Nguyện vọng người dân: Nên đổi tên xã mới từ số 1, 2, 3 sang tên có bản sắc

Cindy Nguyễn
Cindy Nguyễn
Phản hồi: 3

Cindy Nguyễn

Thành viên nổi tiếng
Thành viên BQT
Sau khi Quảng Trị, Quảng Nam đổi tên xã mới từ số 1, 2, 3... và phương hướng sang tên mang bản sắc, nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình và mong muốn các địa phương đặt tên phường xã sau sáp nhập cần gắn liền với lịch sử, văn hóa.
1745301833106.png

Người dân Quảng Trị ủng hộ việc đặt tên xã mới theo văn hóa, lịch sử. Trong ảnh: Người dân xã Gio An, Gio Linh dựng nêu ngày Tết - Ảnh: HOÀNG TÁO

Khi nguyện vọng của người dân được lắng nghe
Trước đó, ngày 18-4, Sở Nội vụ Quảng Trị công bố quyết định lấy ý kiến người dân về sắp xếp địa giới hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Theo đó, huyện Triệu Phong được sắp xếp thành 5 xã mới có tên đánh số, từ Triệu Phong 1 đến Triệu Phong 5.

"Quá trình lấy ý kiến, tham khảo người dân, thấy cần đặt tên mang bản sắc nên huyện quyết định đổi phương án đặt tên.
Chiều 19-4, Ban Thường vụ Huyện ủy họp và thống nhất đổi tên từ đánh số sang đặt tên chữ" - ông Phan Văn Linh - chủ tịch UBND huyện Triệu Phong - cho biết.

Trong hai ngày 20 và 21-4, các huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh và Gio Linh đã lắng nghe ý kiến người dân, đổi tên các xã mới từ đánh số, phương hướng thành tên các địa danh lịch sử, văn hóa như Bến Hải, Cửa Việt, Cồn Tiên, Ái Tử…

Nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với cách làm này. "Một sự lắng nghe kịp thời. Hoan nghênh lãnh đạo huyện" - bạn đọc Hoàng bày tỏ.

Theo bạn đọc, việc đặt tên xã, phường sao cho vừa khoa học, dễ nhớ, lại vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa.

Đa số ý kiến đều nghiêng về việc sử dụng địa danh lịch sử, hoặc những tên gọi có ý nghĩa văn hóa sâu sắc thay cho việc đánh số thứ tự.

Bạn nguy****@gmail.com bày tỏ: "Rất mong việc đặt tên thay số được nhân rộng".

Theo bạn đọc Hoàng Minh, cách làm của Quảng Trị trong việc đặt tên đơn vị hành chính là "quá tuyệt vời. Không nên đặt theo tên quận huyện rồi thêm số 1, 2, 3 vô".

"Các huyện khác đặt theo hướng đông tây nam bắc cũng nên nghiên cứu thay đổi" - bạn đọc Ben chia sẻ.

Lý giải thêm về sự cần thiết của việc lắng nghe ý dân, bạn ledu****@gmail.com nhận định: "Chính quyền lắng nghe dân, thấu hiểu dân thì sẽ được lòng dân! Thực tế còn nhiều địa phương đặt tên theo số như vậy, cần thay đổi!".

Việc đặt tên theo số thứ tự được cho là làm mất đi bản sắc và gây nhầm lẫn.

Bạn ban***@gmail.com cho rằng: "Chúng ta thiếu gì tên hay và ý nghĩa mà đặt theo số thứ tự. Bản sắc lịch sử, văn hóa từ những điều nhỏ nhất cần phải được trân trọng và giữ gìn cho từng vùng đất".


Từ góc độ thực tiễn, bạn pkdu****@gmail.com "rất hoan nghênh và ủng hộ sự thay đổi của Quảng Trị, các tỉnh khác cũng nên học tập và thay đổi như trên. Cái tên một địa phương mang nhiều ý nghĩa và cho nhiều đời sau. Không nên để các tên số như vậy rất vô cảm và hay nhầm lẫn".
1745301903952.png


Mong tên phường tên xã giàu ý nghĩa hơn
Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, ngày 20-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổng rà soát lại địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương, đề xuất đặt tên mới cho các xã, phường sau sắp xếp.
Thống nhất không đặt tên các xã phường mới theo cách gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2, 3, 4... hoặc theo phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.

Thay vào đó, sử dụng tên gọi gắn liền với các vùng đất, di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất.

Nhiều tên làng, dòng sông, hay di sản văn hóa nổi tiếng đã được đặt tên cho các xã, phường mới.

Bạn đọc Việt Hà bày tỏ: "Mong rằng xã phường trong cả nước có tên hay, ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc, mà không phải tên số hay tên nửa chữ nửa số".

Bên cạnh giá trị văn hóa và lịch sử, việc đặt tên theo địa danh còn mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Bạn Thanh phân tích: "Rất đồng tình với việc đặt tên gắn liền với một số địa danh lịch sử, văn hóa thay vì lấy tên huyện kèm theo số thứ tự sẽ làm mất đi những ký ức của người dân về địa danh nơi sinh ra".

Những ý kiến trên cho thấy nguyện vọng chung của người dân về việc các địa phương cần quan tâm hơn đến yếu tố lịch sử, văn hóa và địa danh khi tiến hành sáp nhập và đặt tên đơn vị hành chính.

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa thông qua tên gọi địa phương không chỉ là mong muốn chính đáng của người dân, mà còn góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng và niềm tự hào về quê hương. Nguồn: Tuổi trẻ
 
Nếu chỉ để dễ tin học hóa thì cho đánh số toàn bộ ĐVHC cấp xã cả nước đi, có khoảng 3500 phường xã chứ bao nhiêu (ví dụ : phường 99, xã 3499)
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top