng quyết liệt, chiếm giữ được cầu.

Khoảng 7h, lực lượng đi đầu của Quân đoàn 2 ta đến cầu Rạch Chiếc. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Ai nấy đều mừng rỡ, hạnh phúc trong cuộc gặp gỡ đầy xúc động.

Sau đó ít phút, tôi và đồng đội được lệnh đến bảo vệ nhà máy nhiệt điện Thủ Đức. Đến khoảng 13h, nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, chúng tôi vui mừng khôn tả.

Chúng tôi nói với nhau trong nước mắt hạnh phúc rằng 'Đất nước thống nhất, anh em đồng đội không còn phải hy sinh nữa'”.

#50nămgiảiphóngMiềnNam

Nguồn: Vietnamnet
 
Đã 50 năm , kỷ niệm những trận chiến quần nhau với quân địch , giành giật từng lô cốt, từng góc chiến hào .. vẫn còn như mới diễn ra hôm qua . 11h15' ngày 30/4/1975 là thời khắc lịch sử chói lòa , tỏa sáng sức mạnh vô địch của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng . Tự hào chiến thắng , chúng ta lại tiếp tục tiến lên phía trước . Lập nên những đỉnh cao mới trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, hùng cường .
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

, 19/04/2025

Back
Top