Những 'biến tướng' dạy thêm, học thêm sau gần 3 tháng thực hiện Thông tư 29

B
Ánh Bình Minh
Phản hồi: 3

Ánh Bình Minh

Thành viên nổi tiếng
Gần 3 tháng sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều vi phạm mới.

Liên tiếp phát hiện cơ sở vi phạm quy định dạy thêm, học thêm

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước các "biến tướng" của hoạt động dạy thêm, học thêm. Tại TPHCM, một lớp dạy thêm núp bóng "luyện chữ đẹp" tại Nhà Văn hóa Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã bị đình chỉ sau phản ánh của người dân. Đoàn kiểm tra phát hiện giáo viên thuê địa điểm để dạy các môn văn hóa cho học sinh tiểu học, vi phạm Thông tư 29.

Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT cũng vừa quyết định dừng hoạt động một trung tâm dạy thêm 600 học sinh ở quận Đống Đa do vi phạm quy định về công khai thông tin và an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Cũng ngày sau đó, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu quận Hà Đông xác minh và xử lý nghiêm phản ánh về việc giáo viên dạy thêm cho chính học sinh mình đang giảng dạy chính khóa.

1745758097029.png

Trung tâm văn hóa mượn thêm phòng học ở nhà dân để mở lớp tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của VTV.

Những vụ việc này cho thấy, dù Thông tư 29 đã có hiệu lực, tình trạng dạy thêm trái quy định vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát triệt để.

Trao đổi với VietNamNet trước khi thông tư có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Bộ không cấm dạy thêm, học thêm mà đặt ra khuôn khổ pháp lý rõ ràng, quy định cụ thể những hoạt động được phép và không được phép, đồng thời tăng cường giám sát của chính quyền và xã hội.

Thông tư 29 đặc biệt chú trọng cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các lớp năng khiếu) và học sinh đã học hai buổi/ngày. Đối với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, yêu cầu minh bạch pháp lý, công khai thông tin và nghiêm cấm giáo viên dạy thêm bên ngoài có thu tiền với học sinh chính khóa của mình.

Bộ GD-ĐT khẳng định, việc học thêm tự nguyện để nâng cao kiến thức là chính đáng, nhưng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Vì sao cố "lách" dạy thêm?

Nhiều ý kiến gửi về VietNamNet cho rằng, học thêm là nhu cầu cá nhân, rất khác biệt giữa các học sinh, gia đình, nên khó áp dụng quy định cứng nhắc. Chính những quy định chưa phù hợp thực tế có thể khiến cả giáo viên lẫn phụ huynh tìm cách "lách luật".

Độc giả Nga Vũ bày tỏ: "Con tôi lớp 11, chỉ thích học Toán cô giáo dạy chính khóa. Giờ trường không tổ chức học thêm, cô cũng không dám dạy, con lại không muốn học thầy cô khác. Tự học ở nhà thì bố mẹ không yên tâm, trong khi năm tới cháu đã thi tốt nghiệp, vào đại học".

Chị đặt câu hỏi: Nếu cha mẹ viết đơn tình nguyện xin cô giáo hướng dẫn nhóm nhỏ các học sinh do cô dạy chính khóa, và chịu mọi trách nhiệm khi bị thanh tra, thì có được không?

Tương tự, độc giả Vũ Thị Quyên (ngoại thành Hà Nội) chia sẻ: Hai con đang học cấp 2 chỉ nghỉ đúng 3 tuần sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, sau đó đi học thêm tại nhà các cô giáo ở trường như cũ.

“Trong 3 tuần bọn trẻ nghỉ học thêm, thấy các con ‘nhàn’ quá, đi học một buổi về nhà chỉ đọc truyện tranh, xem tivi, chơi điện tử, tôi đâm ra lo lắng. Vì thế khi cô giáo nhắn tin ‘cô đã làm xong thủ tục, các bố mẹ cho con đến học bình thường’, tôi viết đơn theo cô hướng dẫn, và cho con đi học luôn”, người mẹ kể lại.

Chị cho biết, học phí hiện tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/buổi, thời gian học giảm từ 2 giờ xuống 1,5 giờ theo quy định của trung tâm liên kết.

Bên cạnh sự thỏa hiệp của phụ huynh, nhiều độc giả cho rằng, chính nguồn thu lớn cũng là một phần lý do nhiều giáo viên bất chấp rủi ro để “lách” các quy định về dạy thêm, học thêm.

Một độc giả tên Trung bình luận: “Có lẽ nguồn thu từ dạy thêm quá lớn so với đồng lương chính thức, nên khiến nhà trường, các thầy cô phải tìm cách 'lách' luật để tiếp tục dạy thêm.

Vẫn cần giải quyết tận gốc vấn đề

Để tránh các "biến tướng" dạy thêm, học thêm, nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, không "giơ cao đánh khẽ", đồng thời truy trách nhiệm cơ quan quản lý địa phương.

Bên cạnh đó, một số người đọc góp ý, chính phụ huynh cũng cần thay đổi, góp phần thực hiện nghiêm túc các quy định. Độc giả Phùng Duy Hải viết: "Chúng ta cần mạnh dạn không cho con đi học thêm và hướng dẫn con cách tự học - đó là cách cấm dạy thêm tốt nhất, chứ không thể đưa ra mệnh lệnh hành chính cấm dạy thêm được vì còn có nhiều người không phải là giáo viên nhưng họ vẫn có quyền được dạy học cho mọi người".

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm, xử lý và hạn chế các "biến tướng" chỉ là “uốn” phần ngọn, chưa giải quyết "gốc rễ" vấn đề.

Độc giả Phạm Duy Nhất, người tự nhận có 40 năm công tác trong ngành giáo dục, nêu quan điểm: "Đã cấm thì cấm triệt để, kể cả trung tâm. Học sinh chỉ cần học hết chương trình phổ thông là đủ. Em nào cần phát triển thêm sẽ được bồi dưỡng, em yếu sẽ được phụ đạo. Như vậy vừa giảm áp lực, vừa giữ đúng tính nhân văn của giáo dục".

Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Phạm Tuấn Anh bày tỏ: "Giáo dục phổ thông cần đảm bảo chất lượng thực chất, để học sinh không phải lao ra ngoài tìm lớp học thêm".

Nguồn: vietnamnet
 
Cũng khó cho phụ huynh học sinh , thời gian học chính khoá không đủ để hiểu hết chương trình học , bắt buộc phải học thêm. Nhiều trung tâm , thầy cô giáo lại không làm đủ điều kiện như quy định ( có thể muốn TRỐN THUẾ ) nên không làm giấy phép đầy đủ. .
 
Tôi rất đồng tình với ý liến của bạn Phạm Duy Nhất. "Đã cấm thì cấm triệt để, kể cả trung tâm. Học sinh chỉ cần học hết chương trình phổ thông là đủ. Em nào cần phát triển thêm sẽ được bồi dưỡng, em yếu sẽ được phụ đạo. Như vậy vừa giảm áp lực, vừa giữ đúng tính nhân văn của giáo dục". Riêng tôi, các môn ngoại ngữ thì nên để cho hoạt động và có kiểm soát chặt chẽ. Nếu cấm không triệt để thì những bạn không đi học thêm sẽ bị tụt về kiến thức, khi lên lớp học chính khóa các con sẽ thua thiệt các bạn đi học thêm, khi thi học kỳ hoặc thi cuối cấp và đại học khó đọ được các bạn đi học thêm (trừ các trường hợp ngoại lệ thuộc diện thông minh và học giỏi). Mặt khác, với việc dạy thêm như vậy người dạy thu về khoản tiền có thể nói là khổng lồ (nhiều thầy cô, trung tâm dạy thêm dạy 4-6 ca/ ngày với số lượng học sinh rất đông) nhưng nhà nước không hề được một đóng tiền thuế nào, trong khi cha mẹ thì chạy đôn chạy đáo để cho con theo học.
 
Thông tư 29 đã đi vào cuộc sống được hơn 70 ngày, tác động của nó đến giáo dục và xã hội nói chung còn cần thời gian để đánh giá. Cá nhân tôi là một viên chức, một nhà giáo đã đồng tình và thực hiên nghiêm thông tư này. Dư luận về các thầy cô dạy dưới hình thức Hộ kinh doanh, nhóm nhỏ theo dạng kèm riêng, hay loại hình tương tự vẫn được bàn tán. Sự hợp pháp của một số Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức (thực chất do ai điều hành?), sự an toàn của học sinh và chất lượng dạy và học ở các trung tâm này cũng cần có thời gian để nhìn nhận. Tôi chỉ thấy tiếc bởi nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, quản lí các nhà trường về nhân sự, chương trình, chất lượng, và nhiều yếu tố khác; các nhà trường là nơi có điều kiện dạy và học chuẩn mực, nhu cầu bồi dưỡng kiến thức của một bộ phận học sinh là có thật và chính đáng. Vậy nhưng, giờ học sinh đến học tại các trung tâm, hộ kinh doanh, hoặc học chui với điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự chưa thể như các nhà trường, chất lượng và an toàn của học sinh cũng không được bảo đảm. Tôi thiết nghĩ, đã không dạy thêm là không tất, khoán chất lượng giảng dạy tới cá nhân, còn nếu cho dạy thêm nên qui về đầu mối của cơ quan giáo dục, các cơ sở giáo dục và nhà trường, vừa bảo đảm nhiều điều kiện dạy và họcvừa dễ thu nộp thuế cho nhà nước.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top