Sáp nhập Kon Tum, Quảng Ngãi: cao nguyên có biển

Dân
Thành Dân
Phản hồi: 1

Thành Dân

Thành viên nổi tiếng
Dự kiến Quảng Ngãi sáp nhập với Kon Tum không chỉ tạo cơ hội tái cấu trúc hệ thống đô thị, mà còn là chiến lược giúp kết nối cao nguyên với duyên hải, rừng với biển, tiềm năng với thị trường theo hướng tối ưu nhất.

Theo Nghị quyết số 60 Hội nghị Trung ương 11, dự kiến tỉnh Kon Tum sáp nhập với tỉnh Quảng Ngãi và lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi; trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Nhân đôi lợi thế

Kon Tum có diện tích gần 10.000 km2, phần lớn là đồi núi và có thế mạnh nông, lâm nghiệp. Năm 2024, tổng thu ngân sách của địa phương khoảng 4.425 tỷ, quy mô nền kinh tế ước đạt 41.000 tỷ đồng.

Tỉnh này là cửa ngõ phía Bắc của vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược nằm gần ngã ba Đông Dương (cửa khẩu quốc tế Bờ Y) nhưng từ lâu được biết đến như một “ốc đảo trên núi”.

Không sân bay, không đường sắt, không giáp biển và giao thương hoàn toàn phụ thuộc vào đường bộ. Sự “thiếu hụt” hạ tầng giao thông khiến Kon Tum gặp khó trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa.
1744934720815.png

Thị trấn Măng Đen, địa điểm du lịch nổi tiếng của Kon Tum với rừng nguyên sinh, hồ, thác nước, khí hậu mát mẻ. Ảnh: Anh Lực

Trong khi đó, tỉnh liền kề - Quảng Ngãi rộng hơn 5.000 km2, dân số 1,5 triệu người. Địa phương này sở hữu cảng biển nước sâu Dung Quất, hệ thống khu công nghiệp phát triển, cùng nhiều tuyến đường lớn như quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam, đường sắt… nên có năng lực tiếp nhận và xuất khẩu hàng hóa mạnh.

Quảng Ngãi cũng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và luôn thuộc top đầu cả nước về thu ngân sách, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đến đầu tư, tạo nhiều việc làm. Năm 2024, Quảng Ngãi thu ngân sách gần 30.200 tỷ đồng, quy mô nền kinh tế gần 133.000 tỷ.
1744934735805.png

Thành phố Quảng Ngãi, nơi dự kiến đặt trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi sau hợp nhất. Ảnh: Hà Nam

Khi hai địa phương này “về chung một nhà” sẽ tạo thành cấu trúc phát triển hoàn toàn mới, bổ sung lợi thế cho nhau. Nơi những gì Kon Tum thiếu lại chính là thế mạnh của Quảng Ngãi và ngược lại.

Diện tích của tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ lên tới 14.832 km² (xếp thứ 6/34 tỉnh, thành) và có cả biển, rừng, đường cao tốc, cảng nước sâu, nông nghiệp, công nghiệp lẫn du lịch…

Đồng thời, tỉnh mới sẽ sở hữu vị trí đặc biệt khi vừa giáp biển Đông, vừa tiếp giáp với Lào và Campuchia. Điều này tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, giao thương quốc tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Về lâu dài, Quảng Ngãi có thể nâng tầm vị thế thành trung tâm liên kết vùng Tây Nguyên - Duyên hải - Tam giác phát triển Việt - Lào - Campuchia.

Mở rộng không gian phát triển

Việc nhập 2 tỉnh còn giúp xây dựng chuỗi giá trị liên kết từ vùng nguyên liệu ở Kon Tum (nông sản, dược liệu, gỗ rừng trồng) - đến nhà máy chế biến ở Quảng Ngãi - ra cảng Dung Quất - xuất khẩu, mà không cần qua trung chuyển, giúp giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh.

Đồng thời, cư dân Kon Tum sống gần Quảng Ngãi cũng tiếp cận dễ hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và hạ tầng hiện đại từ phía TP Quảng Ngãi.
1744934767309.png

Cảng biển nước sâu Dung Quất là cảng biển quốc gia loại 1, với diện tích hơn 1.000 ha và độ sâu 21m. Ảnh: Nguyễn Linh

Về du lịch, việc kết nối Măng Đen, nơi được mệnh danh “Đà Lạt thứ hai” với đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khê, cảng Sa Kỳ… sẽ tạo nên sản phẩm du lịch “rừng - biển - đảo” hấp dẫn, đầy tiềm năng. Người dân bản địa cũng được hưởng lợi từ các dịch vụ liên kết.

Hiện, trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi cách Kon Tum khoảng 180 km. Quốc lộ 24 là đường bộ huyết mạch nối 2 địa phương. Tuyến đường dài 170km này đang được đề xuất nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao.
1744934787575.png

Quốc lộ 24 hiện là tuyến đường bộ quan trọng nhất nối Quảng Ngãi và Kon Tum. Ảnh: Hà Nam

Sắp tới, Bộ Xây dựng đầu tư dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, dài 136 km, tổng vốn hơn 35.000 tỷ đồng, triển khai trước năm 2030, sẽ rút ngắn khoảng cách Quảng Ngãi - Kon Tum.

Tuyến đường 4 làn xe, điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông thuộc thị xã Đức Phổ, đi qua huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) và hai huyện Kon Plông và Kon Rẫy (Kon Tum), kết thúc tại điểm giao với cao tốc Bắc - Nam phía Tây thuộc TP Kon Tum.

Khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ khắc phục điểm yếu về hạ tầng và hiện thực hóa hành lang kinh tế Bờ Y - Kon Tum - Măng Đen - Quảng Ngãi, kết nối tam giác biên giới Việt - Lào - Campuchia với cảng Dung Quất.

Đồng thời, tuyến cao tốc sẽ tạo “cú hích” kinh tế liên vùng, đóng vai trò “xương sống” trong thúc đẩy giao thương, phát triển công - nông nghiệp, du lịch và logistics giữa Tây Nguyên với miền Trung, góp phần đưa Măng Đen trở thành trung tâm du lịch sinh thái quốc gia.
Nguồn: Vietnamnet
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top