Vị tướng tình báo và hai bà vợ là nói về ai?

nganguien
Tác Phẩm Kinh Điển
Phản hồi: 0
"Ông tướng tình báo và hai bà vợ" là tên cuốn tiểu thuyết của Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết (1929 - 2023) ra mắt năm 2010, được đạo diễn, NSƯT Bùi Cường dựng thành phim cùng tên (29 tập), đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc.
1731250438247.png

Bộ phim truyền hình dài tập "Vị tướng tình báo và hai bà vợ" của đạo diễn - NSƯT Bùi Cường năm 2003 phóng tác theo tiểu thuyết "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" của nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết (Ảnh: Tư liệu).

Đây là câu chuyện kể về nhà tình báo Ba Quốc - thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức (1922 - 2004).

Theo nhà báo Hoàng Hải Vân, người từng tiếp xúc với những nhà tình báo lớn của Việt Nam như điệp viên Phạm Xuân Ẩn, Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo… cho đến thời điểm loạt ký sự về ông Ba Quốc được đăng trên báo Thanh Niên năm 2004, tên của vị lão tướng này chưa hề xuất hiện trên sách báo và các phương tiện truyền thông, trong cũng như ngoài nước, dù ông đã có nhiều công lao lớn trong 3 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Trong hơn 20 năm hoạt động “trong lòng” địch, ông Ba Quốc là điệp viên duy nhất thâm nhập được vào cơ quan tình báo cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn, với tư cách là sĩ quan tình báo làm việc tại Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo.

Ông cũng là một trong những vị tướng tình báo bí ẩn nhất, không chỉ với công chúng mà còn với cả lực lượng vũ trang và lãnh đạo đất nước. Rất ít người biết về những chiến công lẫy lừng của ông, trừ những cán bộ có trách nhiệm trong ngành tình báo cùng một số ít vị lãnh đạo cấp cao trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng và an ninh quốc gia.

Bản thân nhà báo Hoàng Hải Vân cũng chỉ biết đến cái tên Ba Quốc sau khi thực hiện loạt bài về điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Và phải đến khi có được sự “bảo lãnh” của người học trò thân thiết của ông là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nhà báo mới có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời còn nhiều bí ẩn của vị tướng này.

“Những nhà tình báo có thể nói rất chính xác về những việc đã xảy ra, nhưng lại rất ít nói về bản thân. Cho nên muốn biết về họ rất khó, tôi phải tìm hiểu qua người khác”, nhà báo Hoàng Hải Vân kể lại.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức sinh ra tại Thanh Trì, Hà Nội; bí danh Ba Quốc, Nguyễn Văn Tá; nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng Cục II, Bộ Quốc phòng, phụ trách lực lượng tình báo phía Nam. Với những chiến công xuất sắc, ông được mệnh danh là một trong những át chủ bài của lực lượng tình báo Việt Nam.
Năm 1946, anh và vợ là chị Nguyễn Thị Thanh cùng là cán bộ tình báo đã sơ tán về Thanh Hóa. Năm 1948, anh chị được lệnh trở về Hà Nội, tìm cách trèo cao, leo sâu, cố chui vào hàng ngũ địch, hợp tác với địch. Chị Thanh rất khó xử vì chị mới sinh con. Đành chấp nhận phương án anh vào thành trước, chị vào sau. Nhờ có trình độ văn hóa cao, các bạn học của anh bố trí anh dạy học tư.
Ngay lần gặp đầu tiên, Quận chúa Cẩm Nhung đã có mối tình sét đánh với thầy Đức vì thầy to, cao, đẹp trai, hay cười, nói chuyện rất có duyên. Ngày xửa ngày xưa, má của Cẩm Nhung là Cẩm Loan đã theo chú là vua Bảo Đại đi kinh lý Bắc Kỳ. Má đã chết mê, chết mệt trùm tình báo Pháp là Giô Jép và đã sinh ra Cẩm Nhung. Nhung giới thiệu anh Đức với ba ruột. Đại tá Giô Jép quá mừng, rút chàng rể tương lai về giúp việc cho mình. Chính đại tá Giô Jép đã tạo ra bản lý lịch mới, bố trí cho Đức ở cương vị cao.
Chị Thanh về Hà Nội năm 1952, đã gặp lại anh Đức, đã có với anh cậu con trai. Vì e ngại địch tìm ra đầu mối là chị sẽ phát hiện ra anh nên chị Thanh (đã có nghiệp vụ tình báo) đồng ý cho chồng lấy vợ hai là quận chúa Cẩm Nhung và mẹ con chị lên Nông trường Vân Lĩnh ở miền núi xa xôi. Chị tin là 2 năm nữa sẽ có Tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève. Chậm nhất là cuối năm 1956 anh sẽ về với chị. Chị không ngờ chị lao đao cả cuộc đời.
Chị Nguyễn Thị Thanh khổ trăm đường về tinh thần và vật chất. Suốt 17 năm chị luôn nhận làm cái việc múc mỗi ngày dăm trăm gầu nước từ giếng lên để giặt quần áo, chăn màn cho tất cả công nhân ốm phải nằm trạm xá. Không ai cho chị tăng một bậc lương. Chị buộc phải về mất sức mặc dù chị không ốm ngày nào và chỉ nhận 60% lương tối thiểu cho người mất sức chứ không được hưởng 70% như người về hưu...
Trong khi đó, ở Sài Gòn, anh kết hôn với cô học trò Cẩm Nhung, sinh được ba người con. Trong quá trình hoạt động, anh đã bị lộ và phải rút ra cứ. Người vợ hai và con nhỏ vì thế bị địch bắt, tra tấn trong khi hai con lớn và út ở nhà tự chăm sóc nhau.
Với 24 năm hoạt động trong hàng ngũ địch, nhà tình báo lỗi lạc đã thu được nhiều tài liệu, tin tức có giá trị của địch cho cách mạng, trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, ông luôn giữ vững ý chí, phẩm chất đạo đức người cách mạng và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Giai đoạn sau năm 1975, ông có những đóng góp to lớn cho ngành tình báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc đời hoạt động tình báo đặc biệt xuất sắc và bí hiểm của ông, những người thân trong gia đình ông đã chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh. Để bảo vệ vỏ bọc cho ông hoạt động, có người đã bị chế độ ngụy quyền bắt bớ, tra tấn, đàn áp; vợ ông, bà Phạm Thị Thanh cùng các con ở miền Bắc đã phải chịu đựng không ít khổ cực về vật chất và tinh thần nhưng vẫn âm thầm chịu đựng để ông yên tâm hoạt động. Người vợ thứ hai của ông - bà Ngô Thị Xuân - cùng các con ở Sài Gòn cũng hết lòng bao bọc để ông hoàn thành nhiệm vụ khi hoạt động trong địch hậu.
Hãy cùng xem lại bộ phim truyền hình Vị tướng tình báo và hai bà vợ tập 1.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top