Thay đổi quan trọng về mô hình, thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp

Trần Nam
Trần Nam
Phản hồi: 3

Trần Nam

Thành viên nổi tiếng
Chính phủ đề xuất sửa đổi nhiều quy định, trong đó có việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Ngày 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), trước khi dự án luật được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự kiến khai mạc đầu tháng 5 tới.

Trong tờ trình Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ khẳng định việc xây dựng Luật thay thế Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành (Luật năm 2025) là cấp thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Việc này cũng nhằm tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND

Về phạm vi, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật đã quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).

Đối tượng tác động của dự thảo Luật là: Toàn bộ cơ quan Nhà nước ở Trung ương (Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ); Chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc chính quyền địa phương; và người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
1745798294788.png

Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, ở cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND (Ảnh minh họa: Hữu Nghị)

Dự thảo luật lần này sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện) phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo.

Theo đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành (gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay được tổ chức lại để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã (mới), gồm: xã, phường và đặc khu (ở hải đảo) để phù hợp với mô hình tổ chức mới. Còn đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.

Dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền được tổ chức thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.

Trong dự thảo luật sửa đổi, Chính phủ cũng bổ sung các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để phân định rõ hơn thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương, giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã.

Việc này, theo Chính phủ, nhằm phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp; đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn vị trí, chức năng của HĐND, UBND.

Đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho cấp tỉnh

Lần này, Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.

Định hướng được Chính phủ nêu rõ là cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh.

Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… của địa phương.

Còn cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ Trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn..

Dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.
1745798331008.png

Chính phủ đề xuất sửa đổi nhiều quy định về mô hình và thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp sau sắp xếp đơn vị hành chính (Ảnh minh họa: Hữu Nghị)

Đồng thời, dự thảo Luật quy định UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho cấp xã, đặc biệt trong quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị.

Chính phủ cũng đề xuất đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo…

Đề xuất tăng đại biểu HĐND tỉnh, thành phố

Về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương, với cấp tỉnh cơ bản giữ nguyên như hiện hành. Dự thảo Luật chỉ quy định tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh (số đại biểu HĐND tỉnh được bầu tăng tối đa từ 75 lên 90; số đại biểu HĐND thành phố tăng tối đa từ 85 lên 90; HĐND thành phố Hà Nội và TPHCM 125 đại biểu).

Với chính quyền địa phương cấp xã, dự thảo luật quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu).

HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội, số lượng đại biểu HĐND tối đa 35 người.

UBND cấp xã tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực ở địa bàn cấp xã, bảo đảm phù hợp với quy mô đơn vị hành chính, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã mới.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 sẽ có hiệu lực từ 1/7.

Nguồn: Dân Trí
 
2 cấp hay 3 cấp không quan trọng, quan trọng là có phục vụ được nhân dân hay không? hay người nọ đùn đẩy cho người kia giải quyết các vấn đề về chế độ, chính sách cho nhân dân, cuối cùng nhân dân là người thiệt thòi nhất, không được hưởng các chế độ theo quy định của nhà nước vì đi nộp thủ tục để được hưởng quyền lợi nhưng không được giải quyết nên chán chẳng muốn làm thủ tục để hưởng nữa vì được hưởng chẳng đáng bao nhiêu mà mất ngày, mất buổi rồi hẹn và hẹn và cuối cùng câu trả lời là thiếu giấy tờ nọ, thiếu giấy tờ kia .v..v.. và vv... rồi không giải quyết
 
Đặt vấn đề đúng mức vai trò, vị trí , quyền hạn , nhiệm vụ của từng cấp để đủ năng lực giải quyết thủ tục hành chính đúng, nhanh gọn,.. Tránh đùn đẩy , chây ì , ngâm tôm trước nhu cầu của người dân . Đồng thời công khai đầy đủ quyền hạn, nhiệm vụ của từng cấp cho nhân dân biết để thi hành và giám sát ..
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top