Tối 16/12, chị Trần Thị Ngọc Nương (37 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM), nạn nhân trong vụ người đàn ông sàm sỡ, cho hay chị đã được cơ quan chức năng mời lên trụ sở để làm rõ sự việc. Đến nay, chị vẫn chưa tìm được danh tính của người đàn ông ấy.
Theo chuyên gia, những nạn nhân bị sàm sỡ cần mạnh mẽ lên tiếng, cơ quan chức năng cần trừng trị nghiêm minh các hành vi "biến thái" để ngăn ngừa tình trạng trên.
Cùng ngày, công an xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn cho hay đang xác minh sự việc, đồng thời mời chị Nương lên trụ sở để làm việc.Đến giờ, mỗi khi ký ức về cảnh bị sàm sỡ hiện lên, chị Nương lại cảm thấy tổn thương, sợ hãi, không thoải mái và không kiềm được nước mắt.
Như Dân trí đã đưa tin, sự việc xảy ra vào khoảng 14h ngày 15/12, tại khu chợ ở ấp Thới Tứ (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn).
"Tôi đang bán hàng thì có một người đàn ông tiến vào, hỏi mua đu đủ. Người này đột nhiên hỏi "sao người em dơ quá". Tôi nghĩ là thật nên nhìn xuống người kiểm tra. Đột nhiên, người này tiến tới, dùng tay sờ vào ngực tôi", chị Nương kể.
Trong đoạn video, chị Nương vì quá sốc nên đá và đẩy người đàn ông ra xa. Người này chẳng những không xin lỗi mà còn liên tục cười, nói: "Giỡn thôi mà". Lúc này, chị Nương liền phản ứng: "Sao anh giỡn gì kỳ vậy?".
Thấy người đàn ông vẫn đứng cười, tiến lại gần mình, chị vung tay định tát vào mặt người này thì bị chặn tay lại. Vì quá tức giận, chị dùng chiếc ghế gần đó, định chống trả nhưng không thể.
Người đàn ông chỉ tay vào mặt chị Nương, hăm dọa: "Dám không?", rồi ghì đầu chị xuống đất khiến chị bị ngã. Do quá sợ hãi, chị Nương tri hô cho chị dâu ra cầu cứu.
"Thời điểm đó mọi người đang ngủ trưa nên chỉ có vài người ra bảo vệ tôi. Thấy vậy, người này mới rời đi. Tuy nhiên, một lúc sau, người đàn ông quay lại và buông lời hăm dọa tôi một lần nữa", chị Nương nói.
Vì muốn lên tiếng, đòi lại công bằng cho bản thân, chị Nương liền đăng tải video ghi lại toàn bộ sự việc lên mạng xã hội.
Ủng hộ nạn nhân tự lên tiếng
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, thường trực tại Thư Viện Lưu Trú - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, sau sự việc nói trên, chị Nương có thể bị ảnh hưởng không ít về mặt tâm lý.
"Nếu nhẹ, nạn nhân sẽ trải qua cảm giác sốc một thời gian rồi dần nguôi ngoai. Nhưng nếu nặng, cô ấy sẽ trở nên ám ảnh, e dè, giảm lòng tin, thậm chí là đề phòng một cách quá mức với người khác giới", chuyên gia cho hay.
Trong trường hợp này, bà Hồng Hương cho rằng người đàn ông sàm sỡ cô gái có khả năng đang bị rối nhiễu về tâm lý hoặc bị ảnh hưởng bởi chất kích thích. Vì thế, người này đã thực hiện hành vi lệch chuẩn, xâm hại đến người khác.
"Chúng ta cần phải lên án và truyền thông mạnh mẽ những sự việc tương tự để giáo dục, cảnh giác. Tôi rất ủng hộ những nạn nhân dám lên tiếng, đòi lại công bằng cho mình.
Bên cạnh đó, để bảo vệ những nạn nhân của quấy rối tình dục, cộng đồng cần phải nhận thức nghiêm túc và lên án vấn đề này, đồng thời cần sự can thiệp mạnh mẽ của cơ quan chức năng, luật pháp để trừng trị nghiêm minh", chuyên gia nhấn mạnh.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM), căn cứ Điều 20 Hiến pháp 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể; được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Đồng thời, Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 nêu rõ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
"Sàm sỡ người khác được hiểu là hành vi dùng lời nói hoặc cử chỉ nhằm mục đích quấy rối tình dục. Do đó, có thể hiểu sàm sỡ chính là việc cá nhân vi phạm vào quyền bất khả xâm phạm thân thể, danh dự và nhân phẩm của người khác, là hành vi vi phạm pháp", luật sư Trần Minh Hùng nói.
Hiện chưa có quy định cụ thể về hành vi sàm sỡ người khác có bị truy cứu trách nhiệm hay không.
Song, nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể truy cứu người có hành vi sàm sỡ với Tội làm nhục người khác.
Theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, người xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội 2 lần trở lên hoặc đối với 2 người trở lên hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân (tỷ lệ tổn thương cơ thể 31-60%)… thì sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu người vi phạm gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân (tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên) hoặc làm nạn nhân ****** thì sẽ đối mặt với mức phạt tù 2-5 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Ở góc độ xử phạt hành chính, người thực hiện hành vi "biến thái" là do cố ý. Do đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Theo điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người thực hiện hành vi "biến thái" với người từ đủ 16 tuổi trở lên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 5-8 triệu đồng. Đồng thời, họ bắt buộc phải xin lỗi công khai đối với nạn nhân.