Cây cầu trăm tỷ bỏ không, người dân phải đi đò từ Hà Nội sang Bắc Giang

H
Home Content

Cây cầu Xuân Cẩm có tổng chiều dài 479,5m, bề rộng mặt cầu 12m, đã được thảm bê tông nhựa, sơn vạch kẻ đường hoàn chỉnh.

Cây cầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Giang làm chủ đầu tư và triển khai từ năm 2017. Dự án có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, nguồn kinh phí thực hiện dự án từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách tỉnh Bắc Giang.

Cầu Xuân Cẩm bắc qua sông Cầu có tổng mức đầu tư 110 tỉ đồng nối đường vành đai 4 (tỉnh Bắc Giang) với quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên hoàn thành đã 2 năm nhưng thiếu đường dẫn lên xuống.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Cẩm Hà, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn) cho biết: “Khi bắt đầu xây dựng cầu, chúng tôi ai cũng phấn khởi mà mong chờ. Năm 2020 xây xong, chúng tôi thất vọng vì cầu cụt, không có đường dẫn lên. Chúng tôi muốn sang bên kia sông vẫn phải đi đò, trong khi đó nhà nước mất bao nhiêu tiền để làm cho dân cây cầu để không phải đi đò. Mong chính quyền sớm xây lối lên xuống để người dân được đi lại”.

Hệ thống lan can của cây cầu được hoàn thiện.

Hiện nay, để thuận tiện cho người dân đi lại qua sông, bến đò Cẩm Hà cách đó khoảng 400m vẫn đang hoạt động, mỗi ngày đưa hàng trăm người qua lại.

Lái đò tại bến đò Cẩm Hà đã được khoảng 10 năm nay, khi có dự án xây dựng cầu, bà Nguyễn Thị Thúy đã chuẩn bị tâm lý để ''nghỉ hưu'', thế nhưng cầu chưa đi vào khai khái được nên hiện giờ bà vẫn tiếp tục công việc của mình.

“Tôi rất mong cây cầu được hoàn thiện, sớm đi vào hoạt động. Nếu không đi đò sang sông, người dân phải đi lên cầu Vác, xa hơn chừng 8km”, bà Thúy cho hay.

Nằm cách cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú chừng 300m là bến đò Cẩm Hà. Vì cây cầu chưa đi vào hoạt động nên mỗi ngày hàng trăm người vẫn phải đi qua con đò này để qua sông Cầu.

Ông Trịnh Văn Duy, Phó phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết, đường dẫn chậm triển khai do khi rà soát thì tuyến đường không nằm trong quy hoạch của giao thông Thủ đô. Tới đầu tháng 6/2022, những vướng mắc được tháo gỡ khi dự án đã được phê duyệt.

"Huyện sẽ đầu tư tuyến đường dài khoảng 3km, tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Tiến độ triển khai theo nội dung phê duyệt từ năm 2022 đến trước năm 2025. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang tiến hành rà soát, đánh giá phạm vi ảnh hưởng của dự án lên phần đất ở", ông Duy cho hay.

Cây cầu Xuân Cẩm có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, nguồn kinh phí thực hiện dự án từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách tỉnh Bắc Giang.
Đầu cầu phía huyện Sóc Sơn chưa có đường dẫn nên cây cầu chưa thể đi vào khai thác.
Người dân địa phương đã gọi tên công trình là ''cây cầu cụt''.
Hiện tại, bề rộng cắt ngang của cầu là 12m đã trải nhựa xong và đã được kẻ vạch phân làn.
Lối từ đường vành đai 4 lên cầu phía huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã hoàn tất nhưng được rào chắn bằng tôn, đề phòng người dân đi lên cầu.
Theo thống nhất giữa hai địa phương vào tháng 3/2017, Hà Nội sẽ làm đường kết nối từ cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú đến nút giao Bắc Phú của tuyến quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.
Hiện phần đất được quy hoạch làm đường vẫn là cánh đồng lúa, chưa giải phóng mặt bằng
Phía dưới cây cầu, hệ thống thoát nước đã được lắp đặt đầy đủ.
Một số hố ga thoát nước trên mặt cầu bắt đầu bị hoen rỉ, cây cỏ mọc um tùm do chưa được khai thác sử dụng.
Nhiều vũng nước đọng lâu ngày gây ô nhiễm môi trường.
Hệ thống biển và đèn báo giao thông đường thủy đã lắp sẵn nhưng chưa đấu nối với nguồn điện.
Hàng ngày tàu thuyền vẫn qua lại nhộn nhịp dưới cây cầu.

Bảo Khánh

Back
Top