Nội dung giáo dục địa phương cần có một phương án phân công giảng dạy phù hợp

H
Home Content

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thêm một số môn học mới, trong đó môn là môn học bắt buộc đối với cả 3 cấp học phổ thông.

Ở cấp tiểu học, Nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, Nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác và đây là môn học bắt buộc.

Nhưng, điều mà các nhà trường và giáo viên ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện nay đang gặp khó khăn là môn Nội dung giáo dục địa phương có tới 6 phân môn khác nhau nên đang phải phân công nhiều giáo dục cùng giảng dạy.

Vì thế, việc thực hiện các kế hoạch giáo dục, phân chia thực hiện bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ; phân chia tỉ lệ % trong các bài kiểm tra định kỳ, vào điểm phát sinh nhiều bất cập.

Nên chăng, Bộ và các Sở giáo dục cần tính đến phương án 1 giáo viên đảm nhận cả môn Nội dung giáo dục địa phương để mang tính ổn định. Nếu vẫn chia nhỏ như hiện nay sẽ kéo theo rất nhiều khó khăn khác nhau cho cả người dạy, người học mà hiệu quả sẽ rất thấp.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Không thể để 35 tiết học/ 1 lớp/ 1 năm học mà có tới 6 giáo viên cùng giảng dạy

Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/20218 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn: “Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt”.

Chính vì thế, sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương hiện nay đang do các Sở Giáo dục và Đào tạo đứng ra biên soạn. Tuy nhiên, việc biên soạn của nhiều địa phương đang gặp nhiều khó khăn và. Những năm đầu tiên của các khối lớp thì học kỳ I phải dạy và học bằng file PDF nên thầy và trò cũng gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, Nội dung giáo dục địa phương chỉ có 35 tiết/ lớp/ 1 năm học nhưng nó có tới 6 phân môn khác nhau, đó là: phân môn Ngữ văn có 9 tiết; Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân mỗi phân môn có 6 tiết; 2 phân môn: Âm nhạc, Mĩ thuật có 4 tiết/ năm.

Trong khi, thực hiện theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT và các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ thì trong 1 năm học, Nội dung giáo dục địa phương sẽ có 4 bài kiểm tra thường xuyên và 4 bài kiểm tra định kỳ.

Chính vì có 4 bài kiểm tra định kỳ nên bắt buộc các nhà trường phải trừ ra 4 tiết để thực hiện việc kiểm tra nên số tiết thực dạy cho học trò chỉ còn có 31 tiết học được chia cho 6 phân môn khác nhau.

Lúc làm đề kiểm tra, phân công giáo viên gác kiểm tra, chấm kiểm tra, vào điểm, nhận xét phẩm chất, năng lực cho học trò rất phức tạp và rối rắm. Cả học kỳ, cả năm học có những phân môn chỉ dạy vài tiết học thì làm sao mà nhận xét chính xác cho học trò.

1 môn học mà nó liên quan đến 3 tổ chuyên môn khác nhau, đó là tổ Ngữ văn; tổ Sử-Địa- Giáo dục công dân; tổ Nghệ thuật nên năm nào các tổ trưởng chuyên môn cũng phải thống nhất nhiều lần về phân chia, sắp xếp thời gian giảng dạy, hình thức thực hiện bài kiểm tra, chấm bài, vào điểm ở các khối lớp.

Điều trớ trêu là phần nhiều các trường trung học phổ thông nên 2 phân môn này chưa thể dạy mà nhiều nơi phải bố trí các phân môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân lấp vào chỗ trống.

Trong khi đó, trước khi dạy Nội dung giáo dục địa phương, giáo viên ở nhiều địa phương gần như không hề được tập huấn gì hết. Chỉ là vài dòng hướng dẫn chung chung trong các kế hoạch giáo dục mà Bộ hướng dẫn rồi Sở, Phòng cóp, dán gửi về trường, trường giao về cho các tổ chuyên môn thực hiện.

Vì vậy, khi thực hiện cuốn chiếu cho đến hết cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, có lẽ tính phức tạp còn rối rắm nếu như lãnh đạo ngành, bộ phận chuyên môn chưa đưa ra phương án phù hợp và vẫn thực hiện giảng dạy như hiện nay.

Phương án nào cho môn Nội dung giáo dục địa phương trong những năm học tới đây?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học tích hợp, đặc biệt là ở cấp trung học cơ sở. Trong khi, những môn khó như Khoa học tự nhiên với 140 tiết/ lớp/ năm mà Bộ còn chủ trương bồi dưỡng cho 1 giáo viên dạy cả 3 phân môn: Hóa học, Sinh học, Vật lý.

Trong khi, môn Nội dung giáo dục địa phương không khó như môn Khoa học tự nhiên mà các nội dung kiến thức chủ yếu là kiến thức xã hội nên có nhiều điểm tương đồng, nhất là những kiến thức này lại gắn liền với địa phương nên việc bố trí 1 giáo viên dạy cả môn học có lẽ sẽ phù hợp hơn.

Việc bố trí phân môn của môn nào môn đó dạy thực ra đang làm khó nhà trường và giáo viên. Bởi lẽ, ban giám hiệu nhà trường phải tính toán sắp xếp thời khóa biểu rất mệt mỏi vì nó được chia ra quá nhỏ theo từng phân môn ở các khối, lớp.

Giáo viên thì mỗi người 1 tổ khác nhau nên mỗi lần kiểm tra lại phải ngồi lại với nhau để thống nhất, phân chia tỉ lệ từng phân môn cho các đề kiểm tra định kỳ. Khi chấm bài thì cũng phải đợi chờ nhau, nhiều lúc còn xảy ra những lời lẽ không phù hợp với nhau và có cả tị nạnh nhau trong phân công, thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi, theo hướng dẫn hiện nay, Nội dung giáo dục địa phương không cho điểm mà thực hiện đánh giá ở mức Đạt và Chưa đạt. Nhưng, 6 phân môn như vậy nên bắt buộc giáo viên phân môn nào cũng phải xếp Đạt hết chứ 1 phân môn Chưa đạt thì càng rối rắm hơn.

Chính vì vậy, Bộ và các Sở cần có những định hướng phù hợp cho môn Nội dung giáo dục địa phương nhằm phát huy hiệu quả cho môn học mà không gây ra những xáo trộn khi phân công giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu, thực hiện chương trình học.

Theo quan điểm của người viết, Bộ nên chủ trương ban hành cho các Sở triển khai tập huấn, bồi dưỡng Nội dung giáo dục cho địa phương và phân công 1 giáo viên dạy cả môn học này là điều hợp lý nhất.

Việc 1 giáo viên dạy cả môn học sẽ thuận lợi cho nhà trường, giáo viên và ngay cả với học sinh. Không thể để 1 môn học chỉ có 35 tiết mà có 6 giáo viên dạy như hiện nay. Hiệu quả môn học không đạt được mà khiến cho các đơn vị cơ sở gặp rất nhiều những phiền toái khi thực hiện.

Một vòng đời chương trình, sách giáo khoa thường kéo dài đến trên dưới hai chục năm trời nên không thể để tình trạng môn Nội dung giáo dục địa phương ở các khối lớp thực hiện manh mún như hiện nay.

Một môn học mà không biết xếp vào tổ chuyên môn nào, không có người chịu trách nhiệm chính thì làm sao giảng dạy cho học trò hiệu quả, làm sao để học trò hiểu rõ được bản chất môn học. Như thế, mục tiêu: “trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…” cũng khó có thể đạt được như chương trình mà Bộ đã đề ra.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN

Back
Top