Gia tộc có tới 4 Nghệ sĩ Nhân dân và nhiều Nghệ sĩ Ưu tú nổi danh đất Hưng Yên

H
Mimosa
Phản hồi: 1

Mimosa

Thành viên nổi tiếng
Gia tộc họ Nguyễn Đình ở làng Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên được xem là gia tộc có truyền thống nghệ thuật. Đây cũng gia tộc có tới 4 Nghệ sĩ Nhân dân và nhiều Nghệ sĩ Ưu tú.

Gia tộc có 4 Nghệ sĩ Nhân dân

Nổi danh nhất gia tộc họ Nguyễn Đình ở làng Thụy Lôi chính là soạn giả Nguyễn Đình Nghị (thường gọi là cụ Trùm Nghị) - người khai sinh ra trào lưu chèo cải lương, một trong những người tiên phong trong việc hiện đại hóa chèo ở thế kỷ 20.

Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải chia sẻ với Dân Việt rằng, mẹ ông là con cháu của cụ Nguyễn Đình Nghị. Ngày xưa, cả gia đình theo gánh hát và các cụ mấy đời đều gắn bó với nghiệp diễn. Nhờ được sinh ra và dưỡng nuôi trong gia tộc có truyền thống nghệ thuật mà ông và chị gái là Nghệ sĩ Nhân dân Mai Hương đã đem lòng đam mê rồi gắn trọn cuộc đời với sân khấu.

1741355280620.png

Con cháu gia tộc Nguyễn Đình chụp ảnh tại đường Nguyễn Đình Nghị ở Hưng Yên. Ảnh: GĐCC

"Cả hai quê nội ngoại là những cái nôi nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật cho chúng tôi, đến chúng tôi là đời thứ tư. Tôi luôn biết ơn Tổ nghiệp, biết ơn các cụ, ông bà và bố mẹ đã cho chúng tôi bén duyên với nghiệp diễn từ khi còn bé và được đóng góp chút sức lực nhỏ bé cho nghiệp diễn đến ngày hôm nay", Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải bày tỏ.

Nghệ sĩ Nhân dân Mai Hương cũng cho biết, ông bà của bà từng lập ra một gánh hát cải lương và hai cụ thân sinh của bà cũng là nghệ sĩ cải lương nên từ bé, bà đã được ngấm không khí nghệ thuật của gia đình. Tuy nhiên, đến thế hệ của bà, chỉ có bà dấn thân theo nghệ thuật chèo.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải, gia tộc họ Nguyễn có 4 Nghệ sĩ Nhân dân gồm: Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Đình Tưởng (nghệ danh Mạnh Tưởng) - Đoàn Cải lương Hoa Mai; Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Đình Chí (nghệ danh Quang Chí) - Đoàn Cải lương Nam Định; Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Mai Hương - Nhà hát Chèo Hà Nội và Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hải – Nhà hát Kịch Hà Nội.

Ngoài ra, còn có các Nghệ sĩ Ưu tú như: NSƯT Kim Oanh (nghệ danh Kim Oanh) - Đoàn Cải lương Hoa Mai, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Đình Tư (nghệ danh Đình Tư) - Đoàn Cải lương Hoa Mai...

4 cậu cháu là những tên tuổi của làng sân khấu phía Bắc

Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tưởng – nguyên Trưởng Đoàn Cải lương Hoa Mai (Hà Tây cũ) là một nghệ sĩ đa tài, nổi tiếng trong ngành nghệ thuật cải lương của cả nước. Ông không chỉ diễn giỏi, hát hay mà còn làm đạo diễn và chuyển thể cải lương.

1741355344435.png

Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tưởng cùng vợ tại khu lăng mộ cụ Nguyễn Đình Nghị. Ảnh: GĐCC

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, giọng ca vàng của ông đã được Tiếng nói Việt Nam giới thiệu qua làn sóng phát thanh nhiều lần, góp phần cổ vũ, động viên quân dân cả nước, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Những bài ca quê hương: Võ Thị Thắng, Cây sáo trúc, Hoa tím chiều thu, Hạt lúa quê mình... được thính giả cả nước yêu cầu phát lại nhiều lần trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông giành Huy chương vàng tại các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1970 với vở "Tình yêu và tội phạm" và năm1990 với vở "Ông Thánh sinh đôi". Cả hai vở diễn này, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tưởng vừa đóng vai trò diễn viên, vừa đảm đương vai trò đạo diễn.

Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tưởng cũng có nhiều năm giảng dạy tại khoa Kịch hát Dân tộc của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Nghỉ hưu theo chế độ từ năm 1996, ông vẫn chưa vơi nhiệt huyết và đam mê, vẫn cống hiến cho nghệ thuật dưới nhiều vai trò khác nhau.

Nghệ sĩ Nhân dân Quang Chí – nguyên Trưởng đoàn Cải lương Nam Định là em ruột của Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tưởng. Mới 14 tuổi, ông đã được tuyển vào Đoàn Cải lương An Lạc. Năm 23 tuổi, nhờ có giọng ca mùi mẫn, thể hiện nội tâm nhân vật xuất sắc, đóng được nhiều dạng vai nên ông đã được giao những vai đinh của vở diễn.

1741355411446.png

Vợ chồng Nghệ sĩ Nhân dân Quang Chí. Ảnh: GĐCC

Trong những năm tháng làm nghề, Nghệ sĩ Nhân dân Quang Chí đã đoạt nhiều huy chương trong các kỳ liên hoan, hội diễn. Nhưng có lẽ đỉnh điểm, khẳng định tên tuổi của giọng ca cải lương Quang Chí đặc sắc nhất đất Nam Định vào năm 1994. Đó là vai Giám đốc Nghĩa trong vở Xin đừng lầm lỡ diễn tại dịp Hội diễn Miền Duyên Hải tổ chức ở Thái Bình. Vai diễn này đã giúp ông đoạt liền hai giải cao nhất: Huy chương Vàng cho vai diễn chính và Giải Nam nghệ sĩ xuất sắc nhất.

Năm 1997, Nghệ sĩ Nhân dân Quang Chí làm Trưởng đoàn Cải lương Nam Định. Đến năm 2012, ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông là người đầu tiên của tỉnh Nam Định được phong danh hiệu cao quý này.

Ông đoạt nhiều Huy chương Vàng các vai diễn: Giáo sư Lân (vở Cánh cửa hy vọng), Giáo sư Hoàng (vở Hoa đời chớm nở), nhân vật Trần Hưng Đạo (vở Đức Thánh Trần), vai Trần Thủ Độ (vở Tình sử vương triều)… Sau khi về hưu năm 2013, Nghệ sĩ Nhân dân Quang Chí vẫn say mê diễn và tham gia đào tạo các nghệ sĩ trẻ.

1741355447364.png

Nghệ sĩ Nhân dân Mai Hương và Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải. Ảnh: FBNV

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Mai Hương – nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội gọi Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tưởng và Quang Chí là cậu. Bà có tới 40 năm gắn bó với sân khấu truyền thống, từng để lại nhiều ấn tượng với các vai như: vai Ni cô Đàm Vân vở Ni cô Đàm Vân, vai cô Son trong vở Cô Son, vai Hoàng hậu Thượng Dương trong Thái úy Lý Thường Kiệt, vai Ngọc Dung trong Đêm hội Long trì...

Trong cuộc đời làm diễn viên, đa số các nghệ sĩ thường bắt đầu bằng các vai phụ trước khi có cơ hội "chiếm lĩnh" sân khấu và tỏa sáng với vai chính. Nhưng riêng trường hợp của Nghệ sĩ Nhân dân Mai Hương lại chưa kinh qua vai phụ đã được đóng vai chính. Và bà không chỉ đóng đinh với dạng đào thương mà còn đóng vai đào lệch, chính diện lẫn phản diện… Chính sự dạng diễn xuất và tài năng hiếm có đã giúp Nghệ sĩ Nhân dân Mai Hương gặt hái được nhiều huy chương vàng.

Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải là em ruột của Nghệ sĩ Nhân dân Mai Hương. Ông là một diễn viên, đạo diễn sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2015.

Tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh năm 1972, 4 năm sau, Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải đầu quân về Đoàn Kịch nói Công an Hà Nội. Tại đây, ông ghi dấu ấn với hàng loạt vai diễn như: Quang "bụi đời" trong Hương gai, Ngọc "công tử bột" trong Thủ phạm là ai, Tuấn "rỗi hơi" trong Kẻ rỗi hơi, Lâm trong Sống ngoài tiêu chuẩn…

1741355478505.png

Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải đứng bên bia mộ soạn giả Nguyễn Đình Nghị. Ảnh: FBNV

Năm 1990, Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải chuyển về Đoàn Kịch Hà Nội (Nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Trong 4 năm làm diễn viên tại đây, Tuấn Hải đã gặt hái được nhiều Huy chương vàng và Giải thưởng Tài năng Sân khấu Trẻ cho những thành tích về nghệ thuật biểu diễn sân khấu của mình.

Đến năm 1994, Tuấn Hải về đầu quân và dừng chân tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Đây là thời gian hoạt động sân khấu lâu dài và tâm huyết nhất.

Trong vai trò diễn viên, Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải đã thể hiện là một diễn viên rất "đa năng" chứ không đóng đinh với một dạng vai nào. Anh có thể đóng cả vai hài lẫn vai bi, có thể đóng vai người già ngay từ khi còn trẻ nhưng đến giờ lại vẫn có thể đóng vai trẻ con, đóng vai nam và đóng được cả vai nữ, đóng được vai chính diện đồng thời còn vào được cả vai lưu manh phản diện...

Nhắc đến Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải là khán giả lại nhớ đến hàng loạt vai diễn kinh điển được yêu thích như: Bản danh sách điệp viên, Giấc mộng đêm hè, Vàng một bên em một bên, Vợ chồng rởm, Bệnh sĩ...

Khi vào một vai bất kỳ, một nhân vật nào, nam nghệ sĩ đều để lại ấn tượng về những số phận và tính cách riêng, không lặp lại và luôn vượt qua chính mình. Trở thành đạo diễn sân khấu, Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải lại thỏa sức sáng tạo, quyết cách tân làm mới sân khấu.

Nguồn: Dân Việt
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top