Vụ Tiktoker Phạm Thoại rút hơn 16 tỷ: Người ủng hộ có quyền yêu cầu công an vào cuộc?

Cindy Nguyễn
Cindy Nguyễn
Phản hồi: 0

Cindy Nguyễn

Thành viên nổi tiếng
Thành viên BQT
Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu nghi ngờ có sự không trung thực, không minh bạch khi ủng hộ thông qua Phạm Thoại, người ủng hộ có thể đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh hoặc lấy lại tiền.
Việc TikToker (người dùng TikTok) Phạm Thoại nhận quyên góp hơn 16 tỷ đồng để hỗ trợ một em bé bị bệnh ung thư (tên thường gọi là bé B.) đang được bàn luận xôn xao.
Cộng đồng mạng hiện tranh cãi về việc TikToker này có cần sao kê hơn 16,7 tỷ đồng quyên góp cho bé B. và những người đã ủng hộ có quyền yêu cầu Phạm Thoại giải trình về số tiền đã sử dụng hay không?
1740459933814.png

Trước đó, ngày 4/11/2024, TikToker Phạm Thoại đăng bài viết kêu gọi quyên góp điều trị cho bé B. Anh sử dụng một ứng dụng công nghệ có tên "Thiện nguyện" để gây quỹ, cho phép mọi người kiểm tra giao dịch như sao kê online.
Ngày 24/2, tài khoản gây quỹ do Phạm Thoại đứng tên trên ứng dụng này ghi nhận số tiền tổng thu là hơn 16,7 tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền trong tài khoản hiện chỉ còn hơn 54,7 triệu đồng. Số còn lại đã được rút khỏi tài khoản.
Nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là những người đã góp tiền ủng hộ mẹ con bé B. qua Phạm Thoại mong muốn được biết số tiền của họ ra sao?
1740459913989.png



Quyên góp và rút hơn 16 tỷ đồng, TikToker có trách nhiệm gì?

Bàn về trách nhiệm của TikToker này và quyền lợi của người ủng hộ, Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp Hà Nội cho biết, kêu gọi, tiếp nhận tiền từ thiện là công việc thiện nguyện nhạy cảm nên đòi hỏi người đứng ra kêu gọi phải nghiêm túc và minh bạch.

Theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam cho phép cá nhân đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, quản lý phân phát tiền từ thiện để hỗ trợ bệnh nhân hiểm nghèo, đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt.

Tuy nhiên việc kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền từ thiện phải tuân thủ quy định của pháp luật để đảm bảo công khai, công bằng tránh những trường hợp lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để trục lợi.

"Người Việt Nam có tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng đùm bọc, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội như ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng khi đứng ra kêu gọi ủng hộ thường đạt được hiệu quả cao, số tiền lớn.

Song, thời gian qua xảy ra các trường hợp người nổi tiếng quyên góp từ thiện thực hiện không đúng cam kết, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực làm mất niềm tin trong cộng đồng, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và gây ra những tâm lý tiêu cực trong xã hội", vị luật sư cho hay.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021 để quản lý đối với hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện từ các nguồn huy động tự nguyện.

Theo nghị định này, các tổ chức, cá nhân cũng có thể tham gia vào hoạt động huy động nguồn hỗ trợ tự nguyện. Việc vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện.

Hoạt động này phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường nêu rõ, khi cá nhân đứng ra kêu gọi tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hình thức, thủ tục, điều kiện để kêu gọi từ thiện.

Cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện.

Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết.

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ.

Theo Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, trong trường hợp nêu trên, nếu TikToker Phạm Thoại đứng ra kêu gọi quyên góp để ủng hộ cháu bé bị bệnh thì nội dung kêu gọi, thời gian tiếp nhận, phương thức chuyển giao tiền cho mẹ cháu bé hoặc trực tiếp chi trả cho cơ sở chữa bệnh phải được thực hiện theo quy định và đặc biệt là phải mở tài khoản riêng và thông báo với chính quyền địa phương…

Trường hợp cá nhân đứng ra kêu gọi, tiếp nhận tiền từ thiện nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật theo Nghị định 93 thì cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ tính công khai minh bạch của hoạt động kêu gọi, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện để xem xét có sai phạm, vi phạm pháp luật hay không để xử lý theo quy định.

Theo chia sẻ trên trang cá nhân của Phạm Thoại, tối 25/2 TikToker này sẽ có buổi livestream (phát sóng trực tiếp).

"Những người đã đóng góp tiền từ thiện có thể theo dõi buổi phát trực tiếp này để đưa ra những yêu cầu đề nghị của mình, xem xét tính công khai minh bạch, hợp lý trong việc tiếp nhận và sử dụng tiền.

Trong trường hợp vẫn nghi ngờ có sự không trung thực, không minh bạch thì có thể đề nghị cơ quan chức năng, công an vào cuộc xác minh làm rõ để có kết luận, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật", luật sư này nói.

Nếu người nhận không thực hiện đúng thỏa thuận, người ủng hộ có thể đòi lại tiền

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, bản chất pháp lý trong câu chuyện này là hợp đồng tặng cho tài sản và ủy quyền sử dụng tài sản. Những người đóng góp vào tài khoản ngân hàng hỗ trợ cho cháu bé mắc bệnh ung thư là người cho tài sản. Người đăng số tài khoản để nhận tiền là người đại diện theo ủy quyền, sau khi nhận tiền phải thực hiện công việc theo đúng thỏa thuận, cam kết trước đó.

Nếu lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để trục lợi thì sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Người đã chuyển tiền vào các tài khoản này có quyền giám sát việc sử dụng tiền, yêu cầu sử dụng tiền đúng mục đích, đúng cam kết. Nếu người nhận không thực hiện theo đúng thỏa thuận thì người nộp tiền có thể đòi lại số tiền này.

"Đây là câu chuyện pháp lý nếu có tranh chấp thì sẽ đưa ra pháp luật để làm rõ, nếu sử dụng tiền không có hiệu quả, sai mục đích thì người chuyển tiền vẫn có quyền đòi lại tiền.

Mẹ cháu bé trong tình huống này cũng cần phải lên tiếng, xác nhận là đã nhận được bao nhiêu tiền và có sử dụng tiền đúng mục đích hay không để công khai minh bạch các khoản hỗ trợ thiện nguyện, tuân thủ các quy định của pháp luật về kêu gọi, tiếp nhận, sử dụng tiền từ thiện.

Việc lên tiếng cũng để tránh sự việc gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, làm mất niềm tin của những người tốt vào hoạt động thiện nguyện", luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, những nhà hảo tâm gửi tiền vào tài khoản của TikToker này là tặng cho có điều kiện, tặng cho cháu bé để chữa bệnh chứ không để dùng vào mục đích khác.

Bởi vậy nếu trong trường hợp mà mẹ của cháu bé hoặc những người đứng ra kêu gọi từ thiện sử dụng tiền không đúng mục đích hoặc chiếm dụng số tiền này thì những người đã nộp tiền từ thiện có quyền đòi lại số tiền này và đề nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Dân trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top