Văn học Việt Nam
Thành viên nổi tiếng

Làng Hùng Việt, nằm nép mình bên triền sông Hồng, từ bao đời nay sống nhờ vào nghề trồng lúa. Cánh đồng bát ngát như biển, mỗi mùa lúa chín lại rập rờn sóng lúa vàng. Người làng vẫn bảo nhau: “Sóng lúa như sóng đời, cứ theo nhịp đó mà sống, mà thương, mà nhẫn nại.”
Nằm trên đỉnh gò đất cao là chùa Kim Bảo, một ngôi chùa cổ kính. Dân làng phần lớn theo đạo Phật, sống hiền lành, thuận hậu. Tiếng chuông chùa mỗi buổi sáng ngân vang khắp cánh đồng, như nhịp thở thanh tịnh của cả làng. Người lớn dạy con cháu rằng: "Lúa nuôi thân, đạo nuôi tâm. Gặt được mùa cũng nhớ giữ lòng thiện lương."
Ông Lựu, bảy mươi tuổi, tóc bạc, lưng còng, từng làm trong hợp tác xã. Ông sống một mình trong căn nhà ngói cũ, vách tường treo ảnh bà Hoa - người vợ quá cố mất vì sốt rét khi còn trẻ. Ông có hai người con: một đứa vào Nam làm thuê, một đứa ở lại, lấy vợ, sinh được thăng cháu tên là Khang - niềm tự hào duy nhất của ông.
Khang học giỏi, theo học ngành nông nghiệp ở Hà Nội. Mỗi lần Khang về thăm nhà, ông Lựu lại dặn:
- Cháu học gì thì cũng phải nhớ gốc gác quê hương ruộng đồng, cố gắng học để về giúp bà con dân làng nhé! Cứ mùng một, ngày rằm, ông lại đi bộ lên chùa thắp hương cho hai bên nội ngoại và bà Hoa.
Ở đầu làng là nhà cô Tâm, tuổi ngoài bốn mươi, một mình nuôi con là ***** Tín, sau khi chồng cô bỏ đi biệt tích. Cô từng là người đẹp nhất xóm, có nét đẹp với vẻ trầm lặng. Cô bán buôn lặt vặt mỗi phiên chợ sớm trưa, tối về thắp hương Phật. Cô không trách đời, mà chỉ bảo:
- Gieo cái gì, gặt cái nấy. Mình sống thiện, đời sẽ trả mình phước.
Thăng Tín ngoan, ít nói, từng có ước mơ làm kỹ sư, nhưng vì nghèo, học xong lớp 12 đã đi phụ hồ ở thị xã. Mỗi lần về, Tín đều ghé chùa, thắp nén hương trước Phật đài.
Làng Hùng Việt giờ cũng thay da đổi thịt. Người sắm xe máy, nhà lợp tôn, đường bê tông chạy thẳng tới cánh đồng. Ở giữa cánh đồng lớn là nông trại của ông Sâm, người từng là nông dân tay lấm, giờ là "ông chủ ruộng hữu cơ".
Ông Sâm giỏi làm ăn nhưng cũng lắm người bàn ra tán vào. Có người bảo ông tính toán, thu gom đất của người túng thiếu, có người lại nể ông vì đã đưa lúa Hùng Việt ra thị trường được giá.
Một buổi chiều mùa mưa, trời u ám, gió từ sông lại thốc vào cánh đồng. Tin dữ truyền về: lũ thượng nguồn đổ xuống, nhanh lắm! Dân làng hối hả ra đồng. Ông Lựu vác cuốc, cô Tâm bỏ nồi cám lợn đang nấu dở, Tín cũng từ thị xã tức tốc chạy về. Nước dâng cuồn cuộn, đập phụ tràn, máy bơm ở trạm bơm không kịp chống đỡ.
Trong mưa gió tầm tã, ông Sâm lội bùn, chở máy bơm đến ruộng. Dân làng cùng nhau chất bao cát, đắp bờ, ngăn nước. Tiếng gọi nhau í ới giữa sóng nước. Có người lội ngang hông, tay cầm bó rơm, có người chở mẹ già trên xe cải tiến.
Đêm ấy, chùa Kim Bảo mở cửa đến khuya, tụng kinh cầu an. Ánh đèn soi rọi gương mặt lo âu của các cụ già ngồi lần chuỗi hạt. Cụ Ngạn điềm tĩnh nói:
- "Nước có thể cuốn đi mùa màng, nhưng không cuốn được lòng người nếu ta giữ vững đức."
Sáng hôm sau, nước bắt đầu rút. Những thửa ruộng ven làng còn nguyên, lúa chỉ nghiêng ngả như vừa trải qua một cơn bão lòng. Cả làng thở phào, nước mắt xen tiếng cười.
Ông Lựu ngồi trên bờ, nhìn cánh đồng trải nắng nhẹ, nói với Tín:
- Sóng lúa như sóng đời. Lúc rập rờn, lúc dữ dội, nhưng cứ vững gốc là vượt được cả thôi.
Vụ mùa năm đó, lúa vẫn được mùa. Dân làng vui mừng. Tín quyết định bỏ công việc phụ hồ, về nhà phụ giúp mẹ. Ông Sâm kêu gọi mọi người góp vốn minh bạch, chia đều lợi nhuận. Người người hồ hởi.
Khang tốt nghiệp loại giỏi, từ chối lời mời làm việc ở thành phố, xin về địa phương làm cán bộ khuyến nông. Ngày về, Khang ghé thắp hương ở chùa Kim Bảo, rồi đến bên ông nội:
- Cháu về rồi, ông ạ. Cháu sẽ giúp làng mình trồng lúa sạch, làm nông nghiệp tử tế.
Cuối vụ, cả làng tổ chức lễ dâng hương ở chùa Kim Bảo. Trẻ con mặc áo lam, người già tay lần tràng hạt. Tiếng chuông chùa vang vọng khắp cánh đồng. Làng Hùng Việt không chỉ được mùa, mà còn được lòng người.
Ông Lựu đứng ở bờ ruộng, mắt ngắm biển lúa mênh mông. Ông thì thầm như nói với bà Hoa:
- Mình ơi, sóng lúa năm nay yên rồi. Sóng đời cũng đang lặng, mát lành như lòng người sau những cơn mưa.
Nhà văn Trà Bình
Nguồn: Báo Phật giáo Việt Nam
Nguồn: Báo Phật giáo Việt Nam
Sửa lần cuối: