Vì sao Tổng thống Trump 'tức giận' với ông Putin và hứa hẹn 'rắc rối lớn' cho ông Zelensky?

H
Mimosa
Phản hồi: 2

Mimosa

Thành viên nổi tiếng
Ông Trump muốn ông Zelensky tại vị hay là định dồn nhà lãnh đạo Ukraine vào chân tường - báo Ukraine Strana bình luận.

Hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông tức giận với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì ông Putin từ chối làm việc và không muốn đàm phán với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Trump cũng đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga nếu các cuộc đàm phán hòa bình bị đổ vỡ do lỗi của Moscow.

Ngoài ra, ông Trump còn cảnh báo ông Zelensky về "những rắc rối lớn" nếu ông này từ chối ký kết thỏa thuận về tài nguyên khoáng sản.

1743435493044.png


Đây là lần đầu tiên trong những tuần gần đây ông Trump đưa ra những lời đe dọa như vậy. Trước đó, ông khá tích cực khi nói về cả ông Putin, ông Zelensky và triển vọng của tiến trình hòa bình. Do đó, sự thay đổi trong giọng điệu của ông Trump được nhiều người xem là một dấu hiệu nữa cho thấy những vấn đề ngày càng gia tăng trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine, một tiến trình do ông Trump khởi xướng.

Tuy nhiên, về tổng thể, tình thế không có nhiều thay đổi.

Ông Trump vẫn muốn đạt được lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt. Ông đã buộc chính quyền Ukraine phải tuân theo điều này và giờ đang cố gắng thuyết phục Nga bằng cách kết hợp giữa sức ép và ưu đãi: đe dọa siết chặt các biện pháp trừng phạt nếu Moscow từ chối thỏa thuận ngừng bắn và hứa sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Nga đồng ý.

Đồng thời, ông Trump cũng theo đuổi một mục tiêu quan trọng khác: thiết lập sự kiểm soát thực tế đối với quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh thông qua cái gọi là "thỏa thuận về tài nguyên".

Thỏa thuận này sẽ đảm bảo cho các công ty Mỹ quyền ưu tiên trong các dự án đầu tư, cũng như quyền hưởng lợi từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.

Vì ông Zelensky dường như không muốn ký kết thỏa thuận này theo các điều kiện mà ông Trump đưa ra, Tổng thống Mỹ đã cảnh báo ông về "những rắc rối lớn". Tuy nhiên, có thể ông Trump không chỉ dùng biện pháp cứng rắn mà còn có "cây gậy và củ cà rốt", bao gồm hỗ trợ tài chính hoặc chính trị để đổi lấy việc ký kết thỏa thuận. Nhưng nếu có thì những điều khoản này chưa được công khai.

Về phía Nga, lập trường vẫn không thay đổi: Moscow yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu nông sản của Nga để đổi lấy việc ngừng bắn trên biển. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để tiến tới thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn và dỡ bỏ thêm các lệnh trừng phạt khác (hoặc một phần trong số đó).

Ngoài ra, Kremlin còn đưa ra một số yêu cầu khác: đảm bảo Ukraine không gia nhập NATO, công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với các vùng lãnh thổ đã sáp nhập, và thay đổi chính sách nội bộ của Ukraine.

Hiện chưa rõ Nga sẽ phản ứng thế nào nếu các biện pháp trừng phạt không được dỡ bỏ và các yêu cầu khác không được đáp ứng: liệu Moscow sẽ đóng băng các cuộc đàm phán hay chấp nhận một lệnh ngừng bắn hoàn toàn với điều kiện có những nhượng bộ khác từ Mỹ.

Chính quyền Ukraine, như trước đây, vẫn hy vọng rằng Kremlin sẽ từ chối thỏa thuận ngừng bắn, và ông Trump, để trả đũa, sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga. Đồng thời, giới lãnh đạo ở Kiev cũng đang tìm cách "lách" trong vấn đề thỏa thuận về tài nguyên, sao cho không làm mất lòng Trump nhưng cũng không phải nhượng bộ quá nhiều cho các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, với lập trường hiện tại của Washington, có vẻ như lần này sẽ khó để Kiev có thể né tránh hoàn toàn.

Một nhiệm vụ quan trọng khác đối với ông Zelensky là đảm bảo được ông Trump cam kết duy trì ông tại vị sau khi chiến tranh kết thúc hoặc ít nhất là ngăn chặn Mỹ thúc đẩy sự thay đổi lãnh đạo ở Ukraine.

Đáng chú ý, sự tức giận mà ông Trump thể hiện hôm qua về việc ông Putin từ chối đàm phán với ông Zelensky đang được một số người thân cận với chính quyền Kiev coi là dấu hiệu cho thấy Washington muốn giữ ông Zelensky tại vị.

Tuy nhiên, cũng có một giả thuyết khác: tuyên bố của ông Trump chỉ là một chiêu bài để gây áp lực buộc ông Zelensky ký kết thỏa thuận về tài nguyên. Hoặc thậm chí, ông Trump và ông Putin có thể đang phối hợp theo kiểu "cảnh sát tốt – cảnh sát xấu" để dồn ông Zelensky vào thế phải đưa ra quyết định mong muốn.

Nhìn chung, tình thế vẫn đang trong trạng thái bế tắc: cả ba bên đều có yêu cầu riêng của mình, và những yêu cầu này thường không trùng khớp. Trong những tuần tới, sẽ rõ hơn liệu có thể tìm được một điểm chung nào đó để đạt được lệnh ngừng bắn hay không.

Nguồn: Dân Việt
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top