Cuộc sống nghệ sĩ Thanh Loan "Biệt động Sài Gòn" sau 4 thập kỷ, giờ ra sao?

H
Mimosa
Phản hồi: 3

Mimosa

Thành viên nổi tiếng
Ở tuổi ngoài 70, dù mái tóc đã ngả màu pha sương, "ni cô Huyền Trang" - NSƯT Thanh Loan - vẫn giữ được vẻ đẹp hiền hậu, thanh tao. Bà chọn sống lặng lẽ, an yên, không màng danh vọng.

1745718261932.png

Một ngày, phóng viên Dân trí nhận được điện thoại từ NSƯT Thanh Loan, sau nhiều lần bà chưa sắp xếp được lịch hẹn. Giọng bà vui vẻ nói: "Giờ cô đi tàu điện đến quán cà phê ở phố Tôn Thất Thiệp, mình gặp nhau ở đó nhé!".

Trong quán cà phê nhỏ, "ni cô Huyền Trang" giữ chất giọng ấm áp, thỉnh thoảng có chút trầm ngâm. Từ mỹ nhân màn ảnh giờ là người mẹ, người bà bình dị, cuộc đời NSƯT Thanh Loan hiện lên chân thực, sống động qua lời kể của bà.

Từ cô bé lính đến "mỹ nhân màn bạc"​

Sinh năm 1951 trong một gia đình đông con giữa lòng Hà Nội, Nguyễn Thị Thanh Loan dường như không có chút duyên nợ với nghệ thuật bởi tuổi thơ của bà gắn liền với những con phố cổ kính nhưng tấp nập người buôn kẻ bán.

Thế nhưng, số phận lại bất ngờ rẽ lối khi vào năm 15 tuổi, Thanh Loan trúng tuyển vào lớp diễn viên của Trường Nghệ thuật Quân đội.

Đến năm 1967, đúng vào thời điểm bắt đầu chiến tranh ở miền Bắc, bà nhập ngũ vào Trường Nghệ thuật Quân đội. Ngày khoác lên vai quân hàm binh nhì, Thanh Loan chính thức bước vào đời quân ngũ - một chặng đường mà bà gọi là "cái duyên định sẵn với Tổ quốc".
1745718325476.png

Tốt nghiệp, Thanh Loan đầu quân về Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật gắn bó với màu áo lính.

Khác hẳn với hình dung về những thiếu nữ Hà thành dịu dàng, yểu điệu, cô gái tuổi trăng tròn Thanh Loan đã sớm quen với nếp sống kỷ luật: Ăn theo kẻng, ngủ theo giờ, tập luyện quân sự nghiêm ngặt, bài bản.

Nhớ lại những năm tháng ấy, Thanh Loan kể rằng, bà cùng đồng đội đã không quản ngại gian khổ, đi diễn khắp những chiến trường ác liệt như Quảng Bình, Mường Xén, Xiêng Khoảng. Tiếng hát tiếng đàn cất lên giữa bom đạn dội về.

Không ít buổi diễn phải dang dở vì máy bay địch bất ngờ oanh tạc. Những ký ức đó, theo thời gian, đã trở thành hành trang quý báu, hun đúc trong bà bản lĩnh thép, vững vàng bước qua mọi thử thách của đời nghệ sĩ.

Cơ duyên đưa Thanh Loan đến với điện ảnh cũng đến một cách rất tự nhiên. Khi còn gắn bó chủ yếu với sân khấu kịch nói, Thanh Loan được mời tham gia bộ phim Người về đồng cói - cũng là lần đầu tiên bà chạm ngõ màn ảnh rộng.

Không trải qua đào tạo bài bản về điện ảnh, nhưng với lối diễn xuất hồn nhiên, mộc mạc, cùng ánh mắt trong veo và thần thái riêng, Thanh Loan nhanh chóng thu hút sự chú ý.

Bà cho biết, thời ấy, phim chiến tranh được đầu tư công phu, quy tụ nhiều gương mặt sáng giá như Dũng Nhi, Như Quỳnh. Các đạo diễn, đặc biệt là cố NSND Bạch Diệp, rất khắt khe trong việc tuyển chọn: Đòi hỏi diễn viên không chỉ có ngoại hình đẹp mà còn phải toát lên phong thái đĩnh đạc và thần thái mạnh mẽ.

1745718421271.png
1745718325476.png

Trong môi trường nghệ thuật nghiêm túc ấy, Thanh Loan dần khẳng định tên tuổi, trở thành một trong những gương mặt sáng giá của điện ảnh Việt Nam một thời.

Sau Người về đồng cói, bà tiếp tục góp mặt trong bộ phim Bài ca ra trận với vai chính diện - tác phẩm thứ hai trong sự nghiệp - sánh vai cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như Dũng Nhi, Như Quỳnh.

Vai diễn này càng củng cố thêm vị thế của Thanh Loan, đưa bà trở thành biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiền hậu, kiên cường trong khói lửa chiến tranh.

Dù vậy, Thanh Loan vẫn tiếc nuối khi lỡ hẹn với 2 bộ phim nổi tiếng khác: Chị Nhung (đồng đạo diễn Nguyễn Đức Hinh và Đặng Nhật Minh) năm 1970 và Không nơi ẩn nấp của cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam năm 1971.

"Thời điểm đó, tôi đang công tác tại Đoàn kịch Tổng cục Chính trị, đơn vị không đồng ý cho tôi đi đóng phim. Đạo diễn đành phải tìm kiếm diễn viên khác thay thế.

Tôi tiếc nuối nhất là bộ phim Không nơi ẩn nấp. Cố NSND Nguyễn Đăng Bảy, người quay phim, đã quay thử vai The và lựa chọn tôi, nhưng vì nhiều lý do khách quan, tôi không thể tham gia. Sau này, vai chị Nhung được giao cho Ái Vân, còn Kim Anh đảm nhận vai The", nghệ sĩ Thanh Loan bồi hồi kể lại.

Với sân khấu, NSƯT Thanh Loan tự hào chia sẻ về những vai diễn đã ghi dấu ấn trong sự nghiệp của bà.

Đó là vai bé Mai trong vở kịch Nổi giócủa tác giả Đào Hồng Cẩm; vai cô Thơm trong Chuyện gia đình tôi của tác giả Nguyễn Vượng dưới sự dàn dựng của các đạo diễn Thành Ngọc Căn và Vũ Minh; và đặc biệt là vai bác sĩ Nga trong vở kịch sân khấu nổi tiếng Đôi mắt.

"Hồi đó, hình như cả nước đều dựng vở Đôi mắt. NSND Đình Nghi - con trai cụ Thế Lữ - bảo rằng trong tất cả các đoàn dựng vở này, thì bác sĩ Nga của Thanh Loan ở Đoàn kịch Tổng cục Chính trị là hay nhất, đáng yêu nhất. Chắc tại hồi ấy mình còn xinh!", bà dí dỏm nói.

Sau này, Thanh Loan còn tạo dấu ấn lớn với vai chính chị Nhàn trong vở Chị Nhàn của Đào Hồng Cẩm - tác giả của những vở kịch kinh điển như: Nổi gió, Chị Nhàn, Đại đội trưởng của tôi. Những tác phẩm ấy không chỉ được các đoàn kịch khắp cả nước dựng lại nhiều lần mà còn được chuyển thể thành phim điện ảnh nổi tiếng.

Vai diễn để đời và những tháng năm thử lửa​

Năm 1984, một cơ hội điện ảnh đặc biệt lại tìm đến NSƯT Thanh Loan. Đoàn làm phim Biệt động Sài Gòn khi ấy đã gần hoàn thành tập đầu tiên nhưng vẫn loay hoay tìm kiếm gương mặt cho vai ni cô Huyền Trang.

Trong một chuyến công tác tại TPHCM - Thanh Loan lúc bấy giờ đang công tác trong ngành truyền hình an ninh - đã có một cuộc gặp gỡ định mệnh với họa sĩ thiết kế mỹ thuật Trịnh Thái.

Chỉ sau một lần nghiền ngẫm kịch bản, nhân vật ni cô Huyền Trang đã lập tức chinh phục trái tim Thanh Loan, thôi thúc bà chủ động đề xuất tham gia thử vai.

Và rồi, chính đôi mắt biết nói lay động lòng người, cùng thần thái vừa hiền hậu vừa ánh lên nét kiên nghị của một người lính từng trải, nghệ sĩ Thanh Loan đã nhanh chóng chinh phục đạo diễn Long Vân. Bà được tin tưởng trao cho vai diễn ni cô Huyền Trang đầy đặc biệt ấy.

1745718520596.png

NSƯT Thanh Loan (trái) và NSƯT Hà Xuyên hóa thân thành những nữ biệt động Sài Gòn trong phim (Ảnh: VTV cung cấp).

Để hóa thân trọn vẹn vào hình tượng nữ chiến sĩ biệt động khoác áo tu hành, NSƯT Thanh Loan đã chấp nhận những hy sinh không nhỏ, cả về diện mạo lẫn tâm hồn.

"Để vào vai, điều đầu tiên tôi phải từ bỏ là mái tóc dài. Tóc tôi khi ấy dài chấm thắt lưng, nhưng vì vai diễn một nữ biệt động ngụy trang, tôi buộc phải cắt ngắn. Thời đó đâu có mũ cao su để che chắn như bây giờ, việc cắt đi mái tóc dài là một sự hy sinh lớn lao đối với phụ nữ chúng tôi", bà nhớ lại.

Không chỉ thay đổi vẻ ngoài, nghệ sĩ Thanh Loan còn chủ động tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống nơi cửa Phật để cảm nhận sâu sắc tinh thần của nhân vật.

Thanh Loan chia sẻ: "Tôi đã đến chùa Dược Sư ở suốt một tuần, ăn chay, học cách tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông và cả cách đi khất thực sao cho đúng. Điều quan trọng nhất là dáng đi khất thực phải thong thả, mắt luôn hướng xuống. Tôi đã phải dành nhiều ngày để luyện tập mới có thể có được cái thần thái ấy".

Ngược về ký ức những ngày quay Biệt động Sài Gòn, Thanh Loan nói rằng, đó không chỉ là thử thách về diễn xuất, mà còn là cuộc thử thách khắc nghiệt về thể lực. Các cảnh chiến đấu, bom đạn, khói lửa đều được thực hiện hoàn toàn thật, không có sự hỗ trợ của kỹ xảo điện ảnh.

"Nếu phim về đề tài hòa bình thì có thể quay đi quay lại nhiều lần, nhưng phim chiến tranh thì khác. Bom đạn, khói lửa người ta chỉ cho nổ đúng một lần, không thể làm lại. Nếu quay hỏng sẽ ảnh hưởng đến cả đoàn. Tôi nghĩ, diễn viên đóng phim chiến tranh phải trải qua những cuộc thử lửa cực kỳ cam go, cũng như một người lính thực thụ vậy", bà nhấn mạnh.

Nhắc đến những phân cảnh đáng nhớ trong Biệt động Sài Gòn, Thanh Loan ngậm ngùi hồi tưởng lại cảnh bị tra tấn bằng điện - một trong những trường đoạn thử thách nhất của bộ phim.

Bà kể: "Đây là cảnh quay tôi phải tập luyện vô cùng kỹ lưỡng, dồn hết tâm sức để có thể hoàn thành ngay trong một lần duy nhất, bởi phân đoạn này không cho phép sai sót và cũng không được làm lại.

Tôi phải diễn tả những động tác co giật của người bị điện giật, nhưng ngay khi bọn ác ôn dội nước lạnh vào người, phải lập tức thay đổi biểu cảm, giật cơ mặt để tỉnh lại, thể hiện sự kiên cường".

Những vết thương, những vết tím bầm đôi khi còn in lại sau cảnh quay, nhưng bà không một lần than vãn. Không chỉ nén mình chịu đựng những khắc nghiệt trên phim trường, Thanh Loan còn đối mặt với nỗi nhớ nhà khôn nguôi, triền miên.

Thời điểm đó, 2 con nhỏ của bà chỉ mới 10 và 8 tuổi, chồng lại đang công tác ở nước ngoài, mọi gánh nặng chăm sóc con cái đều đặt lên vai mẹ chồng.

"Thỉnh thoảng, để được về thăm các con, tôi phải xin đi nhờ những chuyến máy bay vận tải của quân đội. Mọi người ngồi dọc hai bên thành máy bay, hàng hóa chất đầy ở giữa. Thỉnh thoảng, phi công lại nhắc nhở: "Các cô, các chú nhích lên phía trước một chút, máy bay đang bị nặng đuôi quá". Đó là những ký ức mà tôi sẽ không bao giờ quên được", Thanh Loan bồi hồi chia sẻ.

1745718614082.png

Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất trong suốt quá trình hóa thân vào vai diễn, theo nghệ sĩ Thanh Loan, chính là cơ hội được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, những nguyên mẫu đời thực.

Bà tâm sự: "Cách đây hơn 4 thập kỷ, tôi vô cùng may mắn khi được gặp gỡ những người anh hùng thực sự của Biệt động Sài Gòn. Qua các cuộc gặp gỡ và lời kể của họ đã để lại trong tôi những xúc cảm sâu sắc, chân thật. Chính điều đó đã giúp tôi lắng đọng và thấu hiểu hơn nhân vật của mình khi diễn xuất".

Cũng nhờ những trải nghiệm quý giá ấy, "ni cô Huyền Trang" Thanh Loan đã vượt khỏi khuôn hình điện ảnh, trở thành một biểu tượng sống động trong lòng nhiều thế hệ khán giả.

Thậm chí, có không ít bà mẹ trân trọng và yêu mến nhân vật ni cô Huyền Trang đến nỗi đã đặt tên con mình là Huyền Trang, như một sự ngưỡng mộ và ghi nhớ về một hình tượng đẹp trên màn ảnh.

"Đến bây giờ, sau gần 4 thập kỷ kể từ khi Biệt động Sài Gòn công chiếu, mỗi khi tôi đặt chân đến những vùng quê xa xôi, không chỉ những khán giả lớn tuổi mà cả lớp trẻ cũng nhận ra, gọi tôi là ni cô Huyền Trang.

Với tôi, đó thực sự là một phần thưởng vô giá mà người nghệ sĩ có thể nhận được - khi nhân vật mình hóa thân - đã sống một đời sống riêng trong lòng khán giả, trở thành một ký ức đẹp của nền điện ảnh cách mạng", Thanh Loan tâm sự với niềm xúc động.

Chọn bình yên khi hào quang đã ở lại phía sau​

Sau ánh hào quang rực rỡ với vai diễn ni cô Huyền Trang, NSƯT Thanh Loan đã chọn cho mình một lối đi khác: Lặng lẽ rời xa màn bạc để tìm kiếm sự bình yên.

Khi được hỏi vì sao không tiếp tục tận dụng nhan sắc và danh tiếng để tiến xa hơn trong con đường nghệ thuật, bà chỉ mỉm cười hiền hậu: "Lúc đó, tôi đã không còn làm diễn viên nữa. Tôi chuyển sang học đạo diễn, rồi công tác trong lĩnh vực quản lý, làm Phó Giám đốc Điện ảnh Công an. Thế nên cũng không còn điều kiện để tiếp tục đóng phim".

Với NSƯT Thanh Loan, nghệ thuật là hành trình để cống hiến hết mình, chứ không phải cuộc đua tìm kiếm danh vọng. Bà luôn tâm niệm rằng, nghệ sĩ cũng như cầu thủ, cần phải rời sân đúng lúc.

Khi nghệ thuật của mình đã chạm đến đỉnh cao rồi thì nên dừng lại, bởi nếu cố gắng đóng những vai khác, có thể sẽ tự làm mờ đi những gì đã có.
Cũng chính vì suy nghĩ ấy, dù sau này nhận được nhiều lời mời tham gia phim ảnh hấp dẫn, bà đều nhẹ nhàng từ chối. Có lần, cố đạo diễn Trần Vịnh còn đích thân tới cơ quan và nhà riêng để mời bà góp mặt trong bộ phim Xa và gần, nhưng cuối cùng, bà vẫn phải xin phép từ chối vì nhiệm vụ công tác không cho phép.

Dù đã chấp nhận rời xa ánh hào quang rực rỡ của sân khấu và màn bạc, ngọn lửa đam mê nghệ thuật trong trái tim NSƯT Thanh Loan vẫn không hề lụi tắt.

Bà chuyển hướng sang tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ và hội nghề nghiệp. Đến nay, ở tuổi 74, nữ nghệ sĩ gạo cội giữ cho mình một nhịp sống năng động.

Nữ nghệ sĩ bộc bạch: "Tôi tham gia nhiều hoạt động lắm. Nếu không giao lưu, không tiếp xúc với mọi người, bản thân mình rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm".

Hiện tại, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Hà Nội. Trước đó, bà từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội - những vị trí cho phép bà tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật - một cách lặng lẽ nhưng đầy bền bỉ.

Không chỉ duy trì ngọn lửa nghề, nghệ sĩ Thanh Loan còn đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

Thanh Loan kể rằng, trước đây, bà rất yêu thích môn khiêu vũ thể thao. "Cách đây khoảng 7, 8 năm, tôi còn thường xuyên đi nhảy dance sport đấy. Bây giờ, đầu gối không còn khỏe như trước, tôi chuyển sang đi bộ. Một tuần tôi cố gắng đi spa hoặc các trung tâm dưỡng sinh 1-2 lần để thư giãn", bà cho hay.
Nếu có một điều mà nghệ sĩ Thanh Loan luôn trân trọng và cảm thấy bản thân may mắn, đó chính là mái ấm gia đình vẹn tròn.

Bà cười nói: "Ơn trời, tôi cũng gặp được may mắn lớn. Có một gia đình hạnh phúc, chồng con đều tốt, luôn tạo điều kiện cho tôi theo đuổi đam mê. Đến tuổi này, tôi chỉ mong có sức khỏe thôi. Có sức khỏe thì mình còn có thể đi đây đi đó, gặp gỡ, giao lưu với bạn bè".

NSƯT Thanh Loan chia sẻ rằng, niềm tự hào lớn nhất không nằm ở những giải thưởng hay vinh danh mà bà đã đạt được trong sự nghiệp, mà chính là 2 người con thành đạt.

Đó là cô con gái sinh năm 1975 và cậu con trai sinh năm 1977 - những "trái ngọt" bình dị và quý giá sau một cuộc đời tận tâm cống hiến và hy sinh thầm lặng cho nghệ thuật và gia đình.

Giờ đây, khi ánh hào quang rực rỡ đã trở thành những ký ức đẹp đẽ, NSƯT Thanh Loan chọn cho mình một nhịp sống an yên, thư thái.

"Tôi thích được tự do ngao du, khám phá những điều mới mẻ. Thế nên tôi đã lập ra nhóm Hoa chân để thỉnh thoảng bạn bè, anh chị em nghệ sĩ thực hiện những chuyến đi xa hay có thể tụ họp, giao lưu và chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ bên nhau", bà hào hứng kể.

Với NSƯT Thanh Loan, hào quang xưa không phải điều níu giữ, mà là ký ức đẹp nuôi dưỡng tâm hồn. Ở tuổi 74, bà vẫn vững vàng bước đi, với trái tim tràn đầy yêu thương và lòng biết ơn cuộc đời.

Ảnh: Nguyễn Hà Nam
Nguồn Dân Trí
 
Từ thời trai trẻ, xem phim " Biệt động Sài Gòn " tôi rất mê Ni cô Huyền Trang . Mê gương mặt đẹp, đoan trang, mạnh mẽ nhưng hiền dịu . Mê tính cách dũng cảm, mưu trí của nứ biệt động thành dưới cái áo lam Ni cô Huyền Trang ..Có lẽ NSUT Thanh Loan là gương mặt đẹp nhất màn ảnh Việt Nam trong khoảng 50 năm trở lại đây .
 
Sửa lần cuối:
Không chỉ riêng nghệ thuật,khi sự nghiệp của mình đã chạm đến đỉnh cao rồi thì nên dừng lại, bởi nếu cố gắng đóng những vai khác, có thể sẽ tự làm mờ đi những gì đã có.Cầu chúc cho NSƯT Thanh Loan sống vui sống khỏe quãng thời gian còn lại
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top