Vì sao tinh gọn bộ máy không đồng nghĩa tăng lương gấp đôi cho người ở lại?

L
Lãng Khách
Phản hồi: 0

Lãng Khách

Thành viên nổi tiếng
Chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm biên chế là một bước đi đúng đắn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Khi số lượng cán bộ, công chức, viên chức được cắt giảm, nhiều người cho rằng phần quỹ lương tiết kiệm được nên dùng để tăng mạnh thu nhập cho những người ở lại. Thậm chí, đây là một cơ sở để củng cố tin đồn tăng gấp đôi lương lan truyền gần đây. Tuy nhiên, cách suy nghĩ này rất thô sơ, một chiều.
1745146550809.png

Trước hết, cần khẳng định rằng việc giảm số lượng cán bộ không có nghĩa ngân sách sẽ lập tức “rảnh tay” để tăng lương cho những người ở lại một cách đột biến. Bởi lẽ, những người nghỉ việc theo diện tinh gọn bộ máy, đặc biệt là nghỉ theo chế độ chính sách, vẫn cần được đảm bảo đầy đủ các khoản hỗ trợ theo quy định như trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, chi trả bảo hiểm, và một số trường hợp được hưởng lương hưu sớm. Những khoản chi này có thể rất lớn nếu số lượng tinh giản nhiều và dồn vào một thời điểm. Vì vậy, số tiền "tiết kiệm được" từ việc giảm người thực chất vẫn phải dùng cho các chế độ đãi ngộ, chứ không phải lập tức trở thành phần dư thừa để phân bổ lại.

Hơn nữa, cần lưu ý việc tăng lương cần đi kèm với lộ trình cải cách tiền lương đã được Chính phủ tính toán kỹ lưỡng, dựa trên khả năng ngân sách, mức tăng trưởng kinh tế, cũng như mức độ công việc và trách nhiệm của từng vị trí. Không thể chỉ vì giảm được 10 người mà đem phần lương của 10 người đó chia cho những người còn lại. Cách nghĩ này mang tính chia đều đơn giản, không phản ánh đúng tính chất cải cách hành chính vốn hướng đến hiệu quả, chất lượng, chứ không đơn thuần là “ít người thì được nhiều tiền hơn”.

Việc tinh giản bộ máy không chỉ để giảm gánh nặng ngân sách, mà còn nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ tinh nhuệ, làm việc hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Do đó, tăng lương là cần thiết, nhưng phải dựa trên năng suất, chất lượng công việc và tuân thủ quy trình cải cách tổng thể. Việc tăng thu nhập nếu không có chuẩn mực rõ ràng dễ tạo ra sự so bì, mất công bằng giữa các đơn vị, lĩnh vực khác nhau trong bộ máy hành chính.
Tóm lại, tôi nghi tinh gọn bộ máy, giảm biên chế là một phần trong công cuộc đổi mới tổ chức hành chính nhà nước. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc lương phải tăng gấp đôi cho những người ở lại. Ngân sách tiết kiệm được vẫn còn nhiều trách nhiệm phải chi trả, đặc biệt là đảm bảo chính sách cho người nghỉ việc. Do vậy, cần nhìn nhận toàn diện, công bằng và bền vững để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công vụ, vừa duy trì sự ổn định trong hệ thống.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top