Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Không để trụ sở bỏ hoang sau khi sáp nhập tỉnh

H
Mimosa
Phản hồi: 1

Mimosa

Thành viên nổi tiếng
Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, các trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập sẽ được sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, văn nghệ, thể thao... của người dân, tuyệt đối không để bỏ hoang.

Chiều 18/4, tại TP.Vị Thanh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

1744978808064.png

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: H.X

Tại đây, nhiều cử tri cho biết, rất quan tâm đến những vấn đề sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.

Cử tri Nguyễn Thị Kim Chúc (huyện Vị Thủy) cho rằng, chủ trương bỏ cấp huyện và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ giúp tinh gọn tổ chức bộ máy mà còn thúc đẩy phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương phát huy vai trò chủ động trong quản lý, điều hành. Điều này cũng phù hợp với xu hướng cải cách hành chính của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cử tri Trần Văn Trung (huyện Long Mỹ) cũng đồng tình cho biết, nhân dân vô cùng phấn khởi, tin tưởng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo thành công cuộc cách mạng tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị, tạo động lực để phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.

Cử tri Trung kiến nghị các ngành chức năng sớm giải quyết chính sách, chế độ cho cán bộ công chức nghỉ việc để ổn định đời sống, tìm một công việc khác phù hợp, đảm bảo cuộc sống gia đình và đảm bảo tính đoàn kết thống nhất cao để phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện về chế độ nhà ở công vụ cho những cán bộ công chức đi làm xa sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, để cán bộ an tâm công tác.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, kỳ họp thứ 9 tới có khối lượng công việc rất lớn, quan trọng nhất là sửa đổi 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013, để phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, khi cả nước không còn cấp huyện, cấp xã và cấp tỉnh cũng giảm xuống.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một cuộc cách mạng lớn chưa từng có, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả. Việc tinh giản bộ máy và biên chế sẽ tạo ra nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

1744978846930.png

Cử tri Hậu Giang rất quan tâm đến việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Ảnh: H.X

Nói về việc sáp nhập TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi sáp nhập là một thành phố trực thuộc Trung ương, dân số hơn 4 triệu người, đảm bảo điều kiện mở rộng không gian phát triển.

Đối với trụ sở dôi dư, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ưu tiên số 1 là dùng làm trường học, lo cho giáo dục. Kế đến là phục vụ chăm sóc sức khỏe, y tế cơ sở phải mạnh, thuốc phải đủ, khi bảo hiểm y tế không còn địa giới hành chính, không còn chuyển tuyến nữa. Cuối cùng là dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

“Nhất quyết không để trụ sở bỏ hoang, bỏ trống, lãng phí” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin thêm, tới đây sẽ có chủ trương giảm học phí cho học sinh các cấp học, với gói hơn 30 nghìn tỷ đồng, cũng từ nguồn tinh gọn bộ máy, phạm vi áp dụng được mở rộng ra cả đơn vị ngoài công lập… Mục tiêu của Đảng và Nhà nước là lo cho nhân dân về vật chất và tinh thần, trước mắt là cho trẻ em.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kim Hoa ở TP.Vị Thanh và thăm hỏi, trao tặng 50 phần quà cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Nguồn: Dân Việt
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

, 20/04/2025

Back
Top