Ly hôn tuổi xế chiều phức tạp hơn bạn nghĩ

LaoKhoa
Chuyên Lão Khoa
Phản hồi: 0

Chuyên Lão Khoa

Thành viên tích cực
Trong những năm gần đây, có sự gia tăng đáng kể cái gọi là "ly hôn xám", một thuật ngữ dùng để mô tả sự chia tay của các cặp đôi trên 60 tuổi, đặc biệt là những cặp đôi đã chung sống với nhau hơn 20 năm.
Nhiều người có thể nghĩ ly hôn tuổi xế chiều là sự giải thoát cho nhau, nhưng thực tế điều này lại để nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
"Xế chiều" vẫn chia tay vì tài sản
1729988591346.png

Dù đã có con cháu đề huề, thậm chí ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn chọn ly hôn, đường ai nấy đi.

Theo lãnh đạo một số Tòa án Nhân dân cấp huyện, nguyên nhân dẫn đến ly hôn ở người cao tuổi không đa dạng như ở người trẻ. Phần lớn các cặp vợ chồng chia tay ở tuổi "xế chiều" không chỉ liên quan đến chuyện tình cảm, trách nhiệm còn hay hết mà chủ yếu liên quan đến vấn đề kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Tú, Chánh Văn phòng Tòa án Nhân dân TP Hải Dương cho biết, trên 50% số vụ ly hôn ở người cao tuổi mà ông thụ lý liên quan đến kinh tế. Nhiều người là “rổ rá cạp lại”, không có con chung, trong quá trình chung sống nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên ly hôn để rạch ròi về tài sản. Người thì bất đồng trong việc chia tài sản thừa kế cho con nên cũng ly hôn.
Một cặp vợ chồng gần 60 tuổi ở TP Hải Dương ra tòa ly hôn chỉ vì người chồng muốn chia tài sản là một mảnh đất trị giá gần 6 tỷ đồng cho con lớn nhưng người vợ lại muốn để lại cho con út. Không tìm được tiếng nói chung nên họ ra tòa chia tay để rồi ai muốn cho con thế nào tùy ý.

Chung sống đã nhiều năm nhưng khi ở dốc bên kia cuộc đời, ông T.V.N. (84 tuổi) và bà Đ.T.K (76 tuổi, ở Kinh Môn) vẫn ra tòa ly hôn, nguyên nhân cũng chỉ vì kinh tế. Ông N. cưới bà K. sau khi người vợ trước mất mấy năm. Hai ông bà đến được với nhau là do con cái của ông N. mai mối nhưng rồi cũng chính những người con của ông N. ép bố mình phải ly hôn khi đã ở “tuổi gần đất xa trời”.

“Tôi và ông ấy lấy nhau nhưng không có con chung. Bao nhiêu năm nay vợ chồng tôi nương tựa, chăm sóc lẫn nhau. Chỉ vì lo tôi sẽ lấy hơn 200 triệu đồng tiền tiết kiệm của ông ấy mà các con ông ấy ép bố phải làm đơn ly hôn ”, bà K. ngậm ngùi cho biết.

Qua thực tế tư vấn pháp lý về ly hôn cho một số cặp vợ chồng người cao tuổi, luật sư Nguyễn Kiều Đông, Trưởng Văn phòng Luật sư Á Đông cho biết, ở người cao tuổi, nếu chia tay thì mâu thuẫn thường rất trầm trọng, kéo dài. Vì con cái đã trưởng thành nên khi ly hôn ở người cao tuổi thường sẽ giải quyết 2 vấn đề là quan hệ vợ chồng và tài sản. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn cũng có rất nhiều, như vợ chồng không sinh được con trai nên chia tay vì chồng quan hệ với người phụ nữ khác và có con trai…; có người cao tuổi ly hôn do bị chồng ngược đãi, rượu chè...

Tỷ lệ hòa giải thành rất thấp

Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng qua thực tế xét xử, lãnh đạo một số Tòa án Nhân dân cấp huyện nhận định, tình trạng người cao tuổi ly hôn đang có xu hướng gia tăng.

Chỉ tính riêng tại TP Hải Dương, từ đầu năm đến nay, Tòa án Nhân dân thành phố đã giải quyết trên 40 vụ ly hôn mà đương sự từ 50 tuổi trở lên, thậm chí có người đã 88 tuổi vẫn đệ đơn xin ly hôn.

Theo ông Nguyễn Văn Tú, hậu quả từ việc ly hôn của người cao tuổi để lại tuy không lớn như ở lớp trẻ nhưng đây cũng là một thực tế đáng buồn. Tỷ lệ hòa giải thành công ở những cặp vợ chồng từ 50 tuổi trở lên rất thấp, hầu hết tòa đều phải chấp nhận cho ly hôn.

Bà Nguyễn Thị Phương, nguyên Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống, văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, ly hôn dù ở lứa tuổi nào thì đều để lại những hệ lụy cho gia đình và xã hội. Với người cao tuổi, khi họ làm đơn xin ly hôn thì nguyên nhân phải rất trầm trọng, không thể hàn gắn bởi tuổi càng cao càng có nhiều gắn bó, không chỉ về kinh tế, con cái mà còn trách nhiệm với hai bên gia đình.

Tuy nhiên, theo bà Phương, cũng phải nhìn nhận mặt tích cực của việc ly hôn ở người cao tuổi. Ly hôn là một sự khẳng định quyền tự do của con người. Khi người phụ nữ đứng lên làm chủ cuộc sống, không bị phụ thuộc về nhiều thứ, đặc biệt là làm chủ kinh tế thì họ không thể nhẫn nhục để duy trì cuộc sống hôn nhân nhiều áp lực.

“Ly hôn chỉ nên là giải pháp cuối cùng cho mối quan hệ hôn nhân bởi đây là mối quan hệ đặc biệt chỉ sau mối quan hệ máu mủ. Do đó, mỗi gia đình nên xem xét kỹ để hàn gắn trước khi quyết định ly hôn. Các dòng họ, gia đình cần quan tâm đến các mối quan hệ ấy từ lúc cơm không lành, canh không ngọt, đừng để diễn biến ngày càng xấu. Cộng đồng cũng cần có những giải pháp để giúp các gia đình giải quyết mâu thuẫn, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe”, bà Phương đề xuất.

Nguồn: Báo Hải Dương
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top