Một chiếc váy giữa thời bao cấp, một cảnh quay bên sông lúc hoàng hôn, và một vai diễn làm nên bước ngoặt trong sự nghiệp, đó là những ký ức mà NSƯT Thanh Loan vẫn giữ vẹn nguyên khi nhắc đến bộ phim “Bài ca ra trận”.
Xuất hiện trong chương trình Cine 7 – Ký ức phim Việt phát sóng ngày 19/7 vừa qua, NSƯT Thanh Loan chia sẻ về quá trình tham gia bộ phim Bài ca ra trận của cố đạo diễn, NSND Trần Đắc. Bộ phim là một trong những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu phản ánh lý tưởng sống và nghị lực phi thường của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, qua góc nhìn lãng mạn và đầy chất thơ của đạo diễn Trần Đắc.
(NSƯT Thanh Loan tham gia chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt phát sóng ngày 19/7.)
Trong hồi ức của NSƯT Thanh Loan, vai diễn Lê trong Bài ca ra trận đánh dấu bước trưởng thành quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của bà. Khi tham gia bộ phim, bà là diễn viên thuộc Nhà hát kịch Quân đội, và sau vai diễn này, bà được tín nhiệm giao thêm nhiều vai chính trên sân khấu.
Cùng góp mặt trong tác phẩm còn có diễn viên Dũng Nhi (vai Nam) và NSND Như Quỳnh (vai Mai). Dù lần đầu tham gia phim điện ảnh, họ vẫn để lại ấn tượng tốt nhờ lối diễn xuất tự nhiên, chân thực. NSƯT Thanh Loan cho biết việc tuyển chọn diễn viên cho phim thời đó rất kỹ lưỡng, không chỉ yêu cầu khả năng diễn xuất mà còn phải phù hợp về ngoại hình, khuôn hình với nhân vật.
(Phân cảnh lãng mạn đáng nhớ của NSƯT Thanh Loan với diễn viên Dũng Nhi.)
Một trong những phân đoạn bà nhớ nhất là cảnh quay hoàng hôn tại một làng quê ở Hà Tây, có rừng dừa và dòng sông Đáy. Đoàn phim chỉ có khoảng 15-20 phút để hoàn thành cảnh quay, khi ánh nắng chiều gần tắt. Đó là khoảnh khắc hai nhân vật Lê và Nam ngồi bên sông, chứng kiến đoàn quân hành quân ngang qua. Cô gái ngượng ngùng giấu mặt vào vai bạn trai, một hình ảnh lãng mạn nhưng vẫn thấm đẫm tinh thần thời chiến.
Một chi tiết đặc biệt được NSƯT Thanh Loan tiết lộ là việc đạo diễn Trần Đắc đã làm công văn xin vải để may trang phục cho nhân vật của bà. Trong bối cảnh thời bao cấp, mỗi người chỉ được cấp bốn mét vải mỗi năm, việc có một mảnh vải hoa để may váy là điều không dễ. Tuy nhiên, sự chỉn chu của đạo diễn đã góp phần tạo nên hình ảnh chuyển mình rõ rệt của nhân vật, từ một cô gái nông thôn đến khi trở thành lưu học sinh tại nước ngoài.
(Tạo hình của NSƯT Thanh Loan trong phim Bài ca ra trận.)
Với NSƯT Thanh Loan, bộ phim không chỉ là hành trình nghề nghiệp mà còn là lát cắt chân thực của một thời đại. Trong ký ức của diễn viên Thanh Loan, một câu nói đã ăn sâu vào tâm trí thế hệ thanh niên lúc bấy giờ: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Bộ phim Bài ca ra trận đã khắc họa rõ nét lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, khi họ gác bút lên đường ra chiến trận, sống, chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. #Bàicaratrận
Xuất hiện trong chương trình Cine 7 – Ký ức phim Việt phát sóng ngày 19/7 vừa qua, NSƯT Thanh Loan chia sẻ về quá trình tham gia bộ phim Bài ca ra trận của cố đạo diễn, NSND Trần Đắc. Bộ phim là một trong những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu phản ánh lý tưởng sống và nghị lực phi thường của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, qua góc nhìn lãng mạn và đầy chất thơ của đạo diễn Trần Đắc.

(NSƯT Thanh Loan tham gia chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt phát sóng ngày 19/7.)
Trong hồi ức của NSƯT Thanh Loan, vai diễn Lê trong Bài ca ra trận đánh dấu bước trưởng thành quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của bà. Khi tham gia bộ phim, bà là diễn viên thuộc Nhà hát kịch Quân đội, và sau vai diễn này, bà được tín nhiệm giao thêm nhiều vai chính trên sân khấu.
Cùng góp mặt trong tác phẩm còn có diễn viên Dũng Nhi (vai Nam) và NSND Như Quỳnh (vai Mai). Dù lần đầu tham gia phim điện ảnh, họ vẫn để lại ấn tượng tốt nhờ lối diễn xuất tự nhiên, chân thực. NSƯT Thanh Loan cho biết việc tuyển chọn diễn viên cho phim thời đó rất kỹ lưỡng, không chỉ yêu cầu khả năng diễn xuất mà còn phải phù hợp về ngoại hình, khuôn hình với nhân vật.

(Phân cảnh lãng mạn đáng nhớ của NSƯT Thanh Loan với diễn viên Dũng Nhi.)
Một trong những phân đoạn bà nhớ nhất là cảnh quay hoàng hôn tại một làng quê ở Hà Tây, có rừng dừa và dòng sông Đáy. Đoàn phim chỉ có khoảng 15-20 phút để hoàn thành cảnh quay, khi ánh nắng chiều gần tắt. Đó là khoảnh khắc hai nhân vật Lê và Nam ngồi bên sông, chứng kiến đoàn quân hành quân ngang qua. Cô gái ngượng ngùng giấu mặt vào vai bạn trai, một hình ảnh lãng mạn nhưng vẫn thấm đẫm tinh thần thời chiến.
Một chi tiết đặc biệt được NSƯT Thanh Loan tiết lộ là việc đạo diễn Trần Đắc đã làm công văn xin vải để may trang phục cho nhân vật của bà. Trong bối cảnh thời bao cấp, mỗi người chỉ được cấp bốn mét vải mỗi năm, việc có một mảnh vải hoa để may váy là điều không dễ. Tuy nhiên, sự chỉn chu của đạo diễn đã góp phần tạo nên hình ảnh chuyển mình rõ rệt của nhân vật, từ một cô gái nông thôn đến khi trở thành lưu học sinh tại nước ngoài.

(Tạo hình của NSƯT Thanh Loan trong phim Bài ca ra trận.)
Với NSƯT Thanh Loan, bộ phim không chỉ là hành trình nghề nghiệp mà còn là lát cắt chân thực của một thời đại. Trong ký ức của diễn viên Thanh Loan, một câu nói đã ăn sâu vào tâm trí thế hệ thanh niên lúc bấy giờ: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Bộ phim Bài ca ra trận đã khắc họa rõ nét lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, khi họ gác bút lên đường ra chiến trận, sống, chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. #Bàicaratrận
Tác phẩm “Bài ca ra trận” đã giành Giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III năm 1975 và tiếp tục được khán giả nhớ tới suốt hơn nửa thế kỷ qua.