Nữ biệt động tham gia cách mạng lúc 13 tuổi và giọt nước mắt của Tổng Bí thư

B
Ánh Bình Minh
Phản hồi: 1

Ánh Bình Minh

Thành viên nổi tiếng
Nhắc tới tình cảm của Bác Hồ với đồng bào miền Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm rơi nước mắt nói: "Hôm nay, chúng ta có thể báo cáo với Bác rằng ước nguyện lớn lao ấy đã được các thế hệ con cháu thực hiện bằng tất cả máu, nước mắt và ý chí sắt đá".

Sáng 21/4, tại TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt lão thành cách mạng, người có công và đại diện gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Nữ chiến sĩ biệt động tham gia cách mạng năm 13 tuổi

Nữ đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi, nguyên là chiến sĩ lực lượng biệt động Sài Gòn. Bà tham gia cách mạng năm 13 tuổi.

Phát biểu trước Tổng Bí thư, bà Tươi chia sẻ trong những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, bà cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào khi được sống tại thành phố mang tên Bác. Thấm thoát 50 năm, những thanh, thiếu niên ngày ấy giờ đã là những ông lão, bà cụ, có những người giờ đã không còn nhưng những ký ức về một thời bom đạn vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người chiến sĩ biệt động ngày ấy.

1745243880559.png
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi chia sẻ tại buổi gặp mặt. Ảnh: Xuân Đông (báo Thanh Niên)

"Hồi ấy, chúng tôi xông trận không phải để thành anh hùng. Chỉ mong sao, mình còn sống qua mưa bom bão đạn cũng là may mắn và mong sao sống thay cả những đồng đội đã ngã xuống", bà Tươi bồi hồi nói.

Nữ anh hùng chia sẻ, bà đã chứng kiến thủ trưởng của mình chiến đấu với địch đến viên đạn cuối cùng. Bà cũng chứng kiến từng đồng đội tuổi thiếu niên như mình từng người đã ngã xuống cho Tổ quốc. Năm 2010, bà được vinh danh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bà đã nghẹn ngào thốt lên: "Còn bao anh hùng vô danh…".

Bà cảm thấy tự hào khi 50 năm qua, thành phố đã dần chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

"Trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo quyết liệt tinh giản bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, được đông đảo nhân dân ủng hộ. Tôi cho rằng đây là quyết định lịch sử đưa đất nước vào thời kỳ vươn mình", bà Tươi bày tỏ.

Ký ức không quên của cựu tù chính trị ở Côn Đảo

Còn ông Trần Nhật Nghĩa, cựu tù chính trị ở Côn Đảo, nguyên giảng viên chính của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận, vẫn nhớ như in khoảnh khắc đêm 30/4/1975. Không gian trại giam số 7 chìm trong tĩnh lặng đến rợn người. Đột nhiên, những tiếng hô vang "Thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng!" dội khắp trại, mạnh mẽ, rộn ràng như tiếng pháo mừng chiến thắng.

Tại xà lim số 30, khu E, trong căn phòng chật hẹp chỉ có 3 người, ông và các đồng đội như bùng nổ trong niềm hân hoan bị kìm nén suốt bao năm. "Chúng tôi đồng thanh hô to, nhón chân ngóng qua lỗ gió, tiếng hô không chỉ bằng hơi thở mà bằng cả linh hồn khát khao tự do", ông Nghĩa xúc động kể lại.

1745244102502.png

Ông Trần Nhật Nghĩa, cựu tù chính trị ở Côn Đảo, nguyên giảng viên chính của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Xuân Huy.

Trong giây phút ấy, mọi âm mưu thủ tiêu tù chính trị của địch đều trở nên vô nghĩa trước sức mạnh tinh thần không gì khuất phục nổi. Rạng sáng 1/5, cánh cửa các phòng giam bất ngờ bật mở. Hàng trăm tù chính trị như những cánh chim thoát khỏi lồng, ôm chầm lấy nhau trong nước mắt. Sau hơn 2 thập kỷ đấu tranh, chịu đựng gian khổ, hy sinh, dân tộc ta cuối cùng đã nếm trải vị ngọt thiêng liêng của hòa bình, độc lập.

"Sáng hôm đó, ai nấy đều hối hả lao vào việc mới. Các nhóm thanh niên, học sinh, sinh viên nhanh chóng được tổ chức thành Tiểu đoàn Quyết Thắng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới", ông nói.

Chiều 19/5/1975, sau lễ kỷ niệm trọng thể 85 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuyến tàu cuối cùng đưa các cựu tù rời Côn Đảo trở về đất liền. "Dù mệt rã rời nhưng chúng tôi không sao ngủ nổi. Mỗi người ra boong tàu, ngước nhìn sao trời, ngắm biển lấp lánh, lòng tràn ngập niềm xúc động khi sắp được trở về với gia đình, với quê hương", ông Nghĩa nghẹn ngào.

Từ sau ngày trở về, các cựu tù chính trị Côn Đảo luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện và công tác. Dẫu năm tháng trôi đi, nhiều người đã khuất, số còn lại tuổi cũng đã xế chiều, nhưng họ vẫn là những biểu tượng sống động về khí tiết cách mạng, những người con trung kiên, bất khuất, sống thanh bạch và luôn hết lòng phụng sự nhân dân, phụng sự Đảng.

1745244148784.png

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Xuân Huy.

Ông cho biết, giai đoạn 1957-1975, có nhiều người con ưu tú của Bình Thuận bị đày ra Côn Đảo. Trong số đó, không ít người đã trở thành biểu tượng của tinh thần cách mạng: Đồng chí Nguyễn Minh trở thành anh hùng, Nguyễn Ngọc Cao như ngôi sao sáng giữa màn đêm lịch sử. Nhưng có những người mãi nằm lại nơi nghĩa trang Hàng Dương, số còn lại được trao trả hoặc tự do. Tính đến ngày giải phóng, chỉ còn khoảng 40 người Bình Thuận còn được trở về...

Trong số họ, có những trường hợp đặc biệt 52 tuổi đời thì có 27 năm tuổi Đảng và trọn vẹn 25 năm bị giam cầm từ 1955-1975. Đồng chí Trần Nhữ bị địch bắt khi vừa mang thai người con gái đầu lòng. Ngày được trả tự do, người con gái Trần Thị Yến đã là thiếu nữ tròn 20 tuổi, cùng mẹ đón mừng ngày đoàn tụ với cha. Đồng chí Bố Xuân Đồng, người dân tộc Chăm ngày bị bắt còn chưa có người yêu, đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho cách mạng, trong suốt những năm tháng sống giữa lao tù khắc nghiệt.

Đau đớn hơn cả là những người trẻ như Nguyễn Thị Thảo, chỉ mới đôi mươi nhưng đã bị địch đánh đến mức tàn phế, khi tỉnh khi mê...

"Sống trong ngục tù, qua ba chiến trường khốc liệt, điều khắc cốt ghi tâm chúng tôi là: Chỉ cần còn lòng dân thì cách mạng vẫn còn, chỉ cần chiến đấu vì dân thì cái chết cũng trở thành bất tử. Dân còn thì ta còn. Dân tộc này có vươn lên được hay không, cũng chỉ nhờ hai chữ 'Lòng dân'”, ông Nghĩa kết lại lời phát biểu bằng niềm tin son sắt.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Ước nguyện về ngày thống nhất của Bác Hồ đã trở thành hiện thực

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm xúc động ôn lại những tình cảm sâu nặng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho đồng bào miền Nam, nơi được Người gọi là "ruột thịt" và luôn đau đáu trong tim. Tổng Bí thư gửi lời tri ân sâu sắc tới các thế hệ chiến sĩ cách mạng, đồng bào đã hy sinh, cống hiến vì độc lập dân tộc và sự thống nhất thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong không khí xúc động khi lắng nghe chia sẻ từ các nhân chứng lịch sử, Tổng Bí thư nhắc lại giai điệu hào hùng của bài ca "Giải phóng miền Nam", như một biểu tượng tinh thần không thể phai mờ, khơi dậy ý chí, niềm tin và sức mạnh để vượt qua mọi gian nan, hiểm nguy.

1745244186842.png

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Xuân Huy.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, không một tác phẩm hay áng văn nào có thể lột tả trọn vẹn sự vĩ đại của con người Việt Nam, của Bộ đội ***** và tinh thần dân tộc bất khuất. Từ khói lửa chiến tranh, dân tộc ta đã vùng lên chiến thắng, trở thành niềm cảm hứng cho phong trào đấu tranh giành độc lập trên toàn thế giới, là biểu tượng sống động của một thời đại.

Lịch sử mãi khắc ghi công lao to lớn của các cán bộ lão thành, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, những người từng sát cánh trên mọi mặt trận, từ chiến tuyến khốc liệt đến hậu phương bền vững, từ lao tù cho đến chiến hào. Có người đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, có người trở về mang trên mình thương tích và ký ức không thể xóa nhòa, nhưng tất cả đều đã lặng thầm tiếp tục cống hiến trong thời bình.

Tổng Bí thư khẳng định, cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc càng làm nổi bật vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và các lực lượng Quân giải phóng, những thành phần nòng cốt góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp thống nhất đất nước.

Gợi lại lời căn dặn tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Miền Nam trong trái tim tôi... Đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà", Tổng Bí thư rơi nước mắt, khẳng định: "Hôm nay, chúng ta có thể báo cáo với Bác rằng ước nguyện lớn lao ấy đã được các thế hệ con cháu thực hiện bằng tất cả máu, nước mắt và ý chí sắt đá".

Hướng tới tương lai, Tổng Bí thư nhấn mạnh những định hướng trọng yếu đã được Ban Chấp hành Trung ương xác định, trong đó giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu, bởi đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn: Dân Việt
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top